06/10/2017 22:00 GMT+7

Tôi đã phải nói dối 'không có' khi bé xin tiền xài

M.ANH tổng hợp
M.ANH tổng hợp

TTO - Cho tiền bé một lần, sau đó bé lại đòi tiếp. Tôi đã phải nói dối "không đem theo tiền" để bé đừng xin nữa.

Tôi đã phải nói dối không có khi bé xin tiền xài - Ảnh 1.

Nếu không dạy con giá trị đồng tiền, trẻ sẽ nghĩ ba mẹ mình nhiều tiền và ngày càng đòi hỏi - Tranh: LAP

Tiếp tục câu chuyện có nên cho con xài tiền khi mới học lớp 1, một phụ huynh chia sẻ mình đã phải nói dối để bé không xin tiền, trong khi phụ huynh khác kể anh dạy con xài tiền từ khi bé 4 tuổi.

"Sao ông không mang tiền?"

Cháu tôi 5 tuổi, tôi thường chở cháu đi siêu thị mua thực phẩm và cho cháu vào xem khu vực có các trò chơi như hát karaoke, ném banh, bắn súng, bắn cá, chơi game… 

Một lần tôi mua xu cho cháu chơi trò tạt bóng, lần sau cho cháu vào xem các trò chơi ném banh, cưỡi ngựa, chơi game, bắn cá, bắn súng… Lúc đó cháu hỏi: "Ông có mang tiền không?". Tôi trả lời không, cháu hỏi: "Sao ông không mang tiền?".

"Mang tiền theo làm gì?", tôi hỏi lại. Cháu đáp: "Để mua xu chơi trò tạt bóng". Mặc dù biết cháu rất buồn, nhưng tôi vẫn phải nói dối vì sợ cháu ghiền các trò chơi.

Trong khu vực siêu thị còn có một quầy bán kem, tôi đã dắt cháu vào mua cây kem 5.000 đồng, do vậy những lần sau đó cháu đều đòi ăn kem. 

Dù vậy, khi cháu vào lớp 1, tôi nghĩ cũng nên cho tiền tiêu vặt để cháu không tủi thân, bị tách biệt với bạn bè. 

Theo quan điểm của tôi, cho tiền trẻ cũng phải dạy trẻ cách xử đồng tiền thế nào cho đúng. Nhân các ngày nghỉ của trẻ, các bậc phụ huynh nên dẫn trẻ ra các quầy tạp hóa gần nhà, nhất là vào siêu thị để dạy trẻ biết cách phân biệt các loại thực phẩm, hàng hóa, thứ nào nên mua và loại nào không nên mua. 

Ngoài ra, nếu có điều kiện, phụ huynh học sinh nên vào khu vực căngtin của trường xem ở đó người ta bán gì, giá bao nhiêu để hướng dẫn con em khi sử dụng đồng tiền.

B.H.

Tôi cho con quyết định mua gì sắm gì

Theo tôi, việc con trẻ tiếp xúc với tiền là tất yếu, đặc biệt khi con đến trường giao tiếp với bạn bè đến từ các gia đình có "các nền văn hóa" khác nhau. Cha mẹ nên có sự chuẩn bị để dạy con cho tốt.

Con trai tôi sinh năm 2012. Từ 3 tuổi, con được học phép lễ phép, thể hiện tình yêu thương (dù nó là một điều rất tự nhiên). Ở độ tuổi 4-5, tôi tạo cho con một không gian riêng để cất giữ quần áo, đồ chơi. Từ đó bé biết tự giác dọn dẹp gọn gàng, phân loại đồ chơi... 

Nhu cầu về ăn vặt, mua đồ đẹp, đồ chơi... của bé, tôi dần dần chuyển từ hình thức ba mua cho con sang hình thức dẫn con đi chọn lựa. Khi đó cha con nói chuyện nhiều hơn vì sao nên mua và không nên mua. Trong đó, giá tiền (khái niệm đắt-rẻ) là yếu tố con trai tôi sẽ tự quyết định mua hay để dành mua dịp sau.

Tôi cũng khéo léo nói với con về việc học tập suốt đời và lao động thì mới có tiền để thỏa mãn nhu cầu. Nhờ đó, những lần mua sắm cho học tập, cu cậu rất năng nổ lựa chọn và hầu như lần nào cũng được đồng ý. Còn những nhu cầu phát sinh "dư thừa", bé cũng ý thức được là không nên hoặc để dành lần sau. 

Yêu thương con đúng cách và có sự chuẩn bị đầy đủ về vật chất và tinh thần cho con, đó là giúp con trưởng thành. Tôi tin bậc làm cha làm mẹ sẽ không còn nhìn thấy cảnh con cái khóc hay ăn vạ "nhiệt tình" chỉ để ba má cho tiền hay mua một thứ gì đó không cần thiết.

Huỳnh Đức Thuận

Tôi đã phải nói dối không có khi bé xin tiền xài - Ảnh 2.

Ảnh: Shutterstock

Con tôi không xin tiền, nhưng...

Chia sẻ chuyện con mình, bạn đọc Hoàng Oanh kể: "Con tôi từ nhỏ không xin tiền ba mẹ. Một hôm nó về kể với tôi rằng: 'Hôm nay bạn con đưa tiền cho con nói thích mua chi thì mua. Nhưng con sợ chú bán hàng nên hét thiệt to chú ơi bán cho con cái này rồi bỏ chạy. Bạn con phải lấy lại tiền mua đồ cho con'.

Tôi mới nhận ra rằng con tôi không hề biết cách mua hàng hóa và hoàn toàn không tự tin khi tiếp xúc với người bán hàng. Vậy là mỗi tuần tôi bắt đầu cho con 5.000 đồng, con có thể đem tiền lên trường mua đồ nhưng trước khi mua phải về trao đổi với ba mẹ món đồ mà mình định mua.

Nhưng con tôi lại rất ít khi dùng tiền đó để mua đồ trên trường mà lại để dành. Sau gần 1 năm con đã để dành được gần 1 triệu đồng.

Vừa qua, con muốn mua chiếc xe đạp. Nó đã đồng ý góp một nửa số tiền mua xe, một nửa ba mẹ cho thêm. Đến nay, con muốn mua cái gì lớn một chút, chúng tôi đều áp dụng phương án 50:50 này để con biết cân nhắc cái gì cần thiết để bỏ tiền ra".

M.ANH tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên