Truyện ngắn: Vợ chồng nhà Kiến

TRUNG TRUNG ĐỈNH 02/01/2017 02:01 GMT+7

TTCT - Gần như đã thành lệ, sau bữa chiều nào tôi và Kiến cũng “giao ban” với nhau, hôm thì trước hiên nhà tôi, hôm thì trên sân thượng nhà anh.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

Kiến bảo từ hồi về đây ở, em mới học được cái nết bình chân như vại thư thả của bác thế này, chứ nếu không, chỉ riêng việc “đấu tranh” với bà cụ cũng đủ ốm người.

Tôi bấy nay thực lòng rất quý tính nết cần cù chịu thương chịu khó của vợ chồng nhà Kiến. Vợ thì cao nghểu cao nghều, làm gì cũng tỉ mẩn chậm chạp, hiền lành, chồng nói gì làm gì là đều phải đều hay.

Còn anh chồng thì ngược lại, người bé loắt choắt, cổ rụt, chân bè, chẳng thấy anh ta đi bao giờ, hễ cất bước cái là chạy. Chạy lên cầu thang. Chạy xuống cầu thang. Chạy uỳnh uỵch suốt đời.

Được cái khéo tay, đầu óc khôi hài, làm gì cũng nhanh gọn, nhưng vẫn cứ lộ rõ cái điểm yếu tất bật như con kiến vàng. Tôi đã bảo Kiến nhiều lần cậu cứ nghe tôi, chắp tay sau đít, lững thững bước những bước khoan thai mỗi ngày mươi phút xem có được không?

“Rưng mà em quen thế rồi, bác ạ”. Ấy là câu cửa miệng của Kiến sau lời phê của tôi. “Người ta chạy quyền chạy chức, chạy cô-ta. Em bác chạy ở quanh nhà quanh hem. Hem tức là hẻm đấy bác ạ”. Nói rồi cười hì hì, rót tràn ly trà, “soạt” một cái hết ngay chén đầu.

“Bà nhà em hôm nay ổn rồi bác ạ - Kiến kể - Mấy hôm rồi suốt đêm cứ đi ra đi vào không ngủ, làm cả nhà mất ngủ lây...”. “Tuổi già ít ngủ là chuyện thường. Cậu phải hỏi xem bà có nhu cầu gì không?” - tôi góp ý lấy lệ.

Kiến bảo: “Em mua mấy chục viên vi-ta-min tổng hợp đưa cho bà, bảo đây là loại thuốc ngủ mới rất hiệu quả, bu cứ uống hai viên sau bữa ăn tối, ngủ ngon ngay thôi mà”. “Chết, sao cậu lại nói dối bà thế?”. Kiến cười: “Một công đôi việc, coi như bà em vừa uống thuốc ngủ vừa uống thuốc bổ...”. “Thế có hiệu quả không?”. “Hiệu quả chứ. Bà nhà em bảo thuốc của anh hay thật đấy, đêm qua tôi ngủ ngon ngon là...”.

Bà cụ mẹ Kiến kể cũng là người hiền lành, nhưng tính khí hơi trái khoáy. Hồi hai vợ chồng mới chuyển về đây, Kiến mời tôi sang uống chén nước, bà cụ ngồi trong phòng nói ra: “Anh Kiến, anh có nhớ cái gói nilông của tôi để chỗ nào không?”.

Kiến bảo: “Bu cứ yên tâm, con cất vào rương và bao tải rồi”. “Rưng mà anh lấy cho tôi mượn xem một tí rồi cất cũng được”. Kiến chạy vào, bê cái rương gỗ để dưới nền nhà, mở ra cho bà xem. Bà cụ cầm bó giấy nilông lên, mở ra, vuốt lại từng cái.

Kiến quay ra bảo nhỏ tôi: “Cụ nhà em hâm tỉ độ, suốt ngày gom túi nilông, giấy nilông rồi bó lại, không để làm gì. Kể cả ống bơ, hộp kẹo, chai lọ, dây thun, dây nhựa, cụ thu gom đầy gầm giường, chuyển nhà cũng đòi mang theo. Thằng Tũn nhà em cũng lây tính bà đòi mang về nhà mới. Kia kìa bác xem, gia tài của hai bà cháu một cái rương và hai bao tải đấy!”.

Đúng lúc anh chồng vừa dứt lời thì mẹ con nhà Kiến về. Thằng Tũn mới xinh làm sao. Nó có cái vẻ lanh lợi, tinh ranh của bố và cái nết ngoan ngoãn của mẹ. Sau khi khoanh tay “cháu chào bác ạ” rồi thơm má bố Kiến một cái (đồng thời đá vào chân bố một phát), cu cậu chui tọt vào phòng trong với bà.

Hai bà cháu đổ cả hai bao tải gia tài ra nền nhà soạn lại một cách say sưa. Vợ Kiến biến vào bếp, nhoáng một cái đã bê ra một đĩa mực khô xào với mướp đắng: “Em mời hai anh uống riệu”.

Nhìn cung cách hiếu thảo của vợ chồng nhà Kiến mà tôi bắt ghen.

Tôi lấy phong bì “mừng nhà mới” ra đưa cho Kiến. Kiến mắm môi mắm lợi đưa đẩy, kiên quyết không nhận. Mãi sau tôi bảo cho anh biếu bà. Nói rồi tôi hai tay cầm cái phong bì đưa cho cụ. Bà cụ áng chừng hiểu ý con trai nên cũng đẩy ra.

Vợ Kiến thấy bất tiện cho khách nên cầm phong bì, nói: “Bác cho em xin”. Rồi tiếp tục bê ra một đĩa thịt luộc, một đĩa rau thơm hành củ chẻ...

Thế là đánh chén. Chỉ có hai người. Bà cụ và vợ con Kiến kiên quyết ăn ở mâm trong nhà.

Kiến bảo tôi:

- Em mua được căn hộ này cũng nhờ tiền tiết kiệm của bà em cho đấy. Bất ngờ lắm bác ạ.

Rồi kể:

- Năm ngoái em đổi tivi đen trắng sang tivi màu, cụ em dỗi mất năm ngày.

- Dỗi là sao?

- Cụ đay nghiến bây giờ các anh các chị giàu có nên lãng phí, có tivi đen trắng xem là tốt rồi, vẽ chuyện. Tôi là tôi không đổi chác gì hết, tôi xem đen trắng quen rồi.

- Thế rồi sao?

- Em bảo cơ quan bán thanh lý như cho, bán cái tivi đen trắng này cho thợ được hai triệu, mua thanh lý tivi màu một triệu rưỡi, bu có đồng ý không? Bà em im lặng. Im lặng ấy là đồng ý đấy.

Kiến cười khoái trá, tiếp tục “kể tội” mẹ.

- Buồn cười lắm, hồi em yêu nhà em đây, bà em cứ đọc đi đọc lại cái câu: “Chồng thấp mà lấy vợ cao. Đêm nằm bóp vú lấy sào mà quơ”. Em bảo bu thông cảm, tôi lùn vợ tôi phải cao, bù trừ cho nhau, bu đồng ý là tôi cưới.

Bà em không tin em tán được cô nàng xinh thế nên mỗi khi Oanh nhà em đến, bà cứ như người trên cung mây ngoài hành tinh nghi nghi, ngờ ngờ, hỏi đi hỏi lại, cháu đến chơi nhà bác thế này quý hóa quá. Oanh nhà em lại ít nói hay làm, chả biết đưa đón khách khí gì, cứ chúi đầu vào dọn dẹp bếp núc nên cụ càng không tin được dù đó là sự thật.

Cả đời cụ nhà em bán xôi đầu ô, bố em mất khi em bảy tám tuổi gì đấy, bà em bảo tao ở vậy nuôi con vì hai nhẽ, nhẽ thứ nhất là bố mày tuy làm thợ cắt đầu (cắt tóc) nhưng sống chung tình, có trước có sau. Nhẽ thứ hai là vì cái gian nhà cấp bốn được chia là nhờ hợp tác xã, bố con ở tổ “cắt đầu”, còn mẹ ở tổ “xôi chè”, hai suất hai gian, lấy ai cũng không tiện khi hương khói giỗ chạp, đành ở vậy với cái thằng con lùn đặt tên là Kiến cho dễ nuôi...

Thực ra Kiến có thấp bé, nhưng không hoàn toàn lùn. Bù lại Kiến nói chuyện rất có duyên, chuyện gì cũng tếu táo khôi hài được. Ví như chuyện ba năm trước, khi vợ Kiến đẻ được thằng Tũn, bà cụ liền “xì” ra cái sổ tiết kiệm gần trăm triệu đồng, bảo tao cho cháu đích tôn của tao làm vốn, cấm đứa nào được đụng vào.

Kiến ta mừng quá liền làm “giấy vay!”. Bà cụ bảo anh điểm chỉ vào giấy đi. Kiến ta điểm chỉ cả hai bàn tay rồi đưa “giấy vay” cho mẹ: “Bu cất đi cho thằng Tũn”, nói rồi đem tiền đến cơ quan góp vốn làm ăn với mấy anh em bạn, mỗi anh được mua một lô đất giá nội bộ, anh mười mét, anh tám mét, anh mười ba mét, dồn lại cũng được kha khá mới rồi hò nhau bán đi, chia chác, đâu ngờ phất lên, mua được căn hộ ba phòng này đây.

- Thế còn căn nhà của ông bà để lại? - tôi tò mò hỏi.

- Em bảo bà cho mấy cô sinh viên thuê, tháng được cả triệu đồng, coi như tiền lương hưu, tha hồ “vênh”. Bà em không chịu, bảo tôi chả đi đâu sất, nhà tôi tôi ở. Kệ, em cứ dọn sang nhà mới. Bà em lại dỗi, bảo từ rày đừng vác mặt về, nhưng chúng em cứ về. Đâu được hai mươi ngày thì phải đầu hàng vì nhớ thằng Tũn mới chịu dọn lên đây đấy ạ.

- Thảo nào, hôm cô chú chuyển về đây tôi cứ nghĩ...

- Nghĩ là vợ chồng son chứ gì? Mà bác thấy em với Oanh nhà em có cọc cạch không?

- Cọc cạch là thế nào? Đẹp đôi lắm.

- Nó đẹp ở cái sự cọc cạch đấy bác ạ - Kiến nói - Oanh là chim oanh. Chim nào không ăn kiến? Kiến em đây béo thơm ra trò đấy!

Nói rồi lại chiêu một ly. Lại kể thêm một tội:

- Từ hồi có thằng cu Tũn, bà em cứ như bị bỏ bùa mê thuốc lú. Cái gì cũng để dành cho cu Tũn của bà. Em bảo bà nhà em ăn Tũn, ngủ Tũn, nằm mê cũng Tũn! Bà nghiện Tũn như em nghiện bóng đá ơ-rô vậy.

- Nói thế. Cụ cũng có thế giới riêng của cụ đấy.

Kiến kể:

- Vâng. Bác nói chí phải. Ban ngày cả nhà đi vắng, ở trong phòng vò võ một mình, bà em sống với thúng xôi và đám khách quen ăn tục nói phét đầu ô hồi xưa và với cụ ông chuyên nghệ “cắt đầu” một chữ cắn đôi không biết, nhưng lại có biệt tài thuộc thơ câu đố, cứ nói một câu là có một câu đố.

- Sao cậu biết?

- Bố em thì em phải biết chứ. Cả tổ dân phố đầu ô ai cũng kể chuyện ông Phiền “cắt đầu”. Bà em bảo mày không được một phần của bố. Vâng, tôi kém. Tôi kém cũng do bu đẻ ra, bu dạy dỗ... Bà em cười trừ. Có hôm em giả vờ đi làm rồi lẻn vào lại trong nhà, xem bà em ở nhà “hoạt động cách mạng” thế nào. Thương lắm kia bác ạ.

Hóa ra cụ đứng hàng giờ trước ban thờ khấn cụ ông. Rồi lẩn mẩn lấy trong bọc ra đếm, vuốt những đồng tiền ky cóp được, giở ra rồi lại giở vào mãi, sau đó một tay cầm cái chổi, tay kia cái xẻng nhựa moi móc xó nhà, gầm giường, khe tủ quét dọn. Oanh nhà em sạch cực kỳ nên cụ không có việc để làm, đành làm “tổng giám đốc” thu gom ve chai, túi nilông, giấy vụn... Mà buồn cười lắm, cụ súc rửa các ve chai rất sạch để làm gì bác có biết không?

- Làm gì? Bán chứ làm gì?

- Bà em đựng nước. Để cả dãy dưới gầm giường. Em bảo cụ làm đàn nước để tập cho cu Tũn gõ đấy à. Bà em bảo tao tích trữ để đề phòng khi mất nước thì có cái dùng. Bác bảo có vĩ đại không?

- Vĩ đại!

- Quá vĩ đại! Kiến cao hứng đế thêm. Không ai vĩ đại bằng bà em. Chồng chết từ năm hai mấy mà không đi bước nữa, đó là một cái vĩ đại. Nuôi thằng con lùn tịt lêu têu học hành tậm tịt, lại còn đặt tên là Kiến có chết người không kia chứ, đó là cái vĩ đại thứ hai.

Thằng Kiến nhà tôi “làm bàn giấy” cơ quan nhà nước, có sổ gạo có lương bổng đấy các ông các bà ạ! Khoe con đấy! Vĩ đại chưa? Quá vĩ đại! Em lớn lên cùng mẹ trước cổng chợ đầu ô với nhem nhuốc bạn bè láo lếu, nhưng hồi đó láo lếu nhất cũng chỉ đến mức choảng nhau sứt đầu mẻ trán, chứ có trò gì cho hư thêm được nữa đâu. Cứ như bây giờ có khi em thành thằng nghiện, thằng trùm sò chích choác là cái chắc!

- Cậu thương mẹ thế chả đến nỗi đâu - tôi nói.

- Mẹ thì con chó con mèo cũng biết thương nữa là em. Em nói thật với bác, em chả có cơ quan đoàn thể nào sất. Từ lâu nay em tuyền nói dối cho bà em vui lòng, chứ ngữ em làm gì có cơ quan đoàn thể nào chứa? Chẳng qua may em vớ được mẹ Tũn giời cho ở chợ đầu ô vì hai đứa cùng con nhà nghèo.

Bà em không biết đâu, cứ tưởng Oanh nhà em là gái cơ quan đoàn thể đấy ạ. Thôi thì cụ thích thế thì cứ bốc phét thế cho cụ sướng, mất gì của bọ! Kỳ thực thì vợ chồng em làm chủ bãi gom thu rác thải thôi. Oanh nhà em hồi trước khổ như chó.

Bố mẹ bỏ nhau, đã nghèo càng thêm nghèo, mẹ Oanh chuyên đời ve chai đồng nát, chuyên đời chửi tục, nói tục, bắt Oanh đi theo học nghề, cũng may là vớ được em hôm Oanh dỗi mẹ ra đầu ô, đang đứng ngẩn ngơ thì em tới, hỏi đi đâu? Tớ định đến bà hàng phở xin chân rửa bát. Rửa riếc gì, ấy thích ăn phở thì đi với tớ. Thế là thành chuyện... Ôi giời, dài lòng thòng lắm. Bây giờ thì ngon rồi. Hai đứa em hợp nhau cực kỳ...

Bỗng dưng Kiến ngưng nói, nhìn đâu đâu. Tôi không hỏi thêm nữa, loáng nghĩ trong đầu đúng là vĩ đại. Không còn chuyện gì vĩ đại hơn chuyện vợ chồng nhà Kiến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận