14/06/2016 11:00 GMT+7

Trộm cắp, cướp giật chuyển ra vùng ven

ĐỨC THANH - TRẦN KIM ANH
ĐỨC THANH - TRẦN KIM ANH

TTO - Đó là nhận định của Công an TP.HCM khi lực lượng chức năng tập trung trấn áp tội phạm tại khu vực trung tâm. Trong khi đó, gần đây lại xảy ra nhiều vụ trộm đột nhập nhà dân lấy cắp tài sản giá trị lớn và một số vụ cưỡng đoạt tài sản giữa ban ngày.

Trần Hữu Tín, nghi can kéo cổng vào nhà giật iPad trên tay một bé gái ở đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh cắt từ clip
Trần Hữu Tín, nghi can kéo cổng vào nhà giật iPad trên tay một bé gái ở đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh cắt từ clip

 

Gặp lại chúng tôi sau một tuần bị trộm đột nhập lấy gần nửa tỉ đồng, anh Nguyễn Hậu (người thuê nhà trên đường Tân Thọ, P.8, Q.Tân Bình để buôn bán quần áo) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Trộm vào nhà như chốn không người

“Tiền mất thì đã mất rồi, nhưng xem lại camera tôi vẫn còn run. Hắn cầm dao đi lại rất thản nhiên. Tôi nghĩ nếu chẳng may hai đứa em tôi đang ngủ trong nhà phát giác trộm không chừng không giữ được mạng” - anh Hậu nói.

Anh Hậu kể hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy trộm đột nhập từ tầng một căn nhà vào đêm 2-6. Sau đó đối tượng lên tầng hai (nơi hai người em anh Hậu đang ngủ) lấy hai điện thoại di động rồi tiếp tục đi xuống tầng trệt, vừa đi vừa huơ dao. Tại tầng trệt, tên trộm đã lấy đi két sắt bên trong có gần nửa tỉ đồng, sổ tiết kiệm, sổ ghi nợ...

Công an Q.Tân Bình đã thu thập hình ảnh từ camera đặt tại nhà anh Hậu thuê và đang mở rộng điều tra, truy bắt đối tượng.

Mới đây ngày 8-6, bà Lê Thị Nhàn (ngụ đường Gò Dưa, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) hốt hoảng đến Công an P.Tam Bình trình báo sáng sớm cùng ngày, bà phát hiện két sắt đặt trong phòng bà đã bị kẻ gian đục phá, lấy mất số tiền gần 370 triệu đồng.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, Công an Q.Thủ Đức nhận định vụ mất trộm này không có dấu vết đột nhập từ bên ngoài. Nhiều khả năng bà Nhàn đã bị lấy mất tiền trước khi bà phát hiện nhiều ngày.

Trước vụ trộm này hai ngày, ông Kenichi (người Nhật, chủ nhà hàng Sakura ở P.Bến Nghé, Q.1) khóa cửa đi ra ngoài ăn tối. Khoảng một giờ sau ông trở về thì phát hiện ổ khóa cửa nhà hàng không còn. Kiểm tra tài sản, ông Kenichi phát hiện mất hơn 100 triệu đồng, 4.000 USD và nhẫn kim cương.

Qua kiểm tra hệ thống camera, cảnh sát phát hiện vào thời điểm ông Kenichi ra ngoài có hai thanh niên đột nhập nhà hàng. Khi thấy trong nhà hàng có gắn camera, một trong hai người này đã dùng xẻng đẩy máy camera hướng lên trần nhà, đồng thời lấy trộm máy camera đặt ở khu vực nhà bếp. Hình ảnh của hai đối tượng này đã bị camera đặt ở khu vực cầu thang ghi lại.

Giả cảnh sát cưỡng đoạt tài sản người nước ngoài

Khoảng 13g10 ngày 8-6, anh Lee Sie Zan (31 tuổi, lưu trú tại Q.7) chạy xe máy đến giữa cầu Kênh Tẻ thì bị một thanh niên ép xe vào lề.

Đối tượng này xổ một tràng tiếng Anh, tự xưng là cảnh sát và rút ra một tấm thẻ màu đỏ, yêu cầu anh Lee Sie Zan đưa giỏ xách (bên trong có 1 máy tính bảng, 1 ĐTDĐ, 1 hộ chiếu, tổng giá trị tài sản khoảng 13 triệu đồng). Sau khi xem giỏ xách của nạn nhân, đối tượng này cầm giỏ xách lên xe bỏ chạy.

Tương tự, khoảng 16g30 ngày 2-6 trên đường Mai Chí Thọ (P.An Phú, Q.2), anh Kumar Bloomstein (23 tuổi, lưu trú tại Q.1) gặp một thanh niên nói tiếng Anh, tự xưng là cảnh sát phòng chống ma túy rồi mời anh Kumar về trụ sở để làm việc.

Trên đường đi, đối tượng này đã giữ balô của Kumar (bên trong có 1 máy tính bảng, 1 máy ảnh) và yêu cầu nạn nhân quay về nơi lưu trú lấy hộ chiếu để chứng minh việc đến VN là hợp pháp. Trước khi bỏ đi, đối tượng này còn hẹn gặp anh Kumar trước một căn nhà trên đường Mai Chí Thọ nhưng khi đến địa chỉ này chẳng thấy hắn đâu, anh Kumar mới biết mình bị lừa...

Trước đó khoảng 6g ngày 26-5, ông Sudokenji (43 tuổi, tạm trú Q.Bình Thạnh) đang đi bộ và sử dụng điện thoại iPhone 6 nghe nhạc.

Khi đến cầu Thủ Thiêm (P.An Khánh, Q.2), một thanh niên đi xe máy đến nói tiếng Anh, tự xưng là cảnh sát, yêu cầu ông Sudokenji đưa điện thoại để kiểm tra. Tin lời, ông Sudokenji đưa điện thoại cho đối tượng này thì bất ngờ hắn giật điện thoại bỏ chạy.

Một lãnh đạo Công an Q.2 cho biết hiện Phòng cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra các vụ giả cảnh sát để cưỡng đoạt tài sản của người nước ngoài.

Liên quan đến các vụ án này, PC45 đã đưa một số đối tượng liên quan về trụ sở làm việc để điều tra.

Bắt nhiều đối tượng cướp giật nhờ camera

Tối 10-6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Tân Bình cho biết đã bắt giữ Trần Hữu Tín (33 tuổi, ngụ P.11, Q.Bình Thạnh) về hành vi “cướp giật tài sản”. Tín được xác định là nghi can thực hiện hành vi kéo cổng vào nhà giật iPad trên tay một bé gái ngụ ở đường Nguyễn Phúc Chu (P.15, Q.Tân Bình).

Từ lời khai của Tín, công an đã thu hồi được iPad mà Tín đem bán với giá 800.000 đồng...

Trước đó trưa 4-6, tại giao lộ Lạc Long Quân - Tái Thiết (P.11, Q.Tân Bình), chị Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) ngồi sau xe máy của người thân thì bị một thanh niên giật giỏ xách, bên trong có một điện thoại Samsung Galaxy J5, 80.000 đồng và một số giấy tờ cá nhân.

Toàn bộ diễn biến vụ cướp giật này được camera hành trình của một ôtô chạy phía sau ghi hình được. Sau đó, đoạn clip về vụ cướp giật được đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc cho người xem. Nạn nhân không đến cơ quan công an trình báo nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự truy xét khẩn cấp, Công an Q.Tân Bình đã xác định đối tượng cướp giật giỏ xách.

Liên quan đến vụ này, đến chiều 8-6 lực lượng cảnh sát hình sự Q.Tân Bình đã bắt khẩn cấp Nguyễn Tấn Phương (33 tuổi, ngụ P.12, Q.Bình Thạnh) để điều tra về hành vi “cướp giật tài sản”. Theo cơ quan điều tra, Phương thừa nhận hành vi cướp giật giỏ xách để kiếm tiền chơi game bắn cá... Khám xét nơi ở của Phương, cảnh sát đã thu được vật chứng liên quan đến vụ cướp giật.

Tội phạm giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước

Công an TP.HCM cho biết số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn TP trong ba tháng qua (từ ngày 16-2 tới 15-5-2016) đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong ba tháng qua trên địa bàn TP ghi nhận xảy ra 1.173 vụ phạm pháp hình sự (giảm 68 vụ, tương đương 6,83% so với cùng kỳ 2015), làm chết 22 người, bị thương 167 người và thiệt hại khoảng 33 tỉ đồng. Công an TP đã điều tra khám phá 778 vụ phạm pháp hình sự, bắt 902 đối tượng (đạt 66,32%).

Trong số các vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận, án trộm cắp tài sản vẫn xảy ra nhiều nhất với 622 vụ (giảm 68 vụ), chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu tội phạm (chiếm 53%). Tài sản bị trộm nhiều nhất là xe máy (chiếm 48% các vụ trộm).

Án cướp giật là loại án xếp thứ hai sau trộm cắp. Công an TP ghi nhận xảy ra 218 vụ cướp giật tài sản (giảm 10 vụ so với cùng kỳ 2015, tương đương gần 4,5%) và chiếm hơn 18,5% cơ cấu tội phạm.

Đáng chú ý là khi lực lượng công an tập trung trấn áp tại khu vực trung tâm TP - nơi có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham quan - thì các đối tượng cướp giật đã chuyển địa bàn hoạt động qua khu vực vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh...

Qua điều tra các đối tượng bị bắt giữ, hầu hết là người thất nghiệp, nghiện ma túy (chiếm 35%), thời gian cướp giật hoạt động nhiều từ 8g-22g.

Loại án nghiêm trọng, nguy hiểm và dễ gây hoang mang cho người dân là án cướp tài sản được kéo giảm sâu nhất với hơn 21% so với cùng kỳ năm trước (ghi nhận 45 vụ, giảm 12 vụ), trong đó hầu hết xảy ra ở vùng ven, vùng giáp ranh như Q.7, 12, Bình Tân, H.Bình Chánh...

Thủ đoạn quen thuộc, chiếm gần 70% trong các vụ cướp, là nhóm đối tượng rình rập ở nơi tối, vắng người dùng hung khí chặn đánh, cướp tài sản. Án giết người, cố ý gây thương tích ghi nhận xảy ra 139 vụ, giảm 8 vụ (gần 5,5%) nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cao, bột phát nên rất khó phòng ngừa.Gia Minh

ĐỨC THANH - TRẦN KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên