07/03/2017 17:53 GMT+7

Trung Quốc nói ‘có quyền’ can thiệp chính trị Hong Kong

NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH
NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH

TTO - Ý kiến của ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, đưa ra trong cuộc gặp các đại diện của Hong Kong ở Bắc Kinh đã gây một số tranh luận.

Ông Trương Đức Giang (giữa) phát biểu tại phiên mở đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5-3-2017 - Ảnh: Reuters
Ông Trương Đức Giang (giữa) phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 5-3 - Ảnh: Reuters

Ông Trương Đức Giang, người đồng thời phụ trách các vấn đề của đặc khu kinh tế Hong Kong, vừa qua có cuộc gặp gỡ với 36 đại biểu của Hong Kong tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhân kỳ họp Chính hiệp và kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12.

Theo Reuters, trong cuộc gặp, ông Trương cho rằng Bắc Kinh có quyền can thiệp vào cuộc tìm kiếm lãnh đạo mới của Hong Kong. Phát ngôn này xuất hiện giữa lúc các quan chức Trung Quốc cố gắng dập tan tin đồn là Bắc Kinh muốn can thiệp vào quá trình bầu Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong nhiệm kỳ 5.

Từ khi Anh trao trả Hong Kong về Trung Quốc năm 1997, đặc khu này vẫn có quyền chọn lãnh đạo thông qua Ủy ban bầu cử (NEC) gần 1.200 thành viên. Ủy ban này dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 26-3 tới.

Hãng tin Reuters cho biết một vài thành viên của NEC đã kể với truyền thông rằng họ nhận được những cuộc điện thoại tác động từ những người có liên hệ mật thiết với Bắc Kinh.

Thế nhưng ông Trương Hiểu Minh, lãnh đạo văn phòng đại diện của Trung Quốc tại Hong Kong, cuối tuần qua cho rằng tất cả những thông tin trên chỉ là tin đồn.

Trong khi đó bà Maria Tam (Đàm Huệ Châu), đại biểu Hong Kong sang dự hội nghị ở Bắc Kinh, đã tìm cách giải thích cho lời của ông Trương Đức Giang. Theo bà Tam, quan trọng là bầu cử ở Hong Kong diễn ra êm xuôi, và ông Trương muốn nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo chính quyền Hong Kong như mối dây liên kết giữa Bắc Kinh và trung tâm tài chính châu Á này.

“Đó là một vai trò quan trọng, nên chính quyền trung ương muốn can thiệp”, hãng tin Reuters dẫn lời bà Tam.

Bà Tam - thành viên Ủy ban Luật Cơ bản của Hong Kong, cũng giải thích thêm rằng ông Trương lưu ý Hong Kong không nên để chính trị lấn át đời sống, và rằng “chính trị đường phố” đã trở thành một phần trong cuộc sống Hong Kong, từ đó khiến nơi này đang bị thành phố Thâm Quyến bắt kịp về mặt kinh tế.

Tuy nhiên câu chuyện ở Hong Kong vẫn là cuộc tranh luận từ những thành viên đòi dân chủ. Nhà lập pháp Lam Cheuk Ting, cũng là thành viên của NEC, phản ứng: ''Nếu cứ can thiệp như thế thì chính quyền trung ương cứ việc trực tiếp nói cho chúng tôi biết là cần bỏ phiếu cho ai để rồi chúng tôi theo đó mà làm cho xong".

Ba ứng viên

Thời hạn đề cử ứng viên chức Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong nhiệm kỳ 5 đã kết thúc vào ngày 1-3 vừa qua.

Kết quả là 3 ứng viên gồm cựu Tổng Thư ký chính quyền Đặc khu Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cựu Vụ trưởng Tài chính Hong Kong, ông Tăng Tuấn Hoa (John Tsang) và cựu Thẩm phán Hồ Quốc Hưng (Woo Kwok Hing) đã nhận được đủ số phiếu đề cử theo quy định.

Như vậy họ đã được Ủy ban bầu cử (NEC) xác định đủ điều kiện tham gia tranh cử Trưởng Đặc khu Hong Kong trong cuộc bầu cử vào ngày 26-3 tới.

Theo thông báo của NEC, trong đợt đề cử vừa qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã giành được 580 phiếu đề cử, ông Tăng Tuấn Hoa nhận được 165 phiếu, còn ông Hồ Quốc Hưng có được 180 phiếu.

Theo truyền thông Hong Kong, vào ngày 26-3 tới, 1.194 thành viên của NEC sẽ tham gia cuộc bầu cử dưới hình thức bỏ phiếu kín (không ký tên) tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong.

Cuộc bỏ phiếu sẽ có tối đa là hai vòng, ứng cử viên nào giành được đủ số phiếu quá bán (601 phiếu) sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, trở thành Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong nhiệm kỳ 5 tới. 

NHẬT ĐĂNG - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên