12/09/2017 08:04 GMT+7

Trong ly cocktail không chỉ có rượu và nước quả...

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Bạn cần một thức uống phù hợp tâm trạng, một màn trình diễn nghệ thuật pha chế, một người để tâm tình - một bartender có thể làm tất cả những việc đó.

Với một bartender, bạn có một thức uống phù hợp tâm trạng, một màn trình diễn nghệ thuật pha chế và một người để tâm tình - Clip: QUANG ĐỊNH

Đều phải bắt đầu từ rửa ly, quét dọn

Cuộc sống ở bar luôn bắt đầu muộn, nhưng công việc của các bartender thì bắt đầu lúc 4h chiều, lúc gần như chưa có khách. Họ phải chuẩn bị nguyên liệu, bày trí quầy, sẵn sàng cho một buổi tối sôi động.

Nguyễn Huy Khang (27 tuổi) là quản lý bar Layla (Đông Du, Q.1). Khang đang học Công nghệ thông tin ở trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đến năm 3 thì biết đến nghề bartender và quyết định theo học.

"Học phí lúc đó là 3 triệu đồng một khóa cơ bản, sau đó mình học thêm ở sách, trên mạng. Nhận ra nghề này chỉ học thôi thì không làm gì được, mình xin vào phụ rửa ly cho các quán bar, học nghề từ các đàn anh, dần dần được lên quầy. Đến giờ tính ra mình đã theo nghề này được 6 năm", Khang kể.

Trong ly cocktail không chỉ có rượu và nước quả... - Ảnh 2.

Một bartender bắt đầu vào nghề từ rất sớm, 25 tuổi đã là "già" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cũng vào nghề từ một năm phụ rửa ly, Đinh Thép (22 tuổi) cũng mới chuyển sang con đường chuyên nghiệp sau khi dắt lưng một hai giải thưởng trong nước và khu vực.

"Sau khi tốt nghiệp lớp 12, mình học quản lý nhà hàng, vô tình thấy lớp bartender vậy là mê, theo học ở trường rồi đầu tư thêm sách tiếng Anh để học nhiều hơn, vừa học kiến thức cơ bản vừa học tiếng Anh, vì đó là những điều mà một bartender chuyên nghiệp phải có. Tại bar có rất nhiều khách nước ngoài mà", Thép kể.

Tuyệt vời, cực kỳ thú vị

"Em ơi, chị mới cấn thai, pha cho chị loại gì không ảnh hưởng em bé nha" - "Okie chị, chúc mừng chị nha" - là những trao đổi rất thân quen giữa bartender và khách hàng. Đó cũng là lý do Thép tin rằng nghề của mình không chỉ là pha đồ uống.

"Nền tảng vẫn là tổng quan về các loại trái cây, rượu, syrup... việc còn lại của bạn là nắm bắt tâm trạng của khách và sáng tạo cho họ một món đồ uống giúp họ thoải mái, tốt cho sức khỏe. Nghề này vì thế cực kỳ thú vị đấy", Thép nói.

Trong ly cocktail không chỉ có rượu và nước quả... - Ảnh 3.

"Biểu diễn là một phần trong bartender nhưng đã theo con đường chuyên nghiệp thì tập trung vào pha chế, đưa tâm hồn vào món thức uống ngon bằng 5 giác quan chứ không quan trọng biểu diễn", Đinh Thép chia sẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với Khang, mỗi bartender có một thế mạnh riêng. "Người chuyên về độ chua ngọt sẽ làm ra những đồ uống khi uống vào nghe chua, nhưng ngọt hậu, thở ra thoang thoảng mùi hoa và dư vị đọng lại là một chút mặn đắng… Đó là sự kết hợp tuyệt vời", Khang say sưa nói.

Đó chưa phải là tất cả bí mật đằng sau những động tác điêu luyện của đôi bàn tay và những ly cocktail đầy mê hoặc. Đây là một nghề có thể đem lại thu nhập ổn định với những người gắn bó.

"Mới vào nghề bạn có thể thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, và tăng dần cùng với nhiều khoản tip khác, có thể đến 20-30 triệu đồng", Thép cho biết.

"Nhưng để trở thành một bartender thực thụ, phải không ngừng học tập và rèn luyện nghiêm túc. Bartender không chỉ giỏi pha chế mà còn không ngừng sáng tạo, mỗi thành phẩm phải khác biệt và ấn tượng, đủ cả sắc, hương, vị được cảm nhận qua 5 giác quan, chinh phục được cả những ẩm khách khó tính nhất".

Trong ly cocktail không chỉ có rượu và nước quả... - Ảnh 4.

Sự hòa quyện của tất cả nguyên vật liệu, trái cây, rượu, hoa, gia vị... cho ra một thức uống có thể làm dịu nhẹ hoặc khuấy động tâm hồn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng là...

Nghề nào cũng có sự "bạc" của nó. 

"Nghề này phải thường xuyên thức khuya, làm đêm ngủ ngày, khóng tránh được ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngày làm 12 tiếng, lắc cả trăm ly mỗi đêm, là bình thường, về đến nhà là mệt rũ người. Đồng hồ sinh học cũng khác với mọi người nên hoạt động còn lại bị hạn chế đáng kể. Gia đình khó mà hiểu hết và ủng hộ lâu dài…", Khang chia sẻ những điều chính mình đã trải qua.

"Cần nhiều sức khỏe lắm đấy, để vác bia, rượu từ kho, chịu khó, đam mê từ những việc nhỏ nhặt như rửa ly, quét dọn, thậm chí cả khi khách say mà nôn ra… Nghề bartender được nhiều bạn chọn học nhưng để trụ được thì chỉ có những người hiểu rõ những gì đằng sau vẻ hào nhoáng của nó", Thép nói thêm.

Khang cũng khuyên các bartender tích cực tham gia các cuộc thi pha chế trong nước và quốc tế để có những trải nghiệm đa dạng. "Ở đó, bạn sẽ học được rất nhiều điều, từ đồng nghiệp, ban giám khảo và bản thân tự rút tỉa ra bài học cho mình", Khang chia sẻ.

"Nhưng đừng ngủ quên chiến thắng mà phải rèn luyện nhiều hơn nữa sau mỗi cuộc thi. Thế hệ trẻ ngày càng phát triển hơn nên không muốn thụt lùi thì chớ nghĩ chiến thắng là đã chiến thắng…", Đinh Thép chia sẻ.

Trong ly cocktail không chỉ có rượu và nước quả... - Ảnh 5.

Bar là nơi bạn có thể đến thưởng thức rượu một mình, nghe nhạc, nói chuyện hay là nơi để bạn bè gặp gỡ, không xô bồ như mọi người "hiểu lầm" cho bar - Ảnh: QUANG ĐỊNH

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên