21/04/2017 13:55 GMT+7

Chìa khóa 'made in China'

DANH ĐỨC - N. QUÂN
DANH ĐỨC - N. QUÂN

TTO - Nếu như không có một sự hà hơi tiếp sức kinh tế của Bắc Kinh, Triều Tiên khó có thể phát triển không ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân khi mà kinh tế nước này vào hàng bết bát nhất thế giới.

Hàng hóa tại một cảng gần thị trấn Sinuiju của Triều Tiên giáp giới với Trung Quốc ngày 1-4-2017 - Ảnh: Reuters
Hàng hóa tại một cảng gần thị trấn Sinuiju của Triều Tiên giáp giới với Trung Quốc ngày 1-4-2017 - Ảnh: Reuters

Chừng nào các quan hệ bình thường đó, trong đó có việc trao đổi thương mại, vẫn đáp ứng các yêu cầu các nghị quyết của HĐBA LHQ thì lấy gì mà khiển trách?

Lu Kang (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Bất chấp những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hoặc những e dè của các nước khác, Trung Quốc vẫn cứ là đồng minh, đối tác thương mại không suy suyển và là nguồn cung cấp nhiên liệu và cả... vũ khí quan trọng nhất của Triều Tiên.

Bất chấp những quyết định cấm vận ngày càng nghiêm ngặt hơn, kết quả giao thương giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong quý 1 năm nay lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái, tăng nhập khẩu từ Triều Tiên đến 18,4%, đồng thời tăng xuất khẩu sang Triều Tiên những 54,5%, bất chấp các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, theo thông tin từ Reuters 12-4.

Quan hệ “trên mức tình cảm”

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13-4 khi được hỏi “tại sao như vậy?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lu Kang (Lục Khảng), bình thản trả lời rằng các con số đó chẳng qua chỉ là kết quả của quan hệ thương mại bình thường hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà thôi.

Ông giải thích rất “kinh điển”: “Chuyện tăng hay giảm khối lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong một giai đoạn nhất định nào đó là do, ai cũng thừa rõ, hai nước là láng giềng có những quan hệ hữu nghị truyền thống, chỉ là những trao đổi thương mại bình thường mà thôi”.

Mối quan hệ đặc biệt Trung - Triều này khác hẳn các mối quan hệ khác.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 16-2-2011 viết về chuyến thăm Triều Tiên của bộ trưởng công an Trung Quốc như sau: “Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết Bộ trưởng Công an Trung Quốc Meng Jianzhu đã chúc mừng việc con trai trẻ nhất của ông Kim (Chánh Nhật) là Kim Jong Un năm ngoái được phong làm Phó chủ tịch quân ủy trung ương, và nói rằng điều này tạo thành một giải pháp thành công cho vấn đề kế thừa trong cuộc cách mạng Triều Tiên”.

Câu chuyện trên cho phép hiểu rõ quan hệ Trung - Triều khắng khít “trên mức tình cảm” như thế nào.

Điều này giải thích tại sao Trung Quốc hết lòng trợ giúp Triều Tiên ngay cả khi phải cùng các nước khác trong HĐBA giơ tay biểu quyết trừng phạt hay tăng cường trừng phạt Triều Tiên mỗi khi nước này lại thử một tên lửa mới hay một thiết bị hạt nhân mới.

Trong số các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Triều Tiên có than đá.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo, từ nay tới cuối năm 2017 Trung Quốc sẽ ngưng nhập than đá, mặt hàng đáng giá nhất của Triều Tiên sau khi đã nhập trong quý 1 được 2,7 triệu tấn than.

Vấn đề ở chỗ việc mua bán than đá của Triều Tiên đã bị HĐBA LHQ hạn chế kể từ nghị quyết 2270 ban hành ngày 2-3 năm ngoái. Bất chấp nghị quyết này, Triều Tiên thử tiếp hạt nhân vào tháng 9 năm ngoái.

Quá sức chịu đựng, đến ngày 30-11-2016 HĐBA ra tiếp một nghị quyết nữa hạ thấp quota xuất khẩu than đá của Triều Tiên xuống còn 400 triệu USD hoặc tối đa là 7,5 triệu tấn than/năm, đồng thời giới hạn trị giá xuất khẩu vàng bạc, sắt, nickel, kẽm, đất hiếm... xuống còn 100 triệu USD.

Làm thế nào mà sau nghị quyết tăng cường trừng phạt đó, chỉ trong ba tháng đầu năm nay thôi Trung Quốc đã lại nhập đến 2,7 triệu tấn than của người “anh em” Triều Tiên?

Tức đã nhập hết 36% lượng than mà Triều Tiên được phép xuất khẩu cho cả thế giới trong cả năm nay, chẳng chừa một ký than loại tốt, giá rẻ nào cho các nước khác!

Gió đã xoay chiều?

Những ngày này, giới truyền thông quốc tế cũng đã ghi nhận hoạt động giao thương hai nước tại thành phố vùng biên Hunchun ở phía Trung Quốc.

Các nhà báo cho rằng hoạt động vẫn xôm tụ, xe tải chở hàng vẫn ùn ùn qua lại trong quãng thời gian ngắn từ 14h-17h mỗi ngày khi cửa khẩu biên giới được phép mở.

Du khách vẫn qua lại vì một số mặt hàng bên phía Triều Tiên rẻ hơn (như thuốc lá) và người Triều Tiên cũng thích sang phía Trung Quốc làm việc do “lương cao gấp 15 lần”.

Vì lẽ đó, ông Stephan Haggard, giám đốc chương trình Hàn Quốc - Thái Bình Dương của ĐH San Diego, không tin lắm vào những thành ý từ Trung Quốc và cho rằng chính cách đó đã khiến Bình Nhưỡng lờn thuốc trước các nghị quyết của LHQ: “Mình gây sức ép ở chỗ này, họ lại giải tỏa ở chỗ khác, biến sức ép (tức nghị quyết) đó thành một cái gì khác. Đây là một sách lược rất đầy ý thức khiến mọi người đều bực dọc đồng thời là một công cụ giúp Triều Tiên thích ứng”.

Tuy vậy, những ngày gần đây càng thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chỉ trông cậy vào giải pháp “sức ép từ Trung Quốc” đối với Bình Nhưỡng, xem đó là cách tốt nhất trước khi cần đến giải pháp quân sự.

Dẫu Trung Quốc vẫn lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế nhưng cũng đã bắn đi một số tín hiệu mang tính “vạch ra lằn ranh đỏ” nhắn nhủ với Bình Nhưỡng thông qua bài xã luận trên Thời Báo Hoàn Cầu - một tờ báo của chính quyền Bắc Kinh.

Đáng chú ý là một dự thảo tuyên bố mới của HĐBA LHQ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vừa trình ra hôm 19-4.

Trong cuộc này, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tuyên bố gồm những ngôn từ cứng rắn do Mỹ đưa ra.

Theo đó, HĐBA LHQ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước động thái của Triều Tiên và một lần nữa đe dọa có thêm “những biện pháp mạnh”.

Dự thảo này cũng dùng những ngôn từ mạnh để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, phía Nga muốn tuyên bố mới nhắc lại một ý trong tuyên bố tương tự hồi tháng trước, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được giải pháp thông qua đối thoại.

“Tất cả các nước rất cần phải nhúng tay vào để đảm bảo rằng bằng tất cả khả năng để ngăn chặn mối đe dọa từ việc phát triển tên lửa và hạt nhân trở thành mối đe dọa cho cộng đồng quốc tế”.

Đó là phát biểu của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trước các phóng viên tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ). Các nước ông nhắn nhủ là các quốc gia nằm ở “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong khi đó cũng tuyên bố “rất cần phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao” nhưng cần phải có thực chất vì “những cuộc đối thoại chỉ để đối thoại thì là vô ích và cần phải gây sức ép để Triều Tiên cam kết đàm phán nghiêm túc”.

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: Triều Tiên - Vì sao căng thẳng?

>> Kỳ 2: Sóng ngầm ở Hội đồng Bảo an

>> Kỳ 3: Bình Nhưỡng có gì trong tay?

>> Kỳ 4: Tình hình Triều Tiên có thể cứu vãn?

DANH ĐỨC - N. QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên