23/10/2016 11:13 GMT+7

Triều Tiên, đất nước kỳ lạ - Kỳ 5: Đồng won xanh, đỏ

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
THÁI LỘC - ĐÀ TRANG

TTO - Suốt chuyến du lịch Triều Tiên, chúng tôi không được tiêu tiền nội tệ. Chỉ có đồng đôla Mỹ, đồng nhân dân tệ Trung Quốc hay ngoại tệ khác là được hoan nghênh.

Một siêu thị dành cho người nước ngoài ở quận Đại Đồng Giang - Ảnh: T.QUÂN.
Một siêu thị dành cho người nước ngoài ở quận Đại Đồng Giang - Ảnh: T.QUÂN.

Lần duy nhất tôi có cơ may cầm tờ tiền won là khi Choe đưa cho xem, sau khi hai bên cũng ít nhiều thiện cảm trong cả hành trình.

Cao gấp... 83 lần

Ở Triều Tiên, nội tệ hay ngoại tệ được sử dụng tùy theo từng nơi. Các cửa hàng bán đồ nhập khẩu thì dùng các loại ngoại tệ “mạnh” như USD, euro, yen Nhật, nhân dân tệ...

Chỉ có hai siêu thị phải dùng tiền nội tệ và có quầy đổi tiền từ ngoại tệ sang nội tệ tại siêu thị đó. Còn các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ hay cửa hàng mậu dịch và cửa hàng tem phiếu thì phải dùng nội tệ, người Triều Tiên mới được mua hàng tại đây. Người nước ngoài bị hạn chế hoặc bị cấm.

Ra khỏi biên giới Triều Tiên với rất nhiều thắc mắc và nguyện vọng sở hữu một tờ won, rất may chúng tôi được một người Trung Quốc ở thành phố biên giới Đan Đông nhượng lại cho mấy tờ.

Như thế, ngoài những bức ảnh được kiểm soát kỹ lưỡng và một số ít quà cáp, tờ 5.000 won Triều Tiên trở thành kỷ vật quý giá đối với chúng tôi...

Sau một lần mua quà ở Khai Thành, anh bạn đi cùng đưa chúng tôi xem một nắm tiền lẻ với nhiều loại tiền từ USD, euro, nhân dân tệ, yen..., giấy có, tiền kim loại có.

Anh cho biết đưa tờ 50 USD và mua hàng chưa đến 20 USD. Khi thối lại, cô bán hàng gom được hơn 10 USD.

Và số thiếu còn lại cô tìm mấy đồng euro lẻ nhưng cũng chưa đủ, đành phải bỏ thêm nhân dân tệ, yen cho đủ số tiền thối. Nhìn nắm tiền đủ loại như cách gọi đùa của anh là “tiền Liên Hiệp Quốc”, ai cũng phì cười.

Sau nhiều lần quan sát, chúng tôi nhận ra rằng ở Triều Tiên chỉ dùng một loại đồng won cho người dân của họ. Tất cả những người nước ngoài đều sử dụng ngoại tệ.

Những “siêu thị” được phép bán hàng cho người nước ngoài chấp nhận tất cả các loại ngoại tệ mạnh, từ euro, USD, bảng Anh, yen hay nhân dân tệ của Trung Quốc...

Theo một người từng công tác ở ngoại giao đoàn một nước trong khối ASEAN, việc đổi tiền ngoài thị trường chợ đen vẫn âm ỉ.

Cũng trong những ngày ở Triều Tiên, chúng tôi có rất nhiều băn khoăn về việc sử dụng tiền, nhất là tỉ giá so với những ngoại tệ như euro, USD hay nhân dân tệ.

Trong một lần mua quà tại một cửa hàng ở Bình Nhưỡng, chúng tôi đưa USD ra thì được tính theo tỉ giá 1 USD ăn 100 won. Nhẩm đi tính lại theo tiền nhân dân tệ của Trung Quốc, chúng tôi thấy quá vô lý vì có sự chênh lệch quá lớn.

Trong khi đó, một người dân ở Đan Đông, Trung Quốc có buôn bán với người Triều Tiên cho biết trên thị trường chợ đen mỗi USD đổi được 8.300 won. Điều này cũng được một nhà ngoại giao nước ngoài tại Triều Tiên xác nhận.

Như thế tính ra, tỉ giá quy đổi ở thị trường chợ đen so với một số cửa hàng bán cho khách nước ngoài chênh lệch đến... 83 lần.

Một khu chợ quê ở tỉnh Bình An Bắc, Triều Tiên - Ảnh: THÁI LỘC
Một khu chợ quê ở tỉnh Bình An Bắc, Triều Tiên - Ảnh: THÁI LỘC

Từng có 3 loại tiền khác nhau

Đồng nội tệ Triều Tiên trước đây từng có đến ba loại, sau đó giảm xuống còn hai loại và giờ thì còn một loại như chúng tôi thấy là tờ 500 won mua ở Đan Đông.

Theo một người Việt Nam từng ở Triều Tiên năm 1989, nước này lúc ấy có đến ba loại tiền. Hai loại dành cho người nước ngoài và một loại dành cho người trong nước.

Trong hai loại tiền dành cho người nước ngoài, một loại mua được tất cả các mặt hàng, kể cả hàng tư bản hay hàng xã hội chủ nghĩa.

Loại tiền còn lại chỉ được mua hàng do các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và Triều Tiên sản xuất. Loại tiền thứ ba thì dành cho người trong nước chỉ mua được hàng trong nước.

Cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức, người có ba nhiệm kỳ công tác ở Triều Tiên, cầm tờ 5.000 won do chúng tôi đưa, khẳng định:

“Đây là tiền won đỏ dành cho người bản địa, còn một loại tiền won xanh nữa! Triều Tiên lúc tôi ở bên đó dùng hai loại tiền thường gọi tiền xanh và tiền đỏ, người dân bản địa dùng tiền đỏ, còn người nước ngoài dùng tiền xanh!”.

Ông Thức cho biết từ năm 1996, khi ông kết thúc nhiệm kỳ đại sứ cuối cùng ở Triều Tiên, tất cả người nước ngoài đều phải dùng tiền won xanh, và người dân Triều Tiên dùng won đỏ.

Tiền won đỏ không có tỉ giá chính thức đối với các ngoại tệ khác như USD, nhưng đồng won xanh thì khoảng vài won ăn 1 USD.

Won xanh chỉ có thể giao dịch mua bán tại các cửa hàng dành cho người nước ngoài với giá rất đắt đỏ, dù nhiều loại hàng cao cấp nhưng nghèo nàn, ít chủng loại. Đặc biệt là thực phẩm, chỉ toàn đồ đông lạnh nhập khẩu.

Trong khi đồng won đỏ “tung tăng ngoài chợ” với cơ man nào là thực phẩm tươi sống, từ những mớ rau tươi do người dân trồng được cho đến con cá ngon bắt được trên sông Đại Đồng, hay như gà, lợn mà người dân tăng gia sản xuất...

Thực tế, người nước ngoài ở Triều Tiên lúc ấy rất cần có đồng won đỏ để mua thực phẩm tươi sống ở chợ. Ngược lại, nhiều gia đình bản địa có điều kiện thì cần won xanh để mua sắm các loại xa xỉ phẩm trong cửa hàng dành cho người nước ngoài. Đó là các loại rượu ngoại, quần áo, giày dép, đồ dùng... nhập khẩu, có chất lượng cao hơn đồ nội địa.

Do vậy, dòng trao đổi hai loại tiền này âm ỉ ở thị trường chợ đen. Cho dù về “tư cách pháp nhân” thì hai đồng won xanh và đỏ có mệnh giá tương đương, song khi trao đổi ngoài chợ đen, mỗi won xanh ăn hàng trăm đồng won đỏ...

Chính quyền Triều Tiên cấm tiệt chuyện người dân bén mảng đến các cửa hàng dành cho người nước ngoài. Đồng thời người nước ngoài cũng tuyệt đối không được trực tiếp mua hàng hóa ở “chợ dân”. Nhưng tất cả đều có cách riêng của nó.

“Có cách chứ! Chúng tôi nhờ các sinh viên, học sinh. Những học sinh Việt Nam đều có bạn bè ở Triều Tiên và dễ dàng nhờ đám bạn này mua bất cứ thứ gì ở chợ. Khi thì con cá sông, cá biển, có khi mua cả nửa con lợn, mấy con gà hay mớ rau tươi về để tủ lạnh ăn dần.

Đổi lại, các bạn Triều Tiên cũng nhờ chúng tôi mua các loại xa xỉ phẩm để về dùng!” - ông Thức nói.

Sứ quán Việt Nam rộng 1,7ha

Tại Bình Nhưỡng, có 24 cơ quan sứ quán của các nước. Bao gồm: Brazil, Bulgaria, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Czech, Ai Cập, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Palestine, Phần Lan, Romania, Nga, Thụy Điển, Syria, Vương quốc Anh và Việt Nam.

Có hai sứ quán nằm cách biệt, đó là sứ quán Nga, nằm ở quận Trung tâm, có diện tích lên đến 7ha, rộng nhất trong khối ngoại giao đoàn tại đây. Kế đến là sứ quán Trung Quốc, nằm ở quận Mo Ran, rộng khoảng 5ha.

Các cơ quan còn lại đều nằm ở quận Đại Đồng Giang. Sứ quán Việt Nam rộng 1,7ha, rộng thứ ba trong khối ngoại giao. Khu vực ngoại giao đoàn có siêu thị, trường học, bệnh viện... gần như dành riêng cho người nước ngoài, kể cả một cây xăng ở gần đó...

Một vị cán bộ ngoại giao cho biết tại Triều Tiên hiện có khoảng 700 người nước ngoài làm việc. Dù ít vậy nhưng Chính phủ Triều Tiên vẫn cấp cho người nước ngoài một mạng di động riêng với đầu số là 191250xxxx, có thể gọi ra nước ngoài nhưng không thể gọi vào số của người Triều Tiên, có thể dùng mạng 3G với giá cước tương đương 25.000 đồng/10mb dung lượng sử dụng.

Người trong nước cũng được dùng điện thoại di động nhưng không được gọi ra nước ngoài, mà chỉ gọi được cho nhau.

_________

Kỳ tới: Câu chuyện lương thực

THÁI LỘC - ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên