25/03/2010 15:12 GMT+7

Tục rước nước hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

 VŨ TIẾN ĐỨC
 VŨ TIẾN ĐỨC

TTO - Lễ hội ở nước ta mỗi nơi có những điểm đặc sắc riêng. Và nếu nói đến lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thì đó là tục rước nước, một mỹ tục mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung hằng năm diễn ra từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch (năm nay là ngày 25-3) ở đền Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên). Ngôi đền còn có tên Nhất Hóa Dạ Trạch gợi lại câu chuyện Chử Đồng Tử cùng lâu đài thành quách trong một đêm bay về trời.

BSvVvL2O.jpgPhóng to
Kiệu thánh Chử cùng nhị vị phu nhân - Ảnh: Vũ Tiến Đức

Buổi sáng mồng 10, đám rước xuất phát từ đền Dạ Trạch đi ra bờ sông Hồng. Người dân trong trang phục lễ hội cổ truyền khiêng kiệu thánh Chử Đồng Tử cùng kiệu nhị vị phu nhân của ngài (là Tiên Dung công chúa và Hồng Vân công chúa) đi ra bờ sông Hồng, nơi mấy ngàn năm trước Chử Đồng Tử đã sinh sống và cũng là nơi gặp Tiên Dung.

Trong đoàn rước còn có kiệu bày chiếc nón và cây gậy là hai bảo vật Chử Đồng Tử nhận được khi học thành đạo.

POKij0XE.jpgPhóng to

Chiếc nón và cây gậy của Chử Đồng Tử đã đi vào huyền thoại như một bảo vật đầu tiên của nền Phật giáo Việt Nam - Ảnh: Vũ Tiến Đức

Đến bờ sông, các kiệu, nghi trượng để cả trên bờ. Chỉ có đôi rồng và chiếc kiệu khiêng bình nước được mang xuống thuyền. Việc lấy nước là một việc được người dân trong vùng rất coi trọng. Người ta quan niệm năm nào việc lấy nước thuận lợi, không gặp trục trặc gì thì năm đó dân trong vùng sẽ làm ăn thuận lợi.

Bởi vậy người coi việc lấy nước là hai cụ cao niên có uy tín trong làng, còn những người khiêng kiệu là 8 cô thanh nữ trong trang phục thướt tha, lịch thiệp.

6EoobskF.jpgPhóng to
Kiệu khiêng nước do 2 cụ cao niên uy tín và 8 thanh nữ phụ trách thể hiện sự coi trọng của người dân đối với nghi thức này - Ảnh: Vũ Tiến Đức

Nước lấy xong, đám rước quay trở lại đền với đôi rồng dẫn đầu. Chỉ đến khi nào lấy nước xong, bình nước được làm lễ trọng thể rồi đem thờ trong đền thì ban tổ chức mới được bắt đầu khai mạc hội. Đó là truyền thống đã có từ thời xa xưa. Bình nước được đem đặt lên ban thờ trong cả năm và đợi đến đám rước năm sau mới thay nước.

r8qkQG4w.jpgPhóng to
Tiếng trống rộn rã là thanh âm tươi vui của vùng thôn dã trong ngày lễ hội

Lễ dâng nước và lễ khai mạc diễn ra trong tiếng trống nhộn nhịp, tươi vui làm người xem dễ liên tưởng đến âm thanh tươi vui của thôn xóm rộn rã trong ngày mùa vui. Đó cũng là những thanh âm hùng tráng, khỏe khoắn thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người nông dân vùng châu thổ có lịch sử hàng ngàn đời.

8fSYB7YJ.jpgPhóng to

Kiệu tượng cá chép được gọi là Bế Quan Thần Quân cũng được rước đi cùng ra bến sông - Ảnh: Vũ Tiến Đức

Những người cao tuổi ở đây nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc. Nó nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá thường xuôi ngược trên sông.

Rước nước cũng tức là rước thánh từ bãi tự nhiên ở sông Hồng về đền.

 VŨ TIẾN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên