17/02/2021 09:32 GMT+7

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - "Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP), với vị trí thứ 44 trên thế giới vào năm 2018 theo đánh giá của UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc)".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp ôtô bằng robot tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) - Ảnh: LÊ TRUNG

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình được nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu ra, cần minh bạch hóa việc phân bổ các nguồn lực theo cơ chế thị trường, triệt tiêu cơ chế xin - cho để khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất, tạo ra của cải vật chất trong nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương TRẦN TUẤN ANH chia sẻ với Tuổi Trẻ: 

"Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP), với vị trí thứ 44 trên thế giới vào năm 2018 theo đánh giá của UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc)". 

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất với đóng góp xấp xỉ 30% GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực.

* Đại hội XIII của Đảng với định hướng chiến lược quan trọng, hướng tới một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc trên nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới, ông thấy vai trò công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển đất nước ra sao?

- Quá trình tái cơ cấu công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động cũng đã đi vào thực chất hơn, ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Bằng chứng là công nghiệp có năng suất lao động cao nhất khi tỉ trọng trong GDP tăng từ 26,63% năm 2011 lên 28,55% năm 2019 và đạt 27,54% năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cơ cấu công nghiệp cũng chuyển hướng tích cực, nhóm ngành khai khoáng trong GDP chiếm tỉ trọng chỉ còn 5,55% và công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính. 

Nhiều ngành công nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới như Việt Nam đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu hàng may mặc, thứ 2 về xuất khẩu da giày, thứ 7 về xuất khẩu gỗ và trong nhóm các nước có kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện tử đạt trên 100 tỉ USD. UNIDO xếp chúng ta vào nhóm "các nước công nghiệp mới nổi".

Tuy vậy, đúng là còn nhiều trăn trở trong phát triển công nghiệp, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. 

Đó là giá trị gia tăng của ngành còn tương đối thấp, tái cơ cấu chậm, chủ yếu là khâu hạ nguồn. Nội lực nền công nghiệp còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào FDI, trong khi doanh nghiệp nội địa năng lực và hiệu quả còn hạn chế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất - Ảnh 2.

Một trong những giải pháp cần làm ngay là minh bạch hóa việc phân bổ các nguồn lực của đất nước theo cơ chế thị trường, triệt tiêu cơ chế xin - cho đối với các lĩnh vực sử dụng tài nguyên quốc gia như bất động sản hoặc khai thác tài nguyên.

Ông TRẦN TUẤN ANH

* Nhìn lại thời gian qua, có nhiều dự án công nghiệp do Nhà nước đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, trong khi dòng vốn của người dân, khối tư nhân lại ưu tiên nhiều hơn cho ngành có lợi nhuận cao. Theo ông vì sao?

- Đúng là cần nhìn nhận thẳng thắn, hiệu quả của các dự án công nghiệp do Nhà nước đầu tư vừa qua là chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực. 

Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trước hết là việc đầu tư của Nhà nước không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh tế, mà còn là an sinh xã hội, an ninh quốc gia..., thậm chí còn phải đặt lên trên mục tiêu lợi ích kinh tế ngắn hạn. 

Chưa kể, cơ chế ra quyết định các dự án đầu tư của Nhà nước cũng chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Vì vậy, tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước thường kéo dài, làm mất cơ hội thị trường, giảm hiệu quả đầu tư. 

Nguy cơ tham nhũng, cố ý làm trái quy định, gây thất thoát cũng cao hơn các dự án tư nhân khi cơ chế giám sát của Nhà nước khó đảm bảo chặt chẽ do người ra quyết định đầu tư không phải là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp. 

Khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước cũng đã có chủ trương về cổ phần hóa, thoái vốn, Nhà nước không đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được và làm tốt hơn.

Tuy vậy, thực tế việc dòng vốn tư nhân đổ vào các lĩnh vực sinh lời cao cũng là theo thị trường. Đặc biệt khi gia nhập WTO hội nhập mở rộng, sau đó có thời gian môi trường kinh tế vĩ mô còn mất cân đối, chưa ổn định, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Không chỉ là thủ tục, mà việc thu hồi vốn chậm, tỉ suất lợi nhuận thấp do lãi suất tín dụng cao nên chưa khuyến khích và đánh thức được sự quan tâm của xã hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thiếu tinh thần xã hội sản xuất.

* Với mục tiêu đến năm 2030 chúng ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đặt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, việc khơi dậy tinh thần sản xuất trong nhân dân, theo ông, có ý nghĩa thế nào để đạt mục tiêu này?

- Như đã đề cập, hiện nay tinh thần sản xuất trong nhân dân hay còn gọi là tinh thần xã hội sản xuất tại Việt Nam còn rất thấp. Chưa kể trình độ công nghệ, quản trị, chất lượng nguồn lực, mức độ sẵn sàng công nghiệp 4.0 còn hạn chế. 

Do đó, tôi cho rằng muốn cải thiện và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp quốc gia, trước hết phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người dân trong lĩnh vực công nghiệp, cải thiện cả về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp công nghiệp.

Để khơi dậy tinh thần sản xuất trong nhân dân - đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ - cần tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thể chế để dòng vốn đầu tư của người dân hướng vào khu vực công nghiệp.

Do xuất phát điểm còn thấp của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam - với đặc điểm hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên tôi cho rằng một giải pháp quan trọng là hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh cải tổ, nâng cao năng lực xây dựng và triển khai chính sách phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng phân bổ hợp lý và minh bạch các nguồn lực của đất nước, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp nội địa.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất - Ảnh 4.

* Vậy theo ông, Nhà nước, Chính phủ sẽ làm gì để hiện thực hóa chủ trương của nghị quyết Đại hội XIII và thúc đẩy tinh thần sản xuất, khởi nghiệp trong nhân dân hiệu quả hơn?

- Với các mục tiêu đặt ra cho phát triển ngành công nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia cũng như chương trình hành động của Chính phủ. 

Trong đó, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là công nghiệp quốc gia phải gắn liền với chính sách phát triển các ngành kinh tế khác, như thương mại, tài chính - tiền tệ, khoa học, công nghệ, đào tạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tôi cho rằng một trong những yếu tố cốt lõi cần quan tâm là phát triển công nghiệp gắn với các quy hoạch, phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm. 

Tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược như công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp xanh...

* Năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XIII, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo ông, cần làm gì để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên?

- 2021 là năm thử vàng, thử ý chí, đề cao quyết tâm, nhận thức và trách nhiệm. Việc quan tâm tạo thuận lợi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có chính sách mạnh mẽ, kịp thời hơn, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với công khai minh bạch, tiếp cận thị trường tốt hơn.

Doanh nghiệp cũng cần xác định lại các điều kiện thị trường, nhanh chóng tiếp cận dòng dịch chuyển đầu tư, công nghệ để sớm cơ cấu hoạt động kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh trong chuỗi. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp.

Gạt bỏ tư duy xin - cho

pham phu ngoc trai 2 1(read-only)

Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI

Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI - chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn cầu GIBC - chia sẻ với Tuổi Trẻ: Khát vọng thịnh vượng của một quốc gia không chỉ dừng lại ở các chỉ số về kinh tế, mà đó là quốc gia mà người dân luôn hạnh phúc, không còn âu lo về môi trường xung quanh, bớt đi sự bất công, luôn thấy sự tử tế và đó là quốc gia đáng sống, ai cũng muốn đến...

Ông Trai cho rằng để hướng tới một quốc gia thịnh vượng, Việt Nam phải có sự đột phá về mọi mặt, không thể phát triển như tốc độ hiện nay mà phải có sự thay đổi, phá vỡ các quy luật cũ không còn phù hợp.

Chúng ta muốn nổi trội, chúng ta phải đột phá để khai thác đúng đắn các nguồn lực. Những nguồn lực ấy là thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ...

Còn một khía cạnh quan trọng là nguồn lực nội sinh, trong đó chủ lực là doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta định hướng phát triển kinh tế tư nhân, nhưng phải định hình chính sách đột phá để hỗ trợ tư nhân phát triển.

Đừng để tư nhân phát triển manh mún, tới một lúc nào đó không thể tiếp tục phát triển do không đủ năng lực cạnh tranh với thời đại hội nhập sâu rộng hiện nay. Về công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bây giờ không thể là phong trào nữa mà là hướng đi bắt buộc để tạo ra sự đột phá và bền vững.

Chưa bao giờ, trong lịch sử phát triển, chúng ta quan tâm về vấn đề công nghệ và đổi mới sáng tạo đến vậy và tôi cho rằng đây cũng là con đường duy nhất để củng cố và nâng tầm năng lực cạnh tranh trong khi năng lực cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng bởi sự kém hiệu quả trong lĩnh vực logistics. Vì thế phải đầu tư ưu tiên cho cơ sở hạ tầng.

Trong các cuộc đối thoại, các doanh nghiệp cả FDI lẫn doanh nghiệp nội vẫn trăn trở về thủ tục hành chính, là "bài ca" mà quốc gia nào cũng gặp. Theo kết quả một báo cáo gần đây nhất về đầu tư của 10 nước có thu nhập như Việt Nam thì trở ngại đầu tiên vẫn là quy trình cấp phép.

Thứ hai là hành lang pháp lý để tiếp nhận đầu tư. Luật lệ chưa thích ứng với những công nghệ mới đang thay đổi từng ngày. Đặc biệt, đã là luật thì phải nhìn thấy xa hơn và "bất hồi tố". Ngoài ra, khi nào tư duy xin - cho giảm xuống thì chúng ta mới cải cách được, bớt đi nhũng nhiễu, quan liêu.

N.HIỂN

Tận dụng cơ hội của... người đi sau

dn-tbs-binhduong-giayda(36 1(read-only)

Công nhân của một công ty ở Bình Dương trong công đoạn sản xuất giày qua thị trường Mỹ. Ngành giầy da, túi xách Việt Nam vẫn đứng vào nhóm đầu xuất khẩu trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Ông Hiroaki Yashiro - cố vấn đặc biệt Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam - cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội thoáng nghe tưởng là nghịch lý này, vì sao?

Theo ông Hiroaki Yashiro, vào năm 1952, khi ông ra đời, Nhật Bản vẫn còn nghèo và người dân Nhật Bản khi đó rất khát khao phát triển kinh tế. Ông đã trải qua tuổi thơ khi gia đình không có nổi cái tivi, tủ lạnh..., sở hữu một cái xe hơi riêng chắc chỉ có trong giấc mơ.

Do đó, khát khao phát triển được nung nấu trong trái tim của mỗi người Nhật, được biết đến với tính cách cần cù chăm chỉ cũng như người Việt Nam, đã là nguồn động lực để người dân Nhật làm việc cật lực nhằm đạt được mục tiêu.

hiroaki yashiro 2(read-only)

Ông Hiroaki Yashiro

Để có được hôm nay, nhiều công ty Nhật đã học hỏi cách thức quản lý từ Mỹ và các nước khác nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh và vốn đầu tư giúp nâng cao năng suất.

Trong khi đó, chính phủ không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà còn cố gắng đặt ra những mục tiêu đáng mơ ước như tổ chức Thế vận hội Tokyo 1964, bắt đầu khai thác tàu cao tốc Shinkansen và trở thành chủ nhà của Triển lãm Thế giới (World Expo) 1975. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trước đó của Nhật Bản.

Nhìn vào bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, để tăng cường các giá trị cộng thêm cho nền kinh tế, ông Hiroaki Yashiro cho rằng cần có các chính sách để nâng cao vai trò của con người cho lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ với đổi mới.

Các chính sách hỗ trợ của chính phủ để cải thiện nguồn nhân lực và đầu tư vốn doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất cũng rất cần thiết.

Hiện nay 70% kim ngạch xuất khẩu đều đến từ công ty nước ngoài ở Việt Nam, nhưng phần nhiều vẫn là ngành thâm dụng lao động, việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Do đó, cần phải thêm các ràng buộc giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Nếu chúng ta nhìn vào Nhật Bản của năm mươi đến sáu mươi năm trước, khi người Nhật đang khao khát phát triển, chi phí tài chính quá cao và công nghệ thông tin còn hạn chế thì ngày nay, có thể nói rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi của người đến sau.

Nhìn ra thế giới, có rất nhiều tổ chức cho vay và cung cấp công nghệ, và thị trường toàn cầu rộng lớn đã được hiện thực hóa nhờ các FTA. Có thể nói, tình hình vô cùng thuận lợi cho Việt Nam khi có thể tiết kiệm thời gian phát triển xuống 10 năm thay cho nửa thế kỷ như đối với trường hợp Nhật Bản.

Bằng mọi cách, chính phủ nên hoàn thành vai trò của mình, cụ thể là hỗ trợ các công ty, phát triển cơ sở hạ tầng và cho người dân thấy những mục tiêu đáng mơ ước. Ước mơ của riêng tôi là Việt Nam sẽ trở thành nước đăng cai Olympic đầu tiên trong khối ASEAN.

N.AN - T.HÀ - N.HIỂN

* Ông Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát): Phát triển công nghiệp trong bối cảnh kinh tế số là xu hướng không thể cưỡng lại, quan trọng là làm bài bản, đến nơi đến chốn, tận dụng cơ hội thị trường tăng trưởng để quyết nhanh, làm nhanh trong việc đầu tư mở rộng, có chiến lược quản trị hiện đại để tối đa hóa hiệu quả hoạt động.

* Ông Nguyễn Việt Quang (phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup): Cần khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dám nghĩ lớn, làm lớn và ý chí quyết tâm vượt qua bản thân mình của mọi người. Nhà nước cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp, công nghệ như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm.

* Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM): Chặng đường trước mắt các doanh nghiệp vẫn mong muốn có một gói hỗ trợ tốt để vực lại khó khăn tức thời.

Thời gian tới cần có các chính sách để thúc đẩy bộ máy hành chính công, nhà nước mạnh dạn giải quyết thủ tục hành chính nhanh, duyệt những dự án đầu tư mới, tăng đầu tư từ khối tư nhân để tạo nên sự đột phá. Nên nhìn nhận những nguồn lực của khối tư nhân cũng sẽ rót một nguồn vốn lớn để phát triển kinh tế cần phải tận dụng.

* PGS.TS Nguyễn Anh Thi (trưởng BQL Khu công nghệ cao TP.HCM): Cần sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam và của từng địa phương cụ thể; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghiệp, đặc biệt là quy hoạch và phát triển hệ thống các khu công nghệ cao tại các địa phương trên cơ sở xây dựng mới hoặc nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng tập trung thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

3775046 dai su my 1(read-only)

* Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink:

Chúng tôi rất lạc quan rằng Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế là một quốc gia tăng trưởng nhanh và khống chế dịch bệnh tốt để tiến lên phía trước. Chúng tôi dự đoán dòng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục, và Việt Nam có thể tự đặt chính mình vào vị trí quốc gia thu hút nhiều quyết định chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Tôi nghĩ lực lượng lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục được đào tạo tốt, nâng cao hiểu biết, và điều này còn được kết hợp với sự chăm chỉ của người Việt nữa. Lãnh đạo Việt Nam trong khi đó, theo tôi, sẽ tiếp tục tập trung vào các mục tiêu cải thiện cho làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế...

Chúng tôi tin tưởng rằng lãnh đạo Việt Nam sẽ tận dụng tốt các lợi thế, các thỏa thuận thương mại quốc tế và đưa ra quyết định chính xác.

N.ĐĂNG ghi

Thúc đẩy doanh nghiệp Thúc đẩy doanh nghiệp 'sếu đầu đàn'

TTO - Cần xây dựng những doanh nghiệp dân tộc vững mạnh, những 'sếu đầu đàn' tạo sự lan tỏa kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và tạo việc làm cho người dân.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xã hội sản xuất