11/09/2017 09:54 GMT+7

Nhiều ngân hàng Trung Quốc ngoảnh mặt với người Triều Tiên

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Chính quyền Bắc Kinh đã lệnh cho các ngân hàng nhà nước dừng hoạt động những tài khoản do người Triều Tiên nắm giữ, tăng cường trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng.

Nhiều ngân hàng Trung Quốc ngoảnh mặt với người Triều Tiên - Ảnh 1.

Một nữ phục vụ người Triều Tiên lau sàn nhà tại một nhà hàng của Triều Tiên ở Dandong, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Các văn phòng chi nhánh ngân hàng tại thành phố Yanji của Trung Quốc cũng cấm người Triều Tiên mở tài khoản mới, không gửi tiền cũng như không chuyển tiền qua các tài khoản này.

Tuy nhiên những tài khoản đó đã không bị đóng băng. Điều này đồng nghĩa với việc chủ các tài khoản vẫn được phép rút tiền.

Ngoài ra, trang tin DailyNK có trụ sở tại Hàn Quốc cho biết 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc, gồm Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đã cấm công dân Triều Tiên hiện đang sống tại Trung Quốc mở tài khoản mới, đồng thời ra lệnh đóng các tài khoản hiện có.

Lệnh cấm này tác động tới mọi công dân Triều Tiên đang sinh sống tại Trung Quốc đại lục, từ các viên chức lãnh sự cho tới người lao động và các thương nhân.

Các chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc cho rằng, mặc dù nhóm thương nhân có thể vẫn sẽ tìm ra những kẽ hở để lách lệnh cấm này, tuy nhiên quyết định trừng phạt kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục gây thêm những tác động tiêu cực cho quan hệ thương mại vốn đã yếu đi thời gian qua giữa nước này với láng giềng Triều Tiên.

Ông Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Đảng Trung Quốc, nhận định rằng các giao dịch lớn, kiểu như hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Trung Quốc sang Triều Tiên, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì chuyện cấm cửa ngân hàng với bên Triều Tiên.

Tuy nhiên ông Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứu Biên giới tại Học viện Khoa học xã hội Liêu Ninh, cho rằng vẫn còn những cách khác để người Triều Tiên có thể lách lệnh trừng phạt của ngân hàng, trong đó có việc sử dụng tiền mặt và trao đổi bằng hàng hóa.

Ông Lu nhận định: "Mặc dù các giao dịch vẫn xuất hiện trên dữ liệu hải quan, nhưng chúng sẽ cần ít ngoại tệ hơn".

Động thái trừng phạt được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra khó chịu hơn trước các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Trung Quốc cũng đối mặt với áp lực từ Mỹ trong việc phải gia tăng thêm sức ép với Bình Nhưỡng. Washington cũng đã đe áp dụng "các lệnh trừng phạt thứ hai" với các ngân hàng Trung Quốc đang quản lý tài khoản cho những doanh nghiệp làm văn với Triều Tiên.

Dự kiến ngày 11-9 (giờ Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ bỏ phiếu về gói trừng phạt mới với Triều Tiên. Mỹ hối thúc thông qua nghị quyết cấm hoàn toàn với hoạt động cung ứng dầu cho Triều Tiên, lĩnh vực xuất khẩu dệt may của Triều Tiên cũng như hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài và đóng băng các tài sản của Bình Nhưỡng.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có động thái siết chặt các lệnh trừng phạt tài chính với Triều Tiên.

Năm ngoái, một chi nhánh của ICBC ở thành phố biên giới Đan Đông đã đóng băng các tài khoản của người Triều Tiên.

Năm 2013, nhiều ngân hàng của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung Quốc, đã dừng hoạt động làm ăn với Ngân hàng ngoại thương Triều Tiên.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên