01/09/2016 16:58 GMT+7

Triển lãm Quốc hiệu và kinh đô Việt Nam qua các thời kỳ

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Đó là nội dung của cuộc triển lãm 36 hiện vật, tài liệu là Di sản tư liệu Châu bản - Mộc bản thời Nguyễn, diễn ra vào sáng 1-9 tại khu vực Trường lang Đại cung môn (Đại Nội Huế).

Mộc bản khắc về việc vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thìn (968) - Ảnh: Nhật Linh
Mộc bản khắc về việc vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thìn (968) - Ảnh: Nhật Linh

Đây là hoạt động do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và IV tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).

Tại triển lãm, có 18 hiện vật, tài liệu là Châu bản thời Nguyễn nói về việc đặt tên quốc gia và chọn kinh đô của nước ta từ thời vua Kinh Dương Vương đến triều Nguyễn. Cụ thể:

1. Thời vua Kinh Dương Vương lấy tên nước là Xích Quỷ.

2. Thời vua Hùng Vương lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu.

3. Thời vua An Dương Vương lấy tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê.

4. Thời vua Nam Việt đế Lý Bí lấy tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.

Phiên bản mộc bản khắc về việc Lý Nam Đế đặt quốc hiệu Vạn Xuân và cho đóng đô ở Long Biên - Ảnh: Nhật Linh
Phiên bản mộc bản khắc về việc vua Lý Nam Đế đặt quốc hiệu Vạn Xuân và cho đóng đô ở Long Biên - Ảnh: Nhật Linh

5. Thời vua Đinh Tiên Hoàng lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

6. Thời vua Lý Thánh Tông lấy tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long (Sau này nhà Trần và nhà Hậu Lê cũng lấy quốc hiệu, kinh đô này)

7. Thời vua Hồ Quý Ly lấy tên nước là Đại Ngu, đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hóa).

8. Thời vua Gia Long triều Nguyễn lấy tên nước là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (Huế).

9. Thời vua Minh Mạng triều Nguyễn đổi tên nước thành Đại Nam.

Có 36 hiện vật, tài liệu là Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: N.T
Có 36 hiện vật, tài liệu là Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: N.T

Số hiện vật, tài liệu còn lại là Châu bản thời Nguyễn mang nội dung về việc dùng quốc hiệu trong văn bản hành chính, đặc biệt là văn bản ngoại giao ở các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Mộc bản thời Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới do UNESCO công nhận vào năm 2009.

Châu bản thời Nguyễn cũng được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014.

Ngoài Châu bản và Mộc bản thời Nguyễn ra, Huế còn có thêm Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vừa được UNESCO công nhận vào tháng 5 vừa qua.

Triển lãm sẽ kéo dài từ đây cho đến hết ngày 1-12 để phục vụ khách tham quan, thưởng lãm.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên