07/08/2017 14:27 GMT+7

Triều Tiên: từ tên lửa tầm ngắn đến liên lục địa

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 4-7-2017 trở thành cột mốc trọng đại trong lịch sử chạy đua vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Lần đầu tiên Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14.

Triều Tiên bắn tên lửa liên lục địa lần thứ hai tối 28-7 - Ảnh: KCNA
Triều Tiên bắn tên lửa liên lục địa lần thứ hai tối 28-7 - Ảnh: KCNA

“Kho vũ khí hạt nhân của chúng ta đã chĩa vào các căn cứ xâm lược Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc, trên các chiến trường Thái Bình Dương mà còn ngay trên lãnh thổ Mỹ

Báo Rodong Sinmun (Đảng Lao động Triều Tiên) ngày 11-7-2017

Tên lửa được phóng đi lúc 9h40 sáng từ bãi phóng ở tỉnh Bắc Pyongan, giáp biên giới Trung Quốc.

Phát thanh viên huyền thoại 74 tuổi

Triều Tiên đánh giá vụ bắn thử tên lửa liên lục địa ngày 4-7 là sự kiện lịch sử bởi người thông báo bản tin đặc biệt quan trọng này trên Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) là bà Ri Chun Hee, phát thanh viên huyền thoại 74 tuổi đã nghỉ hưu.

Hôm 4-7-2017, bà Ri Chun Hee xuất hiện trên truyền hình trong bộ trang phục truyền thống joseon-ot màu hồng đen. Phía sau bà là hình phông ngọn núi Bạch Đầu (Paektu) linh thiêng, nơi người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành đã lập căn cứ kháng Nhật.

Với giọng truyền cảm, bà thông báo: “Các nhà khoa học Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới... CHDCND Triều Tiên là cường quốc hạt nhân hùng mạnh có thể tấn công mọi nơi trên thế giới với vũ khí hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa rất mạnh...”.

Sau đó, KCTV phát hình ảnh nhật lệnh viết tay ngày 3-7 của ông Kim Jong Un chỉ thị bắn thử tên lửa liên lục địa. Nhật lệnh nêu rõ trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã phê chuẩn vụ bắn thử.

Bà Ri Chun Hee chuyên giới thiệu tin tức quốc gia đại sự của Triều Tiên từ nhiều thập niên. Bà đã đọc bản tin thông báo Chủ tịch Kim Nhật Thành từ trần năm 1994 và lãnh tụ Kim Jong Il từ trần năm 2011.

Hồi tháng 9 năm ngoái, bà từng thông báo vụ thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên, vụ thử mà Triều Tiên cho rằng đã đủ sức thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Ngày 28-7, Triều Tiên thông báo bắn thử thành công lần thứ hai. Trong lần thử đầu tiên, tên lửa Hwasong-14 bay đến độ cao 2.802km và bay xa 933km trong 39 phút trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Còn ở lần thử thứ hai, tên lửa bay cao hơn (3.724,9km) và bay xa hơn (998km) trong thời gian 47 phút 12 giây.
Bí mật công nghệ tên lửa Triều Tiên

Có hai vấn đề quan trọng nhưng đến nay các chuyên gia đã đưa ra ý kiến trái ngược nhau: một là có phải Triều Tiên đã bắn thử thành công tên lửa liên lục địa như đã tuyên bố; hai là Triều Tiên đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn để trang bị cho tên lửa đạn đạo và công nghệ tên lửa trở về khí quyển hay chưa?

Ba ngày sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa liên lục địa lần thứ hai ngày 28-7, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết thật khó đánh giá Triều Tiên đã sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân chưa.

Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young Woo khẳng định tên lửa Triều Tiên có thể bắn đến các thành phố Mỹ như New York hay Washington. Bằng chứng là băng ghi hình từ tỉnh Hokkaido của Nhật cho thấy lửa phụt ra từ tên lửa rất đậm và tập trung.

Ông cũng giải thích việc tên lửa rơi chỉ cách tỉnh Hokkaido 170km cho thấy Triều Tiên biết kiểm soát đạn đạo tên lửa. Ông cho rằng cần phải xem Triều Tiên đã thủ đắc công nghệ tên lửa trở về khí quyển.

Hãng tin Reuters ngày 31-7 dẫn nguồn tin từ hai lãnh đạo tình báo Mỹ giấu tên cũng khẳng định từ nay Bình Nhưỡng đã đủ khả năng bắn tên lửa đến phần lớn lãnh thổ Mỹ.

Giáo sư Chang Young Keun ở Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc ghi nhận: “Chúng tôi đánh giá Triều Tiên đã bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nếu tính theo góc bắn bình thường thì tên lửa đã bay đến tầm xa từ 8.000-9.000km”.

Ngược lại, chuyên gia Michael Elleman ở Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Anh) lại đánh giá tên lửa Triều Tiên bay trở lại khí quyển không thành công vì tên lửa đã bị bào mất nhiều lớp trên bề mặt, sau đó bị nổ và vỡ ra. Dù vậy, ông dự báo Triều Tiên có thể làm chủ công nghệ tên lửa trở về khí quyển vào năm tới.

Theo nguyên tắc, đầu đạn tên lửa cần có lớp chắn bảo vệ trước khi bay trở về khí quyển, nếu không đầu đạn sẽ bị thiêu hủy do sức nóng quá lớn phát sinh trong quá trình tên lửa ma sát với khí quyển.

Người dân ở ga Seoul xem bà Ri Chun Hee thông báo tin bắn tên lửa liên lục địa hôm 4-7 - Ảnh: AFP
Người dân ở ga Seoul xem bà Ri Chun Hee thông báo tin bắn tên lửa liên lục địa hôm 4-7 - Ảnh: AFP

Tiềm lực hạt nhân Triều Tiên đến đâu?

Cuối thập niên 1970, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã quyết định phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Từ đó đến nay và đặc biệt trong những năm gần đây, Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân nhanh chóng đến mức cộng đồng quốc tế phải cảnh báo.

Về tầm bắn, ban đầu từ tên lửa Scud-B (tầm bắn 300km), Scud-C (500km), Rodong-1 (1.300km), Triều Tiên đã phát triển thêm tên lửa Taepodong-1 (2.500km), Musudan-1 (3.000km), Taepodong-2 (6.700km). Ngoài ra Triều Tiên đã bắn thử tên lửa phóng từ tàu ngầm ngày 23-4 năm ngoái.

Báo cáo công bố đầu tháng 7-2017 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) nhận xét Triều Tiên đã đạt được tiến bộ kỹ thuật trong chương trình hạt nhân quân sự và tên lửa đạn đạo.

Tính đến đầu năm nay, Triều Tiên có thể sản xuất từ 10-20 đầu đạn hạt nhân plutonium. Triều Tiên hiện vẫn tiếp tục tăng số plutonium dự trữ. Năm 2016, Triều Tiên xác nhận đã sản xuất uranium làm giàu cao dùng cho vũ khí hạt nhân.

Về tên lửa đạn đạo, Triều Tiên tiếp tục phát triển và hiện đại hóa tối thiểu 10 loại tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Đặc biệt Triều Tiên ưu tiên phát triển tên lửa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn đến Mỹ.

Hai chuyên gia Shannon Kile và Hans Kristensen của SIPRI khăng khăng cho rằng chưa có bằng chứng công khai nào chứng minh Triều Tiên chế tạo được đầu đạn hạt nhân tương thích lắp cho tên lửa đạn đạo như Triều Tiên tuyên bố hồi tháng 9-2016.

Kỳ tới: Thế phân tranh ở Trung Đông

Dân Hawaii phòng ngừa tên lửa Triều Tiên

Tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên có thể đến Alaska (Mỹ) - Ảnh: Global Security
Tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên có thể đến Alaska (Mỹ) - Ảnh: Global Security

Trước thông tin Triều Tiên tuyên bố từ nay tên lửa Triều Tiên có thể bắn đến Mỹ, chính quyền bang Hawaii (Mỹ) đã chuẩn bị hai kế hoạch. Một là tuyên truyền về nguy cơ tên lửa Triều Tiên trên tivi suốt sáu tháng và phát tờ gấp in bảy thứ tiếng cho du khách. Hai là lập hệ thống báo động đặc biệt qua loa phóng thanh.

Hai biện pháp trên sẽ được phổ biến trong các trường học. Các học sinh sẽ được tập huấn sơ tán. Hawaii đã tính đến kịch bản tên lửa Triều Tiên bay đến Hawaii mất 20 phút, như vậy người dân sẽ có từ 12-15 phút tìm nơi trú ẩn.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên