16/06/2016 10:48 GMT+7

“Tự vệ” trước phân bón giả

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Trong khi chờ các cơ quan chức năng siết chặt hoạt động sản xuất và phân phối phân bón giả, nông dân cũng có thể chủ động bảo vệ mình bằng một số cách đơn giản như giữ lại hóa đơn, bao bì, không ham rẻ.

Một dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - Ảnh minh họa: Như Hùng
Một dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - Ảnh minh họa: Như Hùng

 

PGS.TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, đã khẳng định như vậy tại tọa đàm “Phân bón giả, tác hại thật” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389), Cục Quản lý thị trường (QLTT) và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) tổ chức ngày 15-6.

Thiệt hại 2,6 tỉ USD/năm do phân bón giả

Theo ông Phụng, ước tính thiệt hại mà phân bón giả, kém chất lượng gây ra đối với mùa màng nông nghiệp tại VN lên đến 2,6 tỉ USD/năm. Nhưng đó mới chỉ là con số trước mắt, hậu quả lâu dài còn lớn hơn nhiều.

Bởi nếu không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng (do phân bón giả, kém chất lượng), không chỉ năng suất của vụ mùa này mà các mùa sau cũng bị ảnh hưởng hoặc thậm chí chết cả ruộng. Thiệt hại kinh tế với nông dân sẽ là rất lớn bởi “mất mùa một năm nghèo ba năm”, trong khi đây lại là mất trắng cả ruộng vườn.

Cũng theo ông Phụng, phân bón giả, kém chất lượng thường không qua khảo nghiệm, đánh giá nên chứa nhiều hóa chất độc hại như kim loại nặng, chất kích thích tăng trưởng không được cấp phép... sẽ gây tổn hại môi trường đất - nước, sức khỏe của người dân nhiều năm về sau.

“Với các loại hóa chất trên, chất lượng nông sản của VN không thể đảm bảo, như vậy càng gây mất niềm tin ở người tiêu dùng nội địa và sự e ngại của khách hàng quốc tế” - ông Phụng khuyến cáo.

Tuy nhiên, việc quản lý phân bón tại VN còn quá nhiều bất cập và kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng sản xuất và đưa phân bón kém chất lượng, phân bón giả tới ruộng đồng của nông dân.

Để tự bảo vệ mình, theo ông Phụng, nông dân cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, cần tìm hiểu và cập nhật thông tin về phân bón, dinh dưỡng cây trồng. Chỉ chọn mua hàng ở những điểm phân phối uy tín, sản phẩm của các thương hiệu uy tín, không ham rẻ mua hàng không rõ nguồn gốc.

“Về lâu dài, nông dân cần liên kết lại với nhau theo HTX hoặc tổ hợp tác để mua phân bón, vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, có hợp đồng từ các nhà cung cấp uy tín” - ông Phụng gợi ý.

Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cũng cho rằng phân bón giả thường chỉ phát hiện sau khi đã sử dụng nên nông dân chủ động giữ hóa đơn, bao bì phân bón để có vật chứng và thông tin hỗ trợ cơ quan điều tra nếu xảy ra sự cố.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải siết chặt hơn nữa các quy định và hình thức xử lý với các hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

“Lợi nhuận sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng rất cao nên nhiều đối tượng vi phạm bất chấp mọi thủ đoạn để gây hại cho người tiêu dùng” - ông Lam nói.

Xử nặng hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả

Cũng tại tọa đàm, ông Hồ Quang Thái - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia - thừa nhận tình hình sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp, chưa được cải thiện.

Cụ thể, các cơ quan chức năng gần đây phát hiện nhiều trường hợp vi phạm ở Nghệ An, Yên Bái, Đồng Nai, Cần Thơ... Trong đó có những loại phân bón sau khi phân tích cho thấy thành phần dinh dưỡng thực tế không bằng 10% công bố trên bao bì, hay có loại phân bón cho cây mà sau ba tháng không hề tan.

Thậm chí một công ty sản xuất phân bón lớn ở Đồng Nai nhập khẩu hàng xá từ nước ngoài về chiết tách và đóng gói trong nước nhưng vẫn tuyên bố 100% hàng sản xuất tại Mỹ và theo công nghệ Mỹ!

“Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ gần 1.200 tấn phân bón giả, không rõ xuất xứ nguồn gốc, nhưng trong thực tế hàng hóa vi phạm như trên còn lớn hơn nhiều” - ông Thái cho hay.

Theo ông Thái, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn đất sống vì văn bản pháp luật của VN chưa đủ tầm để quản lý, còn nhiều sơ hở, chồng chéo trong áp dụng. Một vụ việc nhưng các cơ quan khác nhau lại có kết luận và hình thức xử lý khác nhau, cơ quan nào cũng có cơ sở các văn bản pháp luật, dễ để kẻ xấu lợi dụng.

Hơn nữa, các thiết bị lấy mẫu, phân tích của VN hiện nay không đủ nên các vụ việc phát hiện phân bón giả chủ yếu thông qua kiểm tra giấy tờ của quản lý thị trường chứ không phải qua lấy mẫu phân tích.

“Bản thân đội ngũ cán bộ chuyên viên còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, thậm chí có hành vi tiếp tay cho phân bón giả càng làm tình hình nghiêm trọng hơn” - ông Thái nói.

Ông Đỗ Thanh Lam cũng thừa nhận nhiều vụ việc sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng được phát hiện chưa được giải quyết rốt ráo, mới ở phần ngọn là xử lý người kinh doanh thay vì truy tìm nhà sản xuất.

“Xử phạt nhẹ, lợi nhuận cao đã khuyến khích các đối tượng bất chấp thủ đoạn, bất chấp đạo đức kinh doanh làm ăn gian dối. Từ hộ kinh doanh, công ty, thậm chí cả thành viên Hiệp hội Phân bón cũng vi phạm” - ông Lam cho hay.

Theo ông Mai Thành Phụng, tại nhiều quốc gia, các hành vi sản xuất và kinh doanh hàng giả sẽ bị xử phạt rất nặng, có thể rút giấy phép, truy thu thuế. Ngay cả sản phẩm đã đưa ra thị trường 10 năm trước nhưng nếu bị phát hiện sai phạm, doanh nghiệp vẫn bị xử phạt.

Trong khi đó, việc cấp phép sản xuất phân bón tại VN khá dễ dàng trong khi chính sách không theo kịp thực tế, mức xử phạt đối với vi phạm còn quá nhẹ.

“Cần rà soát hệ thống pháp luật, kiểm tra từ gốc để loại bỏ các đơn vị không đạt yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đừng để hàng giả tung hoành rồi mới kiểm tra, xử lý theo kiểu thả gà ra rồi đuổi bắt sẽ rất khó” - ông Phụng kiến nghị.

Ảnh: Q.Định
Ảnh: Q.Định

VN hiện có trên 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nhưng đến nay, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT chỉ mới cấp phép cho khoảng 500 cơ sở, vẫn còn trên 700 cơ sở chưa có giấy phép, không rõ họ tiêu thụ sản phẩm đi đâu.

Trong thực tế công tác quản lý, cấp phép kinh doanh, khảo nghiệm kiểm nghiệm, cấp hợp quy hợp chuẩn phân bón còn rất nhiều lỏng lẻo. Chẳng hạn, Bộ Công thương ủy quyền cho Trung tâm Khảo nghiệm vùng Nam bộ cấp phép hai loại phân DAP và phân lân nung chảy, nhưng đơn vị này đã cấp vượt thẩm quyền hơn 1.270 sản phẩm.

Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa công bố 11 đơn vị được Cục Trồng trọt cấp giấy cho phép chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón đều sai phạm...Ông Hồ Quang TháI

(phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia)

Ảnh: Q.Định
Ảnh: Q.Định

Phân bón giả không chỉ gây mất uy tín cho thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, làm thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp mất động lực đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Do đó, PVFCCo áp dụng nghiêm quy định “các đại lý phân phối các sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ buôn bán hàng gian, hàng giả sẽ bị cắt hợp đồng”.

Ông Đặng Hữu Thắng (phó ban tiếp thị truyền thông PVFCCo)

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên