10/10/2017 11:02 GMT+7

Trẻ miền quê khát sách: Nỗ lực từ cộng đồng

L.ĐIỀN - M.THỤY
L.ĐIỀN - M.THỤY

TTO - Trong nỗ lực kéo gần lại khoảng cách về mức đọc sách của nông thôn và thành thị, một số nhóm thiện nguyện, quỹ phi lợi nhuận và các cá nhân đang góp phần xóa bớt khoảng trống về sách cho thiếu nhi nông thôn.

Trẻ miền quê khát sách: Nỗ lực từ cộng đồng - Ảnh 1.

Một chuyến mang sách về cho học sinh nông thôn của dự án Hellobook - Ảnh: Hellobook

Người nông dân xa quê làm ăn nên xem sách là món quà ưu tiên để mang về quê mỗi khi có dịp thăm con cháu, người thân... Chứ trông vào hệ thống phát hành qua các thư viện trường như thế này thì chính người dân cũng không ý thức được là mình đang khát sách.

Ông Cao Xuân Sơn - giám đốc phụ trách chi nhánh phía Nam Nhà xuất bản Kim Đồng

Hằng năm, ngày hội đọc sách vẫn thường xuyên được tổ chức ở khắp các địa phương. 

Vậy nhưng, những ngày hội này chỉ mang tính chất phong trào và phần lớn nguồn sách vẫn đến từ sự quyên góp của các nhóm dân sự nhỏ lẻ.

Những con số đáng lo ngại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng và đang thực hiện chương trình "Sách hóa nông thôn" - cho biết:

Vào năm 2010, phỏng vấn 240 học sinh tại ba xã An Vũ, Đồng Tiến, An Dục (của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), kết quả: chỉ có 20 em học sinh ở nhà có từ 2-5 quyển sách ngoài sách giáo khoa.

Năm 2013: phỏng vấn 12 trường cấp I và cấp II trong huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), kết quả: bình quân mỗi năm một học sinh đọc 1-2 cuốn sách ngoài sách giáo khoa, và 90% học sinh ở nhà không có sách nào khác ngoài sách giáo khoa.

Trong năm học 2009-2010, 303 học sinh của Trường THCS An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) chỉ mượn 180 lượt sách về nhà, bình quân mỗi em đọc 0,4 quyển sách/năm, tức mỗi năm một em đọc chưa tới... nửa cuốn sách.

Trong chuyến đi bộ xuyên Việt để vận động sách hóa nông thôn hồi năm 2015, 100% gia đình nông dân, công nhân dọc quốc lộ mà Nguyễn Quang Thạch phỏng vấn đều cho biết không có tủ sách gia đình, chưa mua sách gì ngoài sách giáo khoa cho con.

Và trong khi tại các TP việc học tiếng Anh đang được khuyến khích và phát triển thì tại các tỉnh nông thôn, Nguyễn Quang Thạch phỏng vấn 2.000 nông dân và kết quả là không nhà nào có từ điển tiếng Anh.

Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam nhận giải thưởng UNESCO Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam nhận giải thưởng UNESCO

TTO - Chương trình “Sách hóa nông thôn” do Nguyễn Quang Thạch sáng lập, là đại diện của Việt Nam vừa được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong hôm 1-9 cùng với một dự án khác của Thái Lan.

Vận động nhau góp sách

Một nhóm cựu học sinh và phật tử của Bình Thuận đang vận động nhau góp sách chuyển về huyện Bắc Bình, thành lập các tủ sách tư nhân tại một số gia đình và khuyến khích các bạn trẻ trong thôn xóm... đến đọc thoải mái. Hiện tủ sách đã thành lập bước đầu tại thị trấn Chợ Lầu. 

Tiếp theo, nhóm thiện nguyện Hạt Cát Vàng tại TP.HCM phối hợp với tịnh xá Ngọc Tâm ở Long An cùng nhau tài trợ hai tủ sách phục vụ cho 800 học sinh hai trường tiểu học vùng xa tại xã Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh) và xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng) tỉnh Long An - nơi đời sống kinh tế vẫn còn khó khăn và việc mua sách cho con đọc đang là điều xa xỉ đối với mỗi gia đình.

Anh Trần Thiện Tùng - người sáng lập nhóm Không gian đọc - chia sẻ ở nhiều vùng khó khăn anh có dịp đến, có rất ít cửa hàng sách "đúng nghĩa", nhu cầu đọc của giáo viên và học sinh cũng không nhiều. 

Ngay một TP di sản như Hội An, nhà sách lớn nhất TP cũng chủ yếu bán sách giáo khoa và những tấm bưu thiếp, đồ lưu niệm. 

Anh Tùng cùng một số người bạn của mình lập ra Không gian đọc ở Hội An và các không gian đọc khác cũng từ những bất cập đó. Không gian đọc ở Hội An hiện thu hút được nhiều trẻ em và kể cả người lớn đến đọc sách. 

Theo anh Tùng, nguồn sách của Không gian đọc đều đến từ sự hỗ trợ của một số mạnh thường quân và tiền túi của các thành viên trong nhóm. 

Vậy nhưng, bất chấp những khó khăn về kinh phí, tâm huyết của họ đã được đền đáp bằng 45 tủ sách trên cả nước như hiện nay, từ đảo Cù Lao Chàm cho đến những làng quê nghèo ở tỉnh Nam Định.

Bên cạnh các đội nhóm xã hội, một số thầy cô giáo ở các địa phương cũng miệt mài gầy dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. 

Như ông Phan Công Tâm - một thầy giáo ở thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh - trong nhiều năm qua đã tích cóp hơn 100 đầu sách để trẻ em trong vùng được tiếp cận với tri thức.

Vừa mở lớp dạy thêm tại nhà, thầy Tâm vừa dành thời gian quản lý tủ sách. Ngoài tập trung vào chủ đề lịch sử, văn học, khám phá thế giới tự nhiên, sách khoa học, thầy Tâm còn mua thêm một ít truyện tranh để xen kẽ vào tủ sách nhằm thu hút các độc giả "nhí", thầy Tâm luôn dành dụm một phần trong khoản tiền dạy học ít ỏi của mình để làm phong phú thêm những đầu sách.

Những học sinh đến đây thường là các em cấp I, cấp II. Thế nhưng, tôi cũng luôn khuyến khích những em cấp III đọc sách dù biết các em bận ôn thi đại học. Kể cả có thi gì đi nữa thì sách là nơi cho mình thêm kiến thức chứ không lấy đi bao giờ. Mỗi năm, các phong trào đọc sách do phường, xã tổ chức thì nhiều nhưng chất lượng lại không có, trẻ em ở đây thiếu rất nhiều sách để đọc nên nếu tôi làm được điều gì cho các em thì sẽ cố gắng làm...

Thầy Phan Công Tâm tâm sự

Tủ sách của cô hiệu trưởng Tủ sách của cô hiệu trưởng Đọc sách đầu giờ và tủ sách nhỏ trường tôi Đọc sách đầu giờ và tủ sách nhỏ trường tôi Triển lãm tranh từ thiện Tủ sách cho trẻ em Tà Nung Triển lãm tranh từ thiện Tủ sách cho trẻ em Tà Nung

Vai trò của nhà trường rất lớn

Cũng tự bỏ tiền để mở không gian đọc, dự án Hellobook của chị Võ Thị Thu Thùy đã mang hàng ngàn cuốn sách đến cho trẻ em ở các xã đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 

Ngoài một tủ sách đặt tại nhà, chị Thùy còn vận động quyên góp trên Facebook cá nhân để mua sách ủng hộ cho các trường học ngoài đảo xa. 

"Hoạt động quyên góp rất vất vả nhưng còn vất vả hơn khi có một số trường học mình phải thuyết phục họ cho phép được đặt tủ sách vì họ nói không bố trí được người quản lý" - chị Thùy chia sẻ.

Có lần chị Thùy mang đến Trường tiểu học Lại Sơn ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hai thùng sách nhỏ. 

"Sau khi nhận được sách, cả trăm em học sinh chuyền tay nhau đọc giữa sân trường suốt mấy tiếng. Có lúc thiếu sách, 3-4 em phải chụm đầu lại để đọc chung một cuốn" - chị Thùy kể.

Theo chị Thu Thùy, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích các em thiếu nhi đọc sách, bởi trường học là nơi tập trung các em và chiếm phần lớn thời gian của các em. 

Nếu không có những thay đổi tích cực từ phía địa phương và nhà trường thì kể cả các nhóm như Hellobook hay Không gian đọc có phát triển hơn nữa vẫn không giúp được trẻ em ở nông thôn có sự ham thích lâu dài đối với sách.

Chị Thu Thùy nhận định

Cũng như tủ sách Hellobook của chị Võ Thị Thu Thùy hay mạng lưới Không gian đọc ở nhiều tỉnh thành, những đóng góp của thầy Phan Công Tâm chỉ là những hoạt động đơn lẻ, tự phát. 

Thế nhưng, trong bối cảnh những hoạt động thúc đẩy đọc sách chưa được chính quyền triển khai mạnh mẽ và có lộ trình rõ ràng thì đóng góp của các cá nhân, tập thể trên đã góp phần giải cơn "khát sách" ở các vùng quê nghèo.

L.ĐIỀN - M.THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên