07/05/2016 08:20 GMT+7

Trưng bày “chứng tích” phá rừng

TR.TÂN
TR.TÂN

TTO - Bảo tàng Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đang trưng bày “chứng tích” phá rừng trên toàn tỉnh với những đầu thú đã tuyệt chủng, nguy cấp, clip phá rừng làm nương rẫy...

Học sinh huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) tham quan khu vực “chứng tích” phá rừng tại Bảo tàng Đắk Lắk - Ảnh: Tr.Tân
Học sinh huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) tham quan khu vực “chứng tích” phá rừng tại Bảo tàng Đắk Lắk - Ảnh: Tr.Tân

 Sáng 6-5, hơn 100 học sinh lớp 4 và lớp 5 tại huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk rất thích thú khi đến tham quan Bảo tàng Đắk Lắk.

Nhìn đầu một số con thú quý hiếm như bò tót, trâu, heo rừng... nhiều học sinh không biết đó là con gì. Hướng dẫn viên Bùi Thị Ngọc Thúy (nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk) chỉ cho các em phân biệt từng con thú rừng và đặt câu hỏi: “Trước nạn săn bắt vô cùng gay gắt, nhiều con thú rừng đã bị tận diệt, nguy cấp, chúng ta phải làm gì hả các con?”. “Không được săn bắt thú rừng” - nhóm học sinh đồng thanh.

Cũng tại khu vực này, bảo tàng trưng bày hình ảnh những chiếc xe tải, xe máy chở những lóng gỗ quý, hình ảnh cây thủy tùng tại huyện Krông Năng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, ảnh một chú voi con bị săn bắt trái phép ở huyện Buôn Đôn, cảnh công an xử lý người phá rừng...

“Cây rừng giúp giữ nước và môi trường trong lành cho con người, nên chặt phá rừng như thế này là vi phạm pháp luật, các con nhé” - hướng dẫn viên nói.

Bà H’Loan Adrơng, quyền giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, cho biết bảo tàng được thiết kế thành ba không gian gồm: văn hóa dân tộc, lịch sử và đa dạng sinh học với bốn thứ tiếng là Việt, Pháp, Anh và Êđê.

Khu “chứng tích” phá rừng nằm trong không gian đa dạng sinh học, được mở liên tục nhằm giáo dục, tuyên truyền cho khách tham quan ý thức bảo vệ môi trường trước nạn phá rừng lấy gỗ, làm nương, săn bắt, tận diệt thú rừng.

TR.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên