22/12/2016 08:48 GMT+7

Trường sư phạm đào tạo nhà giáo dục hay thầy giáo dạy chữ?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành sư phạm Việt Nam đang đứng trước một loạt thách thức, mà nếu không đổi mới sẽ không thể nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - nguồn lực quyết định thành bại của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUÝ TRUNG
Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUÝ TRUNG

Đó là trăn trở chung của nhiều đại biểu tại hội thảo khoa học “70 năm sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển” do Hội Cựu giáo chức Việt Nam - Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 21-12 ở Hà Nội.

Nặng về dạy chữ

Theo các đại biểu, 70 năm ngành sư phạm với những nỗ lực không mệt mỏi của cả thầy và trò đã giúp đất nước bảo tồn, phát huy được truyền thống tôn sư trọng đạo; góp phần đào tạo ra một đội ngũ giáo viên đông đảo, trong đó có nhiều nhà giáo yêu nước, yêu nghề, tận tụy với xã hội.

Tuy nhiên để chấn hưng giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, các trường sư phạm phải thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - đã chia sẻ những trăn trở về giáo dục, về đào tạo sư phạm trong bài tham luận tâm huyết.

Theo bà Bình, trong tư duy giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều điều rất đáng lo ngại. Đó là khi xác định sứ mạng và mục tiêu giáo dục thì những khía cạnh nhân bản và sự phát triển cá nhân chưa thật sự được coi trọng. Việc dạy làm người, dạy cách nghĩ, dạy cách học còn bị xem nhẹ; duy trì quá lâu phương pháp giáo dục lạc hậu, mang tính áp đặt, nhồi nhét; đẩy học sinh, sinh viên đến chỗ thụ động chấp nhận những điều được rao giảng; khiến học sinh, sinh viên thiếu ý thức tự chủ và khả năng độc lập suy nghĩ.

“Là các nhà giáo, các đồng chí đều biết nhà trường chỉ thực hiện được sứ mạng dạy làm người khi chuyển hóa được giáo dục thành tự giáo dục trẻ em, để các em phát triển tích cực nhất những tiềm năng sẵn có của mình. Muốn như vậy, người thầy phải khơi dậy được sự phát triển hoàn toàn tự thân ở mỗi đứa trẻ” - bà Bình phân tích.

Bà Bình cho rằng không thể để nhà trường tiếp tục giáo dục học sinh, sinh viên chạy theo mục tiêu thi cử mà quên lãng vấn đề cốt lõi: giáo dục nhân cách.

Theo đó, hiện nay trường sư phạm còn nặng đào tạo các thầy cô về dạy chữ, chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo những nhà giáo dục. Một dẫn chứng là so với các khoa môn khác thì các khoa tâm lý giáo dục học chưa phải là thế mạnh đúng với tiềm năng và yêu cầu của trường sư phạm, chưa được đầu tư tương xứng.

Trong cơ cấu đội ngũ giảng viên sư phạm cần phải có những chuyên gia đầu ngành về tâm lý học và giáo dục học. Các trường sư phạm trọng điểm phải đào tạo ra được những chuyên gia này.

Trong khi đó, GS Phạm Minh Hạc - chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục - cho rằng chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung cũng có vấn đề như chuẩn nhà giáo, nhất là ở bậc ĐH.

“Đạo đức của nhà giáo cũng là một vấn đề tuy chỉ với số ít. Nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng xấu tới nền giáo dục, tới nhà trường” - GS Hạc nói.

Cung vượt quá cầu

Thực tế các nước trong khu vực có số trường đào tạo sư phạm khá ít, nhưng lại đòi hỏi cao ở đầu vào. Còn ở Việt Nam, đào tạo sư phạm đang phải đối mặt với tình trạng năng lực đào tạo quá lớn mà tiêu chuẩn, chất lượng đầu vào giảm sút nhiều so với trước đây.

GS Phạm Minh Hạc cho rằng Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích nghề dạy học như miễn học phí cho người học sư phạm, chế độ phụ cấp cho cán bộ giảng dạy sư phạm, phụ cấp thâm niên... Tuy nhiên kinh tế thị trường phát triển, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm gặp khó khăn vì các cơ chế cũ không còn đủ sức hút với người học, lương nhà giáo còn ở mức quá thấp.

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm Bộ GD-ĐT - thừa nhận bất cập lớn của ngành sư phạm chính là việc có nhiều cơ sở đào tạo, phân bố phạm vi rộng nhưng quy mô đào tạo của mỗi cơ sở nhỏ nên việc đầu tư bị manh mún, dàn trải.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 11-2016 cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Với số lượng cơ sở đào tạo sư phạm hiện có, mật độ phân bổ cơ sở đào tạo sư phạm dao động 1-8 cơ sở trên địa bàn một tỉnh, thành.

Ngoài ra, năng lực và quy mô đào tạo của mạng lưới các trường sư phạm đang vượt quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo, nhất là ở bậc THCS và THPT. Tuy nhiên, đáng lo hơn nữa là số lượng giáo viên được đào tạo nhiều nhưng không đáp ứng được nhu cầu về chất lượng cho đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

Bà Hồng cho rằng có người đưa ra con số tiên lượng số giáo viên dôi dư, không có việc làm đến năm 2020 là 70.000 người, nhưng thực tế chưa có cơ sở nào khẳng định con số này chính xác, tin cậy. “Tuy nhiên, số lượng dôi dư có thể cũng lên đến vài chục nghìn” - bà Hồng nói.

Giải pháp Bộ GD-ĐT đang thực hiện quyết liệt là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước thành một hệ thống với số lượng hợp lý. Trong đó ý tưởng của Bộ GD-ĐT là lấy các cơ sở đào tạo sư phạm truyền thống, có thế mạnh và tiềm năng làm hạt nhân phát triển, giữ vai trò chi phối trong toàn hệ thống.

Thực tế hiện đã có một số trường CĐ sư phạm năng lực yếu được chuyển đổi thành phân hiệu của trường ĐH sư phạm có thương hiệu nhằm nâng chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng tình hình mới.

Tuy nhiên, bà Đặng Huỳnh Mai - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng trong quá trình sắp xếp hệ thống sư phạm, Bộ GD-ĐT cũng cần quan tâm đến bảo vệ quyền lợi của các giảng viên sư phạm đã có nhiều cống hiến.

Phải kết nối trường sư phạm với trường phổ thông

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng để làm tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, trường sư phạm cần phải gắn bó với trường phổ thông, đóng vai trò tư vấn cho các trường phổ thông, phải lôi kéo cho được các nhà giáo trường phổ thông tham gia tích cực trong công tác đào tạo của mình.

Sự kết nối chặt chẽ giữa trường sư phạm và trường phổ thông cũng chính là trăn trở của lãnh đạo các trường phổ thông tại hội thảo.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên