Truy xuất nguồn gốc: Đi tìm niềm tin đã mất

LAN HƯƠNG 29/08/2016 23:08 GMT+7

TTCT - Truy xuất nguồn gốc đơn giản là cam kết công khai các thông tin trong chuỗi sản xuất. Trách nhiệm được quy rõ cho từng khâu của quá trình sản xuất - cung ứng. Có lẽ đó mới chính là điều người tiêu dùng cần ở ứng dụng này.

Khởi đầu cho truy xuất nguồn gốc, nhóm dự án TRACEverified phải chật vật để tìm kiếm khách hàng. “Khó nhất là niềm tin của khách hàng” - anh Bùi Huy Bình, giám đốc điều hành, chia sẻ. Giữa thị trường thực phẩm thật - giả lẫn lộn, thiếu một cơ chế kiểm soát công bằng, các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính phải vật lộn để đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn.

Trong hội thảo Chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch hồi tháng 6 với 249 đại biểu, 90% người được hỏi tin rằng thị trường chỉ có dưới 20% nhà sản xuất an toàn, 9% tin tưởng thị trường có nhiều hơn 50% nhà sản xuất an toàn. Số liệu này một phần cho thấy vấn đề niềm tin tiêu dùng là mắc mứu chính của thị trường thực phẩm Việt Nam.

Khi thị trường không “trả lại tên cho thực phẩm an toàn” được vì sự bất cân xứng về thông tin, người tiêu dùng dần dần sẽ phải thay thế tiêu chí chất lượng bằng tiêu chí giá cả, đồng nhất thực phẩm ăn được phải có giá rẻ. Tiêu chí giá cả đánh bật những nhà sản xuất tuân thủ quy trình sản xuất sạch. 

Cuối cùng cả xã hội kéo nhau xuống đáy trong vòng xoáy của lợi nhuận, chi phí. Nhưng ghê gớm nhất là sự mất lòng tin của người tiêu dùng vào các quy trình kiểm định, các công bố chất lượng. Người ta chỉ còn tin vào chính mình, tin vào những người bạn trên mạng, người nhà ở quê, cam đoan bán vài mớ rau, con cá mang thương hiệu “nhà làm” với cái giá đắt đỏ và khả năng cung ứng cực kỳ nhỏ.

Mong chờ uy tín thương hiệu

Không phải ai cũng mong một cơ chế minh bạch. Nhóm triển khai bộ công cụ truy xuất nguồn gốc TRACEverified cho biết đã thử nghiệm miễn phí cho 16 DN thủy sản xuất khẩu nhưng không thuyết phục được họ. Vấn đề không nằm ở công nghệ hay chi phí, mà chính vì tính cam kết mạnh mẽ của thông tin. Khi thông tin được chuyển thành QR code, đồng nghĩa không thể thay đổi được nữa. Mà câu chuyện xuất khẩu thực phẩm còn nhiều ngõ ngách khiến sự minh bạch không thể đuổi theo.

TRACEverified đi từ góc độ quản lý thực phẩm theo chuỗi, từ khâu sản xuất, thu hoạch đến phân phối cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong chuỗi thực phẩm này, các “mắt xích” sẽ được biết thông tin của chuỗi trước và sau mình. Thông tin hoàn toàn do “mắt xích” cung cấp, tuy nhiên phải chấp nhận cơ chế kiểm tra của truy xuất nguồn gốc gồm kiểm tra chéo, kiểm tra của chuyên gia và lấy mẫu do một đơn vị thứ ba đứng ra thực hiện. Nhà sản xuất chịu trách nhiệm về thông tin công bố, chấp nhận các phản ứng của khách hàng khi công ty bị phát hiện đã gian dối trong công bố dữ liệu. Áp lực thị trường sẽ quyết định sự tồn tại của DN, góp phần làm trong sạch thị trường.

Ở thị trường Việt Nam, yếu tố quá độ vẫn còn đeo bám nhiều hoạt động. Không phải nhà sản xuất nào cũng cam kết toàn lực với công khai thông tin. Lý do nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đủ lớn để tạo ra uy tín thương hiệu, một yếu tố sống còn của áp lực thị trường về minh bạch thông tin. Việt Nam hiện vẫn còn 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Tư duy về một thương hiệu rau của mình hầu như chưa có.

Ở thị trường hàng tươi sống, không ít nhà sản xuất nhỏ lẻ cũng không chú tâm đến thương hiệu riêng của mình. Quy trình sản xuất của họ chấm dứt ngay trước cửa cơ sở, khi sản phẩm được bán cho thương lái. 

Vấn đề này cũng buộc thị trường phải tư duy lại về liên kết ngành. Sự tắc trách, làm ăn gian dối của một nhà sản xuất không chỉ gây thiệt hại cho nhà sản xuất, mà gây thiệt hại cho toàn ngành đó. Hệ thống chuỗi cung ứng đang dần hình thành chắc chắn tạo ra tác động dây chuyền với chuỗi.

Hy vọng cho nông sản

Theo khảo sát của TRACEverified, 40% khách hàng gặp vấn đề sức khỏe vì thực phẩm bẩn thường không khiếu nại vì họ không mô tả được sản phẩm. Với thông tin nguồn gốc sản phẩm, quyền của người tiêu dùng được định danh rõ ràng hơn. 

Trong câu chuyện của Traceverified, đang xuất hiện những nhóm sản phẩm truyền thống của Việt Nam: nước mắm Phú Quốc, rượu Phú Lễ, bánh tráng Bến Tre..., một số sản phẩm đặc trưng đang ấp ủ ra biển lớn. Khi nhà nhập khẩu chấp nhận mã QR code, địa danh Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng siêu thị.

Thêm vào đó, thông tin định danh đến cấp độ nhà sản xuất sẽ có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ít nhất với thông tin đó, người tiêu dùng có thể lựa chọn một chai nước mắm Phú Quốc xuất phát từ chính một làng nghề của biển Kiên Giang, Việt Nam chứ không từ một nước nào khác.

Cũng trong hội thảo trên, 45% người tham gia không tin vào thực phẩm sạch được chứng nhận. Nguyên nhân được chỉ rõ: 20% không có thông tin truy xuất nguồn gốc, 24% không tin vào giấy chứng nhận, 16% khẳng định quy trình kiểm tra không tin cậy và 39% nêu lên cả ba ý kiến trên.

Nguyên nhân chính là sự yếu ớt của khâu phân phối sản phẩm từ hộ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Chị Bảo Ngọc - chủ một đơn vị mua nông sản ở miền Tây - cho rằng nhiều nông dân miền Tây khi sản xuất rất có ý thức tuân thủ các quy định, “nhưng sản phẩm ra thị trường bị đánh đồng với những mặt hàng khác. Xã hội nhấn mạnh đến vai trò của người sản xuất trước vấn nạn thực phẩm bẩn mà không đề cập đến khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến”.

Nếu với các chứng chỉ về sản xuất do một số tổ chức cấp phép, người tiêu dùng chỉ biết đến chứng nhận cuối cùng của sản phẩm, hoàn toàn cách biệt với nhà sản xuất đầu tiên thì công nghệ truy xuất nguồn gốc cho phép họ gắn kết sâu hơn với nhà sản xuất, cung ứng. 

Chính việc truy xuất nguồn gốc lấy yếu tố minh bạch thông tin làm tiêu chí góp phần đem lại lòng tin nơi người tiêu dùng. Người tiêu dùng tham gia quá trình giám sát và phản hồi về chất lượng sản phẩm qua các chứng minh rõ ràng về nguồn gốc thực phẩm. Chấp nhận công khai thông tin cũng đồng nghĩa với nhà sản xuất đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình để tạo nên thương hiệu của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận