04/11/2016 13:26 GMT+7

Trông sang “hàng xóm”... mà ham

MINH TRANG - Đ.TRIẾT
MINH TRANG - Đ.TRIẾT

TTO - Nhiều cuộc tọa đàm, gặp gỡ giữa lãnh đạo điện ảnh các nước ASEAN, trao đổi kinh nghiệm của các đạo diễn có phim trình chiếu trong HANIFF 2016 đã mang đến những kinh nghiệm quý giá.

 Phim của Hàn Quốc tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 Ảnh: HANIFF
Phim của Hàn Quốc tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 Ảnh: HANIFF

Nghệ sĩ chúng tôi được tự do thể hiện quan điểm của mình trước hiện thực xã hội

Đạo diễn Lawrence Fajardo

Câu chuyện về điện ảnh mỗi nước mỗi khác nhưng nhìn chung tại tọa đàm Hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các thành viên của FILM ASEAN diễn ra ngày 3-11, các nhà lãnh đạo điện ảnh các nước ASEAN đều nhận định điện ảnh là một trong những ngành mũi nhọn về văn hóa, thu hút đầu tư và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia.

Điều được đặc biệt quan tâm là chính phủ các nước đã và đang có chính sách đầu tư cho điện ảnh như thế nào?

Điện ảnh Việt: Đang lỗi thời và xa lạ?

Giữa những câu chuyện làm phim của các nước ASEAN, câu chuyện về việc Nhà nước vẫn bỏ tiền để làm phim “đặt hàng” như ở Việt Nam lâu nay xem ra đã trở thành “lỗi thời”. Bởi lẽ hầu hết các nước trong khu vực đã giao hẳn việc này cho các hãng phim tư nhân.

Bà Wei Xuan Sim - đại diện Ủy ban Điện ảnh Singapore - đã cười đáp trước câu hỏi Nhà nước Singapore có còn đầu tư cho việc làm phim: “Đó là công việc của các nhà làm phim tư nhân. Nhà nước Singapore không còn bỏ tiền để làm phim nữa”.

Bà Sim cũng nhấn mạnh điện ảnh ở Singapore nằm trong những dự án truyền thông lớn của đất nước này. Cụ thể từ ngày 7 đến 9-12 năm nay, Singapore cũng tổ chức Liên hoan phim quốc tế Singapore thuộc Liên hoan truyền thông quốc tế Singapore 2016. Một trong những hoạt động chính của Liên hoan phim quốc tế Singapore là xem xét và tài trợ cho các dự án phim trong khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Việt Nam lại có phần xa lạ trước câu chuyện Nhà nước cần có chính sách thu hút, ưu đãi dành cho những nhà làm phim nước ngoài như thế nào? Theo ông Đỗ Duy Anh - phó cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện trong khối ASEAN, Việt Nam là một trong số rất ít các nước chưa có chính sách ưu đãi về thuế đối với hợp tác sản xuất phim quốc tế.

Phim Singapore tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 Ảnh: HANIFF
Phim Singapore tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 Ảnh: HANIFF

Còn “hàng xóm” Campuchia dù cũng là một trong những nền điện ảnh trẻ nhưng lại đang có những chiến lược rất thiết thực dành cho các nhà làm phim.

Ông Pok Borak - phó cục trưởng Cục Điện ảnh và phổ biến văn hóa Campuchia - cho biết: “Từ năm 2013, Chính phủ Campuchia đã ký kết Hiệp định sản xuất điện ảnh với Chính phủ Pháp và phía Pháp đã hỗ trợ rất nhiều các nhà làm phim Campuchia để làm các tác phẩm điện ảnh song phương Pháp - Campuchia. Cũng từ đây, Bộ Tài chính Campuchia đã sửa đổi luật thuế để hỗ trợ sản xuất cho nhà làm phim nước ngoài”.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo điện ảnh Campuchia còn nắm bắt nhu cầu thực tế: thông thường khi đến quay phim ở một nước khác, đoàn phim sẽ không thể mang toàn bộ nhân lực, trang thiết bị sang do chi phí cao. Cho nên từ năm 2009, Cục Điện ảnh Campuchia đã đầu tư mua các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và cho thuê với giá phải chăng. Thủ tục hành chính dành cho các đoàn phim cũng rất đơn giản.

“Hàng năm chúng tôi đón tiếp khoảng năm đoàn phim quốc tế đến Campuchia. Đây không phải là con số lớn nhưng khá ổn định và chúng tôi đang tìm cách thu hút, kêu gọi các nhà làm phim đến nhiều hơn” - ông Pok Borak nói.

Phim Philippines tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 - Ảnh: HANIFF
Phim Philippines tham gia chương trình Chùm phim toàn cảnh thế giới điện ảnh tại HANIFF 2016 - Ảnh: HANIFF

 

Không phải cứ thần tượng Hàn, mà là cách kể chuyện...

Tại cuộc gặp gỡ 10 đạo diễn, nhà làm phim tham gia HANIFF 2016, đạo diễn người Hàn Quốc Choi Jeong Yeol của Ngày tươi đẹp chia sẻ việc ông đã từ chối sử dụng những “thần tượng Hàn” trong bộ phim của mình, vì không muốn phim mình thành phim thần tượng.

Thay vào đó, Choi Jeong Yeol xây dựng một kịch bản thú vị, gần gũi với khán giả trẻ, đạt độ chân thực cao để lay động khán giả - trên cơ sở vốn đầu tư không nhiều. Quả thật Ngày tươi đẹp mang đến một câu chuyện rất giản đơn về bốn người bạn trẻ, nhưng dễ đem đến sự đồng cảm từ góc nhìn sâu sắc về tình người, tình bạn và trách nhiệm xã hội.

Đạo diễn Lawrence Fajardo - người giành giải phim truyện xuất sắc tại HANIFF lần thứ hai với bộ phim Bị còng tay, tiếp tục tham dự HANIFF 2016 với phim Vô hình nói về đề tài di dân - cũng chia sẻ phim ông không có kinh phí khủng. Thế nhưng phim của Fajardo đã rất thành công tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

“Có một thuận lợi đối với những nhà làm phim Philippines chúng tôi là không phải lo đến chuyện phim bị chính phủ kiểm duyệt. Nghệ sĩ được tự do thể hiện quan điểm của mình trước hiện thực xã hội. Quan trọng là cách chúng tôi kể chuyện bằng tất cả sự chân thực để chạm đến trái tim khán giả” - đạo diễn Fajardo nói.

MINH TRANG - Đ.TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên