12/01/2017 11:05 GMT+7

Tổng thống Obama: “Tôi không dừng lại”

MINH TRUNG chuyển ngữ
MINH TRUNG chuyển ngữ

TTO - Một bài diễn văn chia tay đầy cảm xúc. Tổng thống Mỹ đã nhắc được đầy đủ những gì làm được và những gì chưa làm được.

Tổng thống Obama trào nước mắt khi cảm ơn vợ - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama trào nước mắt khi cảm ơn vợ - Ảnh: Reuters

“Chúng ta không làm chính trị kiểu để ghi điểm hay để được tung hô. Chúng ta phụng sự đất nước trong mục đích cải thiện đời sống người dân

Tổng thống Barack Obama

Tổng thống Barack Obama khép lại tám năm sát cánh cùng người dân Mỹ trong một buổi tối nhiều cung bậc tình cảm, với hàng chục ngàn người đến lắng nghe ông trực tiếp và bài phát biểu của ông được chờ đợi không kém khi ông còn ở đỉnh vinh quang.

“Tôi rời sân khấu này tối nay và thấy mình lạc quan hơn khi chúng ta bắt đầu”. Phải đến lúc cuối bài phát biểu cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị tổng thống Mỹ thì dường như cảm xúc mới tuôn trào.

Phụng sự đất nước đến cùng

Ông Obama từng hai lần hào hứng tuyên bố chiến thắng ở thành phố Chicago, bang Illinois - quê nhà của ông, nơi ông gặp bà Michelle, nơi đôi vợ chồng trẻ chứng kiến hai con gái cưng chào đời, nơi ông quyết định khởi sự chính trị.

Nhưng đêm 10-1, ở Trung tâm hội nghị McCormick Place lại có những giọt nước mắt.

Người ta thấy người đàn ông từng có nhiều năm ở đỉnh cao quyền lực xúc động trào nước mắt khi cảm ơn vợ mình - “một người bạn thân đã làm cho tôi tự hào và đã làm cho đất nước này tự hào”, cảm ơn các con mình, cảm ơn Phó tổng thống Joe Biden - “quyết định đầu tiên và tốt nhất trong chính trường”…

Trong bài diễn văn giã từ hai nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama không quên nhắc đến những cộng sự của mình và những người Mỹ trẻ tuổi - công dân trẻ - luôn xuất hiện trong di sản chính trị của ông.

“Thành phần quan trọng nhất của nền dân chủ chính là công dân” - nhà lãnh đạo của Mỹ kết luận.

Ông hẳn cũng hình dung vị trí của mình sau mười ngày nữa. Trở lại thành một công dân bình thường, không còn ra những quyết định làm thay đổi nhiều số phận. Nhưng “Tôi không dừng lại. Tôi sẽ sát cánh cùng quý vị đến khi trút hơi thở cuối cùng”.

Nhà lãnh đạo nước Mỹ hứa tiếp tục phụng sự đất nước theo cách của mình và ông cũng gửi gắm đến toàn dân: “Tôi chỉ yêu cầu quý vị một điều thôi, một điều giống như tám năm trước tôi từng yêu cầu: đó là hãy tin vào khả năng của cá nhân có thể làm thay đổi mọi điều”.

Ông Obama đã nhắc lại câu khẩu hiệu lừng danh “Yes we can” ông từng nhiều lần nhắc đi nhắc lại hơn tám năm trước khi tranh cử và đặt trọng tâm vào sức mạnh của toàn dân làm thay đổi tình thế.

“Chúng ta có thể tạo ra thay đổi và chúng ta đã làm được điều đó!” - Tổng thống Obama khẳng định như một cách đả phá những hoài nghi về di sản chính trị của ông.

Lắm thành công, nhưng...

Các nhà bình luận chính trị cũng phải nhìn nhận rằng đó là một bài phát biểu chia tay đầy cảm xúc và thậm chí là đầy chất triết học. Kể ra thì cũng đúng tầm với một bài phát biểu đã được chuẩn bị rất kỹ, được đọc đi sửa lại nhiều lần.

Cũng có thể hiểu về bối cảnh của câu chuyện này, khi Đảng Dân chủ của ông thua toàn diện và di sản chính trị của ông cũng không thật sự hoàn hảo như người ta từng hình dung tám năm trước, khi ông hiên ngang bước vào Nhà Trắng trong sự trông vọng của rất đông người Mỹ.

Tổng thống Obama cho biết ông tin rằng nước Mỹ sau 8 năm ông lãnh đạo đã trở nên tốt đẹp hơn, hùng mạnh hơn, một đất nước của hi vọng, tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Dành khá nhiều thời gian đề cập tới các thành tựu đối nội, Tổng thống Obama nói rằng nước Mỹ sau 8 năm đã thoát khỏi suy thoái, kinh tế phát triển ổn định, các ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo ôtô được phục hồi và nước Mỹ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử.

Ông nói rằng chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare) là điều đáng tự hào, vì nhờ đó mà hơn 20 triệu người dân được cấp bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng nền dân chủ Mỹ đang bị thách thức, chia rẽ và mâu thuẫn vẫn tồn tại, đây không phải là điều có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Ông cảnh báo về nguy cơ phân biệt chủng tộc đang trở thành một thế lực gây chia rẽ ngay vào thời điểm hiện tại, khi ông chuẩn bị mãn nhiệm.

Ông lên án các hành động kỳ thị người nhập cư, đồng thời kêu gọi người dân thay đổi quan điểm kỳ thị đó ngay trong chính trái tim mỗi người và luôn biết lắng nghe, không phớt lờ những nhóm cộng đồng thiểu số.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bình đẳng kinh tế và xã hội, không chỉ dành cho một số người mà dành cho tất cả mọi người.

Nhiều người dân Mỹ cũng đã có cách đánh giá về di sản chính trị của tổng thống bằng lá phiếu không chọn lựa người cùng đảng của ông.

Nhưng chắc chắn tối 10-1 vừa qua, nhiều người phải nhìn nhận rằng Tổng thống Obama cũng đã thật sự làm hết sức mình và cầu mong cho ông trở về đời thường với người vợ giỏi giang và thủy chung như ông ngợi ca trong bài diễn văn giã từ: “Em đã khoác lên mình vai trò mà em chưa từng trông mong, nhưng em đã gánh vác nó theo cách của em với sự can đảm và dịu dàng, với rất nhiều sự hóm hỉnh”.

Khi ông rút khăn tay lau bên khóe mắt lúc cảm ơn vợ mình, người ta hiểu rằng sau tất cả những hào quang chính trị, ông còn là một người chồng, một người cha.

“Các con đã dễ dàng mang gánh nặng trong những năm tháng qua dưới bao ánh mắt soi xét. Qua tất cả những gì cha đã làm trong đời, niềm tự hào lớn nhất là được làm cha của các con”, con người một thời quyền lực của nước Mỹ và thế giới đã cảm ơn sự hi sinh thầm lặng của hai con gái mình như thế.

TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (giảng viên người Mỹ) 

MINH TRUNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên