14/07/2017 16:20 GMT+7

Trung Quốc dẹp được nhà máy gây ô nhiễm

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Sau nhiều năm phải trả giá đắt, nhà cầm quyền Trung Quốc dường như nhận ra đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế không phải là con đường bền vững.

Ô nhiễm dai dẳng khiến không khí sạch trở thành
Ô nhiễm dai dẳng khiến không khí sạch trở thành "hàng hiếm" ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Cuộc sống tại thành phố Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) thời gian qua bị xáo trộn không ít sau khi nhà chức trách đóng cửa và di dời hàng loạt các nhà máy nhuộm vải gây ô nhiễm. Giá cả tăng vọt, các thương gia gặp khó khăn và thậm chí phá sản, nhưng nhiều người lại cảm thấy hài lòng, tại sao?

Nếu nhận ra cái giá của ô nhiễm không khí, nguồn nước và thực phẩm bẩn phải trả bằng sinh mạng con người và bệnh tật, thì đó là một gánh nặng khổng lồ đối với nền kinh tế"

Lauri Myllyvirta - chuyên gia năng lượng thuộc tổ chức Hòa bình xanh

“Tốt cho chúng tôi”

“Con sông trước đây từng bốc mùi kinh khủng vào mùa hè, và rác trôi đầy trên mặt nước. Còn bây giờ tôi không còn ngửi thấy gì nữa. Tôi nghĩ cách này tốt hơn” - cô Xie Shuijuan, một cư dân sống bằng nghề buôn vải ở Thiệu Hưng, tâm sự.

Ngay sau khi cuộc chiến làm sạch môi trường được phát động năm 2016, có đến 76/200 nhà máy nhuộm ở Thiệu Hưng ngay lập tức bị buộc đóng cửa, dẫn đến tăng trưởng của thành phố giảm xuống 4,3%. Nhưng chính quyền coi đó là cái giá phải trả để xây dựng lại.

Ông Zhang Zhigang, chủ nhà máy nhuộm Oriental Times, là người đầu tiên dời đến khu công nghiệp mới ở rìa phía bắc thành phố. Kể từ đó, lợi nhuận của công ty ông đã tăng gấp đôi, trong khi tỉ suất lợi nhuận tăng gấp ba.

Do đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, an toàn lao động, kiểm soát ô nhiễm…, công ty Oriental Times ký được hợp đồng với các nhãn hiệu toàn cầu như Nike và Uniqlo.

“Điều này thật sự tốt cho chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu từ khó khăn, không thèm ngó ngàng gì đến môi trường, thiết bị, an toàn cháy nổ… Nhưng bây giờ chúng tôi quan tâm đến sức khỏe của chính mình và trách nhiệm với xã hội” - ông Zhang trần tình.

Chính quyền Thiệu Hưng đã dành ra khoản ngân sách lên đến 20,3 tỉ USD cho các dự án đầu tư liên quan môi trường đến năm 2020. Mục tiêu của họ là chất lượng tất cả nguồn nước phải quay lại ngưỡng "đạt" hoặc vượt chuẩn sạch quốc gia.

Một con sông bị ô nhiễm ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang năm 2013 - ảnh: ImagineChina
Một con sông bị ô nhiễm ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang năm 2013 - Ảnh: ImagineChina

Kềm hãm hay thúc đẩy?

Theo hãng tin Bloomberg, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo nằm ở mức thấp năm thứ 7 liên tiếp sau giai đoạn tăng trưởng nóng trung bình 10% trong suốt ba thập niên (đến năm 2010).

Các nhà lập pháp Trung Quốc đang chèo chống nền kinh tế 11 ngàn tỉ USD từ mô hình phát triển cũ vốn chỉ dựa vào sản xuất - xuất khẩu - xây dựng hạ tầng công sang mô hình mới.

Năm 2015, lần đầu tiên mảng dịch vụ chiếm hơn 50% giá trị sản phẩm đầu ra tại Trung Quốc, và tiêu dùng đóng góp đến 77,2% cho mức tăng trưởng của quý 1.

Trung Quốc đã cho đóng cửa các nhà máy thép và ngừng công trình xây dựng trong nhiều thời điểm khói mù bao trùm các đô thị. Nhưng họ sẽ phải suy nghĩ ra giải pháp thay thế cho các hoạt động đó, nếu không tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với thế giới nói chung, công cuộc dọn dẹp môi trường ở Trung Quốc sẽ đưa ra câu trả lời cho cuộc tranh luận rằng liệu “sống xanh, ở sạch” sẽ kềm hãm hay thúc đẩy nền kinh tế.

Ở cấp độ địa phương, thành phố Thiệu Hưng gồm 5 triệu dân ít nhất đã cho thấy mặt tích cực của việc bảo vệ môi trường. Nhờ tầm nhìn chiến lược của các nhà quản lý, hiện nay tăng trưởng đã quay lại thành phố này,

Về lâu dài, thành phố thậm chí đặt mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 20.000 USD/năm đến năm 2020, tương đương mức thu nhập của một công dân Saudi Arabia trung bình.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên