15/06/2017 17:19 GMT+7

Tuần tra Biển Đông nằm trong chiến lược lâu dài của Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ không dừng lại, bởi nó là chiến lược của Mỹ tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis - Ảnh: Reuters

"Khi tôi mới tới Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ gửi cho tôi một bản đề nghị tiến hành một đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông.

Tôi là một trong những người đã từ chối ngay lập tức. Tôi nói tôi muốn thấy trong kế hoạch là chúng ta cần làm gì, như thế nào chứ không phải cứ tiến hành riêng rẽ từng đợt như vậy. Tôi muốn nó trở thành một chiến lược",

Bộ trưởng Mattis kể lại trong cuộc điều trần trước Tiểu ban Phân bổ nguồn lực quốc phòng của Thượng viện Mỹ ngày 14-6.

Cuối tháng rồi, Hải quân Mỹ đã đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh thực thể nhân tạo Trung Quốc xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự việc này được đánh giá là thách thức chưa từng có của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại khu vực.

Trước đây có thông tin nói Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Washington đã từ chối tiến hành các chiến dịch FONOPS. Khi đó thông tin này không được chính thức xác nhận cũng như không có lý do nào giải thích cho sự từ chối đó.

Tuy nhiên, theo tạp chí Foreign Policy của Mỹ, nguyên nhân có thể nằm ở việc Washington muốn "đổi chác" Biển Đông với Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.

"Chúng ta có thể thay đổi chiến lược nếu hậu quả thay đổi không? Tất nhiên là có thể, nhưng vào lúc này, tôi và Ngoại trưởng Rex Tillerson đang nhìn ở khía cạnh quân sự. Chúng tôi đang phối hợp với nhau và tôi nghĩ sẽ không có gì thay đổi sắp tới. Tự do hàng hải là chính sách của nước Mỹ và chúng ta sẽ tiếp tục điều đó", người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định trong cuộc điều trần diễn ra vào hôm qua.

Đáp lại, thượng nghị sĩ Brian Schatz cho biết lấy làm vui mừng khi các chiến dịch FONOPS đã được nối trở lại, nhưng cần cân nhắc về "quy mô và thông điệp cần truyền tải khi Trung Quốc tiếp tục vi phạm và thách thức luật pháp quốc tế".

Trong lần tàu USS Dewey áp sát đá Vành Khăn, tàu chiến của Mỹ đã diễn tập cứu người ngay trong phạm vi 12 hải lý của thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ vừa thách thức tuyên bố đòi chủ quyền vô cớ của Bắc Kinh ở Biển Đông - Ảnh: US Navy
Tàu khu trục USS Dewey có tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ vừa thách thức tuyên bố đòi chủ quyền vô cớ của Bắc Kinh ở Biển Đông - Ảnh: US Navy

Các chuyên gia luật quốc tế nhận định rằng bằng cách này Mỹ đã không viện dẫn cái gọi là "qua lại không gây hại", mà trực tiếp bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với thực thể này và vùng nước xung quanh.

Cũng trong buổi điều trần ngày 14-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục nhắc lại vấn đề Triều Tiên và khẳng định "Mỹ đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng này". 

Giới quan sát nhận định, những phát biểu của ông Mattis trong buổi điều trần đã làm rõ hơn nữa cách tiếp cận của Mỹ đối Triều Tiên và Biển Đông - hai vấn đề gắn chặt với lợi ích của Trung Quốc.

Cách đây 2 tuần, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis đã chỉ thẳng mức độ cải tạo và quân sự hóa đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, bày tỏ sự phản đối và không chấp nhận của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Mattis sau đó cũng nhắc lại Washington cần Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên và cho rằng Trung Quốc phải hợp tác vì "đó là lợi ích của cả Bắc Kinh".

Nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ khi đó cũng đã mập mờ nói về mối quan hệ giữa quân sự và ngoại giao tại châu Á-Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng "vai trò của quân đội là tạo điều kiện cho ngoại giao thành công".

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên