30/12/2016 11:55 GMT+7

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan chơi cao cờ

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Vụ đại sứ Nga bị một sĩ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ giết hại tối 20-12 tại thủ đô Ankara, có lẽ hội tụ đầy đủ các vấn đề nổi bật nhất về đối nội cũng như đối ngoại của chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm 2016.

Turkish President Tayyip Erdogan meets with Syrian girl Bana Alabed, known as Aleppo's tweeting girl, at the Presidential Palace in Ankara, Turkey, December 21, 2016.
Tổng thống Tayyip Erdogan tiếp đón bé Bana Alabed, tại Dinh Tổng thống ở Ankara, ngày 21-12. Bé Bana người Syria đã trở nên nổi tiếng sau những dòng kể chuyện cuộc sống thường ngày trên Twitter - Ảnh: Reuters

Quyết liệt ổn định trong nước

Cuộc đảo chính hụt nổ ra ngày 15-7 nhanh chóng bị dập tắt đã tạo cơ hội bằng vàng để Tổng thống Erdogan thực hiện quyết liệt một chiến dịch thanh trừng thẳng tay đối với toàn bộ hệ thống hạ tầng của “Tổ chức Gulen” tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sĩ Fathullah Gulen - đang sống lưu vong tại Mỹ, bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đã gây dựng thế lực sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị - quân sự - an ninh - xã hội - tôn giáo khắp cả nước, để trở thành “một nhà nước song hành” thách thức chính quyền của tổng thống Erdogan.

Hàng ngàn người bị cho là đã được Tổ chức Gulen cài vào cả cơ quan an ninh từ trung ương đến địa phương, mà kẻ hạ sát đại sứ Nga Andrei Karlov ngày 19-12 vừa qua có lẽ là “một tàn dư còn lọt lưới”.

Với chiến dịch tranh trừng kéo dài suốt từ giữa tháng 7 đến nay, hàng trăm ngàn người đã bị thanh lọc khỏi quân đội, công an, hệ thống tư pháp, bộ máy nhà nước, hệ thống giáo dục, báo chí - thông tin - tuyền thông…

Cuộc thành trừng rộng khắp, đồng loạt, khẩn trương và dai dẳng này được thực hiện bằng nhiều biện pháp bị coi là “độc đoán”, “vi phạm nhân quyền”, “đi ngược lại với các giá trị dân chủ của Liên minh châu Âu (EU)"… nhưng nói chung đã loại bỏ được mối hiểm họa trước mắt là thế lực Gulen, củng cố được địa vị lãnh đạo độc tôn của Tổng thống Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ.

bắt bớ AFP
Những người dính líu đảo chính bị bắt ở Ankara - Ảnh: AFP

Trên cơ sở đã loại bỏ được đối thủ chính trị nguy hiểm tiềm tàng nhất mà vẫn nhận được tín nhiệm cao trong nước, Tổng thống Erdogan tiến tới thúc đẩy việc soạn thảo sửa đổi Hiến pháp theo hướng thiết lập chế độ tổng thống chế, nhằm trao nhiều quyền hạn Tổng thống.

Để có được đa số 2/3 trong Quốc hội nhằm thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, Tổng thống Erdogan phải tính tới liên hiệp với các đảng đối lập.

Ông được sự ngưỡng mộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc có tham vọng khôi phục sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cho tương xứng với thời hoàng kim của đế chế Ottoman xa xưa.

Ít nhất, hiện nay Tổng thống Erdogan cũng được sự ủng hộ của đảng Phong trào dân tộc (MHP) có 12,26% ghế nghị sĩ.

Nhiều người của đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) - hiện chiếm hơn 1/4 số ghế Quốc hội - cũng chấp nhận phong cách cầm quyền mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan.

Họ tán đồng đường lối của Tổng thống về chống khủng bố và kiên quyết ngăn chặn tham vọng li khai của người Kurd.

Làm thân với tổng thống Nga

Năm 2016 có lẽ là năm chuyển hướng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ từ tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trở về với thực tại xây dựng thế lực của quốc gia này ở Trung Đông, mà trước mắt là đảm bảo an ninh cho đất nước trước các mối đe dọa và thách thức đến từ hai nước láng giềng phía nam - Syria và Iraq.

Quyết định chuyển hướng này xuất phát từ thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời ông Erdogan đã trở nên không thích hợp với các giá trị về dân chủ - nhân quyền mà EU áp đặt như điều kiện hàng đầu để xem xét việc Ankara gia nhập EU.

Xu hướng Hồi giáo ngày càng rõ rệt hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ và chiến dịch trấn áp Tổ chức Gulen sau vụ đảo chính hụt càng làm sâu rộng thêm bất đồng giữa chính quyền của Tổng thống Erdogan với các nhà lãnh đạo EU.

Trong hoàn cảnh như thế, Tổng thống Erdogan dám đưa ra những quyết định gây sốc, nhất là trong ứng xử với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Sự việc bắt đầu với vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU24 của Nga ngày 24-11-2015, để phản ứng lại việc Nga can thiệp bằng không quân vào chiến trường Syria để ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Căng thẳng đôi bên bùng phát lên đỉnh điểm với việc đoạt tuyệt mọi quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa hai nước. Vậy mà chỉ đến tháng 6-2016, Tổng thống Erdogan đã có thể hạ mình xuống thang và chủ động làm lành với Nga.

Đương nhiên, Tổng thống Putin chỉ có thể chấp nhận sự xuống thang của Erdogan khi thấy Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga. Quan hệ đôi bên chỉ có thể được nối lại khi Thổ Nhĩ Kỳ chủ động thể hiện “thiện chí hợp tác” với Nga, cụ thể là trong “vấn đề Syria”.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trở về căn cứ sau khi tham chiến ở khu vực biên giới với Syria - Ảnh: Reuters

Sự hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đặc biệt rõ nét trong thời gian từ tháng 8-2016 đến nay, khi Tổng thống Erdogan tung quân vào phía bắc Syria thực hiện chiến dịch “Lá chắn Euphrates” và Nga giúp chính quyền Syria loại bỏ đối lập vũ trang khỏi thành phố chiến lược Aleppo.

Giới quan sát cho rằng đôi bên đã có “một hợp đồng đổi chác”, trong đó, Nga lờ đi cho Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện kế hoạch chiếm một khu vực ở phía bắc Syria, để thiết lập “khu vực an toàn” dành cho người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về.

Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì bỏ mặc cho Nga giúp quân đội Syria giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực Đông Aleppo mà đối lập cai quản suốt từ 2012 đến nay.

Với sự hợp tác khá “ăn ý” giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan, giải pháp cho Syria đang diễn biến theo hướng vuột khỏi sự kiểm soát của Mỹ và phương Tây, chuyển sang do Nga điều phối cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Trong sự hợp tác tay ba này, Nga nắm địa vị cường quốc bảo trợ. Thổ Nhĩ Kỳ có thực quyền hơn khi đại diện cho phe đối lập ở Syria. Còn Iran đại diện cho phe chính quyền Syria và đồng minh.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức căng thẳng. Ở trong nước, liên tiếp xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu tại các thành phố lớn, kể cả thủ đô Ankara.

Không chỉ có tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS), mà thủ phạm của các vụ này chủ yếu lại là cánh vũ trang của đảng người Kurd (PKK).

Hoạt động vũ trang của PKK tái diễn gắn liền với phong trào đấu tranh của người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát trở lại nhằm đòi “quyền tự quyết” cho sắc tộc này. PKK lại có mối liên kết với người Kurd ở bên kia biên giới Syria và Iraq. Để giải quyết những thách thức trực tiếp như thế, Erdogan có lẽ đúng khi ưu tiên ổn định trong nước và ứng xử với các “láng giềng gần” hơn là tham vọng EU xa vời.

Hiện trường một vụ đánh bom ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10-12 - Ảnh: Reuters
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên