01/10/2005 15:14 GMT+7

Trần Tiến viết hip hop

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCN - Chuông điện thoại reo, Trần Tiến nhấc máy: “A lô... A, con đấy hả? Đã thưởng thức rau muống và canh cua đóng hộp mẹ mang qua chưa? Có nhìn được ảnh bố mẹ chưa? Hai mẹ con cứ chơi thật vui đi nhé”. Gác máy, Trần Tiến bảo vợ anh mới sang London thăm cô con gái đầu đang làm việc ở Anh.

qEEQ5Fzr.jpgPhóng to
Ảnh minh họa Nhạc sỹ Trần Tiến
TTCN - Chuông điện thoại reo, Trần Tiến nhấc máy: “A lô... A, con đấy hả? Đã thưởng thức rau muống và canh cua đóng hộp mẹ mang qua chưa? Có nhìn được ảnh bố mẹ chưa? Hai mẹ con cứ chơi thật vui đi nhé”. Gác máy, Trần Tiến bảo vợ anh mới sang London thăm cô con gái đầu đang làm việc ở Anh.

Nhạc sĩ họ Trần có hai cô con gái rượu. Cô út mới sang Paris học năm nhất đại học. Bà xã mới sang châu Âu thăm con. Trần Tiến phải làm người giữ nhà một mình. Căn hộ nằm ở tầng trên cùng chung cư cao cấp mới xây còn thơm mùi sơn ở quận 5. Trần Tiến bảo “muốn lên sân thượng ngắm thành phố không, muốn thì phải uống một chén rượu thuốc do chính tay anh ngâm cái đã!”.

“Tôi nghiên cứu dòng nhạc điện tử hiện đại trên thế giới khoảng gần hai năm nay. Tôi nằm nhà dưỡng bệnh. Cô con gái mang về những đĩa nhạc hiện đại nghe say sưa rồi chất đống ở nhà. Tôi thử lần mò mở nghe vài cái đĩa của con. Tự nhiên lại thấy thích. Thích không khí nhộn nhịp của dòng nhạc hiện đại và bắt đầu có nhu cầu muốn nghiên cứu, tìm hiểu về nó. Những thứ mà thế hệ con mình đang nghe” - Trần Tiến khề khà kể.

Anh bảo trên đời này chỉ có nhạc hay và nhạc dở thôi chứ làm gì có sự phân biệt nhạc “đời cũ” và nhạc “thế hệ mới”. Anh muốn sáng tác cho con gái nghe. Thích hip hop chứ gì? Vậy thì bố sẽ viết hip hop. Cho con hát và nhảy với chúng bạn đồng trang lứa nhé. Và mỗi khi hát thì nhớ đến bố. “Tôi viết vì nhớ con. Và viết cho chính mình nữa” -

Trần Tiến giãi bày. Anh chẳng câu nệ chuyện tóc dần bạc rồi mới tập vào Net để gửi thư cho con gái bằng email, vào Google tìm kiếm thông tin, tài liệu về những dòng nhạc đương đại thế giới. “Tôi muốn hòa nhập. Người nhạc sĩ thì không ngừng viết. Có điều theo thời gian anh ta có thể áp sát những quan điểm mới, tiết tấu mới để thể hiện lại mình”.

Cũng với suy nghĩ thoáng này mà Trần Tiến viết ca khúc mới. “Tác phẩm, đối với tôi, đơn giản chỉ là nhạc của một nhạc sĩ chứ chẳng phải nhạc dân tộc hay ngoại bang gì sất”.

Người nhạc sĩ tài hoa này có một cố tật là ít chép ra văn bản những bài hát của mình. Năm xưa những bài Điệp khúc tình yêu, Giai điệu Tổ quốc, Cô gái Sầm Nưa... bộ đội cả nước hát rầm rầm mà bản thân tác giả Trần Tiến lại chẳng có văn bản nào ghi lại.

Mãi đến năm 1972 Trần Tiến mới bắt đầu học Nhạc viện Hà Nội, tốt nghiệp bằng thanh nhạc và giao hưởng.

Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Thằng này (Trần Tiến) viết xong không ưng là lâu lâu nó lại thay đổi”. Trần Tiến nói bài Độc huyền cầm vài năm nữa anh sẽ phổ biến tiếp sau khi... sửa lại.

Bài hát Mưa bay tháp cổ trình làng tại chương trình Bài hát Việt 2005 đoạt giải ca khúc hay nhất kỳ đầu tiên (tháng 4-2005). Trần Tiến viết sau một lần đi thăm khu tháp cổ ở Ninh Thuận. Anh muốn bày tỏ tình cảm với một trong những giá trị văn hóa cổ xưa của quê hương.

Nhạc sĩ trẻ Võ Thiện Thanh, các ca sĩ trẻ như Đoan Trang, Nghi Văn vốn nhạy bén với nhạc hiện đại đến gặp Trần Tiến xuýt xoa “chú viết lạ quá”. Trần Tiến cười, ngỏ ý muốn trao đổi với Võ Thiện Thanh về những ca khúc tiết tấu hiện đại mà Thanh đã trình làng.

Trần Tiến chưa đánh giá cao dòng nhạc trẻ mà lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay đã và đang phổ biến. Nhưng anh chừng mực và thận trọng: “Tuổi trẻ luôn có suy nghĩ khác, họ có thể viết ra theo cách nghĩ của họ. Mình thuộc thế hệ trước nên đôi khi ý kiến này, nọ lại không hợp thời”.

Trần Tiến đột ngột nói về tình yêu với những thổ lộ bất ngờ khiến người đối diện hơi... hoảng bởi đã mê nghe những Chuyện tình thảo nguyên, Chiếc vòng cầu hôn, Lá diêu bông. Nhưng lại sực nhớ Trần Tiến viết tình ca kiểu đùa cợt, “tùy hứng lý qua cầu” cũng lắm: Trái tim nhiều ngăn, Chim sẻ tóc xù...

Nhạc sĩ nói tỉnh bơ: “Kỳ thực tôi là người ít rõ ràng, ít mặn mà về tình yêu đôi lứa. Chắc tại vì tôi hướng đến những số phận con người cụ thể và thiên nhiên hơn, vì tôi tự nhận thấy tình yêu đôi lứa nhỏ bé hơn so với những giá trị thiêng liêng khác của cuộc đời. Tôi lại từng... đòi tự tử vì một mối tình bất thành, nên cảm giác tình yêu dễ làm yếu lòng con người ta. Thời trai trẻ của tôi năm xưa, sự tự do dân tộc quan trọng hơn tình yêu”.

Có một ca khúc mà Trần Tiến viết và phổ biến ngay hầu như không sửa chữ nào. Đó là bài Tôi cô đơn như một ngọn cờ tại chương trình “Ngọn lửa tuôi trẻ” do báo Tuổi Trẻ tổ chức (26-8-2005). Bài hát được chính tác giả trình bày trong đêm hội truyền hình trực tiếp cả nước khiến nhiều người xúc động.

Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, đã rưng lệ. Không phải là không có ý kiến trái ngược về bài hát này, nhất là hình ảnh ví sự cô đơn với ngọn cờ còn nhiều điều để bàn luận thêm. Nhưng hãy cứ nghe chính Trần Tiến tâm tình từ đáy lòng: “Tôi đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm hệt như giở lại trang nhật ký thế hệ tuổi trẻ của mình. Ngày ấy chiến sĩ nào cũng viết nhật ký, cũng từng có những hoàn cảnh cô đơn. Có lần hành quân băng rừng tôi bị lạc, một mình đối chọi với đêm đen, thú dữ, rừng thiêng nước độc... tưởng sẽ chết mất xác. Cuối cùng may mắn gặp lại đồng đội”.

Trần Tiền trầm ngâm: “Hình ảnh “cô đơn như một ngọn cờ, vinh quang như một ngọn cờ” nảy sinh từ hai lần cảm xúc. Cảm xúc đầu tiên là tôi dạo bước trên phố phường Hà Nội rợp bóng cờ bay chuẩn bị cho những ngày lễ kỷ niệm. Nhìn ngọn cờ tôi lại nhớ những đồng đội cũ hi sinh trong chiến tranh. Họ cũng mạnh mẽ và cô đơn như những ngọn cờ (đôi khi trong dòng chảy khắc nghiệt cuộc đời, không phải lúc nào họ cũng được nhớ đến).

Năm xưa đứng trước vực thẳm của sự sống chết, trước mỗi chiến công hay thất bại, người ta thường nghĩ đến ngọn cờ để tiếp tục một niềm tin...”. Thế rồi trở vào Sài Gòn, Trần Tiến đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm, cảm xúc tuôn trào, chấp bút viết một mạch, ghép hai cảm xúc lại liền lạc thành Tôi cô đơn như một ngọn cờ. Bài hát chất chứa những lời ca vừa hùng tráng, vừa đong đầy tình cảm.

Trước khi tạm biệt, Trần Tiến lại gây sốc bằng một mâu thuẫn. Anh nhắc lại câu: “Tôi muốn hòa nhập với thế giới”, thế nhưng lại cho biết mình từ chối cho phép bài Mưa bay tháp cổ được chuyển thể Hoa ngữ. Chuyện là diễn viên Thế Anh đi dự liên hoan phim châu Á gặp đạo diễn Ngọa hổ tàng long Lý An và cho đạo diễn này nghe Mưa bay tháp cổ.

Lý An ngỏ ý muốn xin bài này có thể dùng trong phim ông nhưng lời ca phải chuyển ngữ và hát bằng tiếng Hoa. “Tôi chỉ muốn ca khúc của mình được lan rộng bằng tiếng Việt mà thôi”- Trần Tiến bảo.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên