26/11/2013 08:00 GMT+7

"Tôi đặt sự hài hước lên hàng đầu khi viết"

THANH VY (thực hiện)
THANH VY (thực hiện)

AT - Hoàng Nhật tên đầy đủ là Hoàng Quốc Nhật, sinh năm 1988, quê ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học FPT - Arena Multimedia năm 2008, đã có năm năm trong nghề PR.

Hiện tại anh là chuyên viên truyền thông của Trung tâm tiếng Anh Apollo tại Hà Nội. Hoàng Nhật đã có nhiều truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần và vừa in tập truyện ngắn đầu tay Người bắt chim lợn (Phương Nam book & NXB Phụ Nữ).

M09FruIn.jpgPhóng to
Nhà văn trẻ Hoàng Nhật

* Dưới góc nhìn của một người viết, anh nhận thấy tình hình văn học trẻ nước ta hiện nay như thế nào?

- Hoàng Nhật: Tôi cho rằng nền văn học trẻ bây giờ chưa có gì nổi bật. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là truyện teen, thể loại yêu đương nhăng nhít kiểu ngôn tình hay nhồi nhét sex vô tội vạ vào đầu người đọc. Những tác phẩm mang màu sắc nghiêm túc và khác biệt hơn, hoặc là rất bi quan, hoặc là tác giả của nó đã khoác lên người chiếc áo quá rộng nên toàn chất chứa cảm xúc như đi vay mượn.

Ngày nay, độc giả đang phải đối mặt với cuộc sống đầy rẫy sắc màu u ám rồi, họ không cần đọc những cuốn sách khiến tâm trạng tồi tệ thêm nữa. Vì vậy, bản thân tôi luôn đặt sự hài hước, hóm hỉnh lên hàng đầu mỗi khi viết và chọn sách. Tiếc thay các tác giả trẻ bây giờ hầu hết đều thể hiện khá giỏi cái bi kịch (đa phần là giả tạo), chứ không biết đùa.

* Đề tài về thực trạng đời sống xã hội thuộc dạng “kén người”, nhất là với những người viết trẻ còn non kinh nghiệm. Anh cố tình đào sâu mảng này để “câu khách” hay xuất phát từ nhu cầu tự thân muốn giải tỏa bức xúc?

- Nếu thực sự muốn “câu khách”, tôi sẽ chọn con đường dễ dàng hơn, ít tổn hao sức lực. Chủ đề khó nuốt, dễ bị “ăn gạch” nếu phản ánh không đúng và thường vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nó hợp với tôi. Thứ nhất là do nhu cầu cá nhân.

Tôi vốn thích quan sát tỉ mỉ những điều diễn ra xung quanh, đã chứng kiến không ít cảnh “chướng tai gai mắt” mà đại đa số giới trẻ dường như rất bàng quan, nên tôi chỉ muốn góp chút gì đó, giúp họ để tâm hơn đến những tiêu cực và thể hiện thái độ đúng đắn. Thứ hai là cách viết của tôi khách quan, không trực tiếp phê phán một đối tượng cụ thể nào. Tôi nêu ra vấn đề một cách hài hước và để độc giả tự bộc lộ cảm xúc khóc, cười theo cách riêng của họ.

* Tác phẩm Người bắt chim lợn gồm 15 truyện ngắn được anh viết rải rác hay tập trung trong một khoảng thời gian nhất định?

- Tập truyện ngắn là thành quả tôi thực hiện suốt hai năm rưỡi. Chính vì sáng tác trong quãng thời gian dài và chịu tác động của cảm xúc ở từng thời điểm nên các truyện có lối hành văn khác nhau, thậm chí cả quan niệm về cuộc sống trong đó cũng khác. Nhưng tôi không cho rằng điều đó là dở, bởi sau mỗi truyện thì phong cách của tôi dần được định hình rõ ràng hơn.

wjPuYUdz.jpgPhóng to

* Từ cách đặt tiêu đề, lối dẫn chuyện đến bút pháp sử dụng có một sự kết nối rất liền mạch, chặt chẽ và hợp lý. Hẳn đây là “thương hiệu” riêng gắn mác Hoàng Nhật?

- Đúng vậy, tôi đã tự định hình phong cách cho bản thân thông qua công thức: Tiêu đề ấn tượng + Mở đầu hài hước hoặc gây tò mò + Đan xen bi hài hợp lý xuyên suốt câu chuyện + Kết thúc mở.

* Anh từng thừa nhận: “Tác phẩm này là một nồi lẩu thập cẩm, được viết ra bởi một thanh niên dở dở ương ương, chưa chín chắn hẳn mà cũng không còn vô tư và hồn nhiên nữa”. Phải chăng anh cảm thấy mình đang ở giữa sự chuyển giao của hai lứa tuổi mới lớn và trưởng thành? Vậy điều này có ảnh hưởng đến truyện của anh không?

- Ban đầu chập chững viết lách, tôi cũng chọn đề tài tình yêu đôi lứa và đến bây giờ tôi vẫn lấy tình yêu làm bối cảnh cho câu chuyện, nhưng tình yêu chỉ là chất xúc tác, không còn là nguyên nhân hay hệ quả nữa. Đó là sự “dở dở ương ương” trong truyện của tôi.

Quả thật tôi chưa hài lòng lắm về tập truyện, vì nó cứ ở khoảng lưng chừng nên chưa đạt được độ sâu cần thiết. Với Người bắt chim lợn, độc giả có thể ấn tượng về nó nhưng sẽ khó giữ ấn tượng đó lâu, do nó còn “hiền” quá, chưa tạo được sự bùng nổ khiến người đọc phải đập tay xuống bàn vì đồng cảm. Song tôi vẫn thấy vui khi đứa con tinh thần đầu tiên được bạn đọc đón nhận rộng rãi.

* Bên cạnh những lời khen ngợi, nếu như bắt gặp một lời chê bai thẳng thừng vì lý do họ không hiểu ý nghĩa truyện của anh, trước tình huống đó anh sẽ ứng phó ra sao?

- Tôi là người biết lắng nghe và tiếp thu nếu ý kiến nhận xét mang tính xây dựng. Còn với những ai chưa đọc truyện của tôi hay đọc được vài dòng mà đã “bắt hình dong” cả truyện thì tôi không quan tâm. Thể loại tôi sáng tác theo trường phái siêu thực đi kèm kết thúc mở, nên nhiều khi người đọc hơi khó nắm bắt chính xác đáp án ẩn giấu đằng sau.

* Thời học phổ thông, anh có học giỏi môn văn không?

- Tôi may mắn được thừa hưởng chút khả năng viết lách từ ông nội, do đó tôi học khá tốt môn văn song không mấy hứng thú khi môn văn ở trường chỉ có đọc và chép. Thậm chí nhiều lúc tôi cố gắng viết một bài văn khác đi so với dàn ý của giáo viên, tôi toàn bị điểm kém cùng lời phê “không hiểu ý tác giả”.

* Là một người sáng tạo, thường thích thử nghiệm những cái mới mẻ, anh có dự định thử sức ở các thể loại khác?

- Tôi vẫn muốn trung thành với dòng văn học hiện thực phê phán, vì suy cho cùng, một cuốn sách không truyền tải được một thông điệp ý nghĩa hoặc vạch trần một thực trạng đau lòng thì nó chẳng xứng đáng được chờ đón. Nhưng tôi sẽ có sự thay đổi ở cách trình bày nhằm tạo sức thu hút hơn.

94h7thLF.jpgPhóng to

Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THANH VY (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên