15/12/2014 00:10 GMT+7

​TP.HCM lạc quan từ phân loại rác thải

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, thời gian qua UBND TP.HCM đã triển khai thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình phân loại rác thải, nhất là chất thải rắn từ đầu nguồn.

Kết quả bước đầu rất khả quan, ý thức người dân ngày càng chủ động hơn trong việc phân loại rác, góp phần giảm được khá nhiều chi phí ngân sách cho hoạt động chuyên chở, xử lý rác thải.

Từ đầu tháng 11-2014, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm đến nhiều quận, huyện trên địa bàn.

Qua gần 1 tháng thực hiện, 60% các hộ dân tham gia chương trình này đã hình thành thói quen phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ khi đổ rác; 33% số hộ dân được đánh giá phân loại rác rất tốt.

Hoạt động thu gom rác đã được chuẩn bị từ trước và có xe tải nhỏ (loại tải trọng 500kg) của chương trình thử nghiệm đưa về trạm xử lý. Theo quy trình, rác hữu cơ sẽ được dùng để phát điện bằng kỹ thuật ủ sinh khí, rác vô cơ sẽ được phân tách xử lý tùy theo để tái chế.

kKBKtIFe.jpg

Tại phường Bến Nghé (Quận 1), nơi được triển khai thí điểm gần 1 năm qua, kết quả rất khả quan với hơn 60% người dân trên địa bàn tham gia phân loại rác từ đầu nguồn; 40% các trường hợp chưa phân loại rác đầu nguồn hoặc phân loại rác đầu nguồn chưa thường xuyên vì có những điều kiện đặc thù như đi làm xa, ít có mặt ở nhà vào thời gian thu gom rác.

Theo một cán bộ UBND phường Bến Nghé, tỷ lệ người dân chưa thực hiện phân loại từ đầu nguồn sẽ giảm xuống nhờ hoạt động tuyên truyền đến từng gia đình và các xe thu gom rác của chương trình hoạt động linh hoạt giờ giấc hơn, thay vì chỉ tập trung thu gom rác từ 14 giờ -15 giờ hàng ngày như hiện nay.

Đề cập đến những khó khăn trong việc tổ chức phân loại rác từ đầu nguồn, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc đầu tiên là gặp khó khăn về kinh phí do nguồn vận động xã hội hóa còn hạn chế, nên UBND thành phố cần xem xét cấp kinh phí cho một số hạng mục của chương trình.

Thứ hai là chương trình này mang tính cộng đồng, cần chuyển dần sự vận động, giám sát cho các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương cấp phường, xã.

Cấp quận, huyện trở lên nên tập trung vào vận hành kỹ thuật, xử lý trung gian, xử lý cuối cùng và ra các chính sách phù hợp. Muốn thực hiện ở quy mô toàn thành phố, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động mạnh các nguồn lực xã hội hóa hơn nữa. 

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên