04/07/2017 01:18 GMT+7

Trung Quốc moi tin tình báo - Kỳ 3: Gián điệp ở PACOM

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngoài cách thức xâm nhập mạng của Lầu Năm Góc để đánh cắp bí mật quân sự, tình báo Trung Quốc còn một hình thức khác là thu thập thông tin từ những người làm việc trong quân đội Mỹ.

Ông Benjamin Pierce Bishop ngã ngựa vì người tình Trung Quốc - Ảnh: YouTube

Tự nguyện chuyển giao thông tin quốc phòng cho người không có quyền tiếp nhận là hành vi đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của chúng ta

Trợ lý bộ trưởng tư pháp Mỹ John P. Carlin nói về vụ Benjamin Pierce Bishop bán tin

Trường hợp của hai trung tá về hưu Benjamin Pierce Bishop và James Wilbur Fondren Jr. là ví dụ điển hình.

Người tình nhỏ Trung Quốc

Sau khi nghỉ hưu, trung tá lục quân Benjamin Pierce Bishop đã làm việc cho văn phòng Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) ở Oahu (bang Hawaii) với vai trò nhân viên nhà thầu quốc phòng dân sự. Trong suốt 10 năm, từ tháng 11-2002 đến tháng 4-2012, ông đã được cấp quyền bảo đảm an ninh tuyệt mật.

Một ngày nọ, không rõ do vô tình hay hữu ý, một cô gái Trung Quốc nhỏ nhắn dễ thương đã làm quen với ông tại một hội nghị liên quan đến quốc phòng quốc tế ở Hawaii. Cô gái đang theo học tại Mỹ theo diện du học sinh tham gia chương trình trao đổi, giao lưu, đào tạo.

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tháng 6-2011 Bishop và cô gái nọ yêu nhau.

Cho dù Bộ Quốc phòng Mỹ đã có chỉ thị yêu cầu các nhân viên trong ngành như ông Bishop phải báo cáo với chính phủ mọi quan hệ tiếp xúc với người nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia, thế nhưng ông vẫn che giấu mối quan hệ với người tình nhỏ Trung Quốc.

FBI đã đặt biệt danh cho cô gái này là “người số 1”. Từ lúc hai người yêu nhau cho đến cuối năm 2012, Bishop đã tự nguyện nhiều lần cung cấp thông tin mật quốc phòng cho “người số 1”.

Theo tài liệu của FBI, thông tin đó liên quan vũ khí hạt nhân, kế hoạch triển khai hệ thống hạt nhân chiến lược của Mỹ, khả năng của Mỹ về phát hiện tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của nước ngoài, kế hoạch triển khai rađa cảnh báo sớm của Mỹ ở vành đai Thái Bình Dương...

Đến thời điểm chín muồi, FBI và Cục Điều tra tội phạm hải quân phối hợp với PACOM và quân đội Mỹ cùng phá án. FBI khám xét nhà riêng của Bishop và tìm thấy 12 tài liệu có đóng dấu mật.

Giữa tháng 3-2013, Bishop bị bắt. Ông đã nhận tội hoạt động gián điệp và chấp thuận hợp tác với cơ quan điều tra để giảm nhẹ bản án.

Bishop khai nhận đã gửi thông tin mật qua thư điện tử cho người tình nhỏ Trung Quốc và giữ tại nhà riêng nhiều tài liệu mật quốc phòng lấy từ nơi làm việc ở văn phòng PACOM.

Trong số này có các tài liệu Hướng dẫn kế hoạch quốc phòng của quân đội Mỹ trong những năm 2014-2018, Tối ưu hóa quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Chiến lược về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ, Định hướng sử dụng quân lực năm 2010.

Ngoài ra còn có một bức ảnh mật về hải quân Trung Quốc ông đã lấy theo yêu cầu của “bồ nhí”.

Ngày 17-9-2014, bị cáo Benjamin Pierce Bishop 60 tuổi đã bị kết án 87 tháng tù và ba năm quản chế vì chuyển thông tin mật cho người tình nhỏ Trung Quốc 27 tuổi và giữ trái phép thông tin mật quốc phòng tại nhà riêng.

FBI tin rằng “người số 1” làm việc cho chính quyền Bắc Kinh và chủ ý tấn công các mục tiêu là những người có quyền tiếp cận thông tin mật quân sự.

*** Error ***
Ông James Fondren (trái) và ông Tai Shen Kuo trong một chuyến đi Trung Quốc - Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ

Tay trong của Trung Quốc

Tương tự trung tá bộ binh Bishop, sau khi nghỉ hưu vào tháng 5-1996, trung tá không quân James Wilbur Fondren Jr. đã mở công ty dịch vụ tư vấn tại nhà riêng ở bang Virginia. Ông chỉ có một khách hàng duy nhất là người bạn buôn đồ gỗ tên Tai Shen Kuo là công dân Mỹ gốc Đài Loan. Kuo cư trú ở New Orleans (bang Louisiana) và có văn phòng tại Trung Quốc.

Từ tháng 8-2001 đến tháng 2-2008, Fondren làm nhân viên dân sự cho PACOM với chức vụ phó giám đốc văn phòng liên lạc của PACOM tại Washington. Bởi thế ông đã được phép tiếp cận thông tin bảo mật của Lầu Năm Góc.

Khoảng tháng 3-1999, trong một chuyến đi Trung Quốc, Kuo đã giới thiệu với ông một viên chức là nhà nghiên cứu chính trị và nhà tư vấn. Sau đó ông đã trao đổi hơn 40 thư điện tử với viên chức nọ.

Chỉ có điều ông không biết là viên chức Trung Quốc nọ đã chỉ thị cho Kuo thu thập tài liệu mật từ ông cùng một số người khác làm việc cho Chính phủ Mỹ và đã trả công cho Kuo 50.000 USD. Viên chức này bày cho Kuo nói dối Fondren rằng Kuo sẽ chuyển thông tin do Fondren cung cấp cho quân đội Đài Loan chứ không phải Trung Quốc.

Theo tài liệu của FBI, từ tháng 11-2004 đến tháng 2-2008, Fondren đã bán tài liệu về quan hệ quân sự Mỹ - Trung của Bộ Quốc phòng Mỹ cho Kuo dưới vỏ bọc tài liệu tư vấn của công ty ông. Ông đã bán cho Kuo ít nhất tám tài liệu mật và bỏ túi 350-800 USD cho mỗi tài liệu.

Ngoài ra ông còn cung cấp cho Kuo các ấn phẩm nhạy cảm của Bộ Quốc phòng nhưng không phải là tài liệu mật.

Một lần, ông đã giao cho Kuo dự thảo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc và nói: “Đây là báo cáo mà tôi không muốn nói qua điện thoại. Điều này xứng đáng cho công việc của tôi”.

FBI đã phối hợp với cơ quan điều tra không quân mở cuộc điều tra. Ngày 11-2-2008, Kuo bị bắt về tội hoạt động gián điệp lúc được mời đến nhà Fondren ở Virginia. Trong người Kuo có một bản sao tài liệu chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2008 của Bộ Quốc phòng Mỹ.

FBI thẩm vấn ông Fondren. Ông khai nhận đã trao tài liệu trên cho Kuo. Tháng 5-2009, ông bị bắt lúc 62 tuổi và bị truy tố về tội cung cấp thông tin tình báo mật cho nhân viên tình báo nước ngoài.

Tháng 1-2010, bị cáo James Wilbur Fondren Jr. bị kết án 36 tháng tù về tội gián điệp và khai báo gian trá với FBI, đồng thời bị quản chế hai năm sau khi được trả tự do.

Ngoài Fondren, Tai Shen Kuo còn móc nối lấy tin từ Gregg William Bergersen, nguyên chuyên viên phân tích vũ khí của Cục Hợp tác an ninh quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bergersen bị bắt ngày 11-2-2008 về tội làm gián điệp và khai nhận từ tháng 3-2007 đến tháng 2-2008 đã cung cấp thông tin quốc phòng cho Kuo, trong đó có thông tin mật về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Bergersen đã bị kết án 57 tháng tù.

Sau khi bị bắt, Kuo nhận tội cung cấp thông tin quốc phòng cho Trung Quốc. Kuo bị kết án 188 tháng tù.

Đồng phạm của Kuo là người tình Yu Xin Kang gốc Trung Quốc bị bắt cùng ngày với Kuo và Bergersen. Cô này khai nhận đã giúp Kuo chuyển tin về Trung Quốc. Kang bị kết án 18 tháng tù.

>> Kỳ tới: Móc nối Hoa kiều hoạt động tình báo

Kỳ 1: Cựu đặc vụ CIA bán tin

Kỳ 2: Nhân viên ngoại giao Mỹ sa bẫy

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên