07/07/2013 07:12 GMT+7

Tình người nơi xứ lạ

SAO MAI
SAO MAI

TT - Ba mẹ tôi vốn thích đi du lịch. Dù đã lớn tuổi nhưng mỗi khi thời gian và sức khỏe cho phép, hai cụ lại lên kế hoạch thăm thú các nơi. Và đầu tháng 5-2013, điểm đến của chúng tôi là Nhật Bản.

crJ6Vt8L.jpgPhóng to
Ngày ba tôi về nước đã được công ty du lịch chờ đón ở sân bay với một bó hoa rất đẹp - Ảnh: CTV

Dẫn đoàn chúng tôi là anh Chiến - một hướng dẫn viên tour Nhật kỳ cựu và nói tiếng Nhật lưu loát. Quan trọng hơn, vì ba tôi lớn tuổi nên ngay từ đầu công ty đã đề nghị chúng tôi mua gói bảo hiểm du lịch cao cấp để hưởng những chế độ bảo hiểm đặc biệt hơn nếu có sự cố sức khoẻ xảy ra. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn cảm ơn lời đề nghị này của họ.

Chúng tôi đi thăm thú rất nhiều nơi như khu mua sắm Ebisubashi-suji sầm uất kéo dài hàng cây số, cố đô Kyoto đầy hoài niệm, ngồi thuyền trên sông Hozhư với những đoạn thác đầy thách thức rồi lại thích thú leo lên đỉnh Owakudani ăn món trứng đen... Đặc biệt, tất cả các bữa ăn đều phục vụ món Nhật chính tông.

Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Khi cả đoàn ngồi xe lên thăm núi Phú Sĩ đột nhiên ba tôi cảm thấy khó thở. Ban đầu là tức ngực, sau đó mặt cụ dần tím tái rồi bắt đầu thở ngắt quãng. Tài xế nhanh chóng dừng lại ở trạm thứ hai trên núi để mọi người trong đoàn xuống rồi chở cả nhà tôi quay xuống trạm thứ nhất để ba tôi ra ngoài nghỉ. Tình trạng ba tôi rất tệ. Cụ nằm dài ra đất, mặt càng lúc càng tím tái.

Nagaoka - hướng dẫn viên người Nhật của đoàn - quyết định gọi xe cấp cứu. Chỉ sau khoảng 5 phút, xe cấp cứu từ Bệnh viện Chữ thập đỏ Yamanashi dưới chân núi đã đến và thực hiện các thao tác cấp cứu rất nhanh. Chưa đầy năm phút sau, ba tôi đã trên xe vào viện.

Sau khoảng mười phút ba tôi được đưa vào phòng cấp cứu, bác sĩ trực cấp cứu gọi tôi vào. Không cần hỏi xem chúng tôi người nước nào, có giấy tờ bảo hiểm gì không, ông yêu cầu cho ba tôi nhập viện vì cụ có dấu hiệu suy tim và phổi. Liền sau đó, bác sĩ Taiju Matsui (bác sĩ tim mạch điều trị chính của ba tôi sau này) cũng có mặt. Lúc này, đoàn của chúng tôi cũng vừa xuống tới.

Anh Chiến - hướng dẫn viên - đưa tôi bản hợp đồng bảo hiểm du lịch cao cấp đã mua trước chuyến đi. Đặc biệt, tôi mừng muốn rơi nước mắt khi được biết phía công ty du lịch VN và đối tác Nhật đã quyết định để chị Nagaoka ở lại hỗ trợ tôi.

Khoảng 15 phút sau, bác sĩ mời chúng tôi lên tầng ba của bệnh viện. Lúc này tôi mới biết ba tôi đã được đưa lên phòng HCU (chăm sóc đặc biệt). Chỉ trong chưa đầy một tiếng, họ đã chụp xong CT tim phổi, đưa ba tôi lên phòng HCU và có kết luận về hướng điều trị trong những ngày sắp tới. Theo lời bác sĩ Matsui, do phổi ba tôi có nước (có lẽ do vài lần sặc nước) nên khi lên chỗ cao, phổi không đủ không khí cung cấp cho cơ thể dẫn đến hiện tượng khó thở, tím tái.

Bác sĩ cho biết là với tình trạng sức khỏe và hướng điều trị sắp tới, có lẽ ba tôi chỉ cần nhập viện điều trị 4-5 ngày là có thể xuất viện. Tôi thầm nghĩ có lẽ trong cái rủi có cái may, vì nhờ sự cố “núi Phú Sĩ” này mà ba tôi mới được nhập viện ở Nhật, được bác sĩ Nhật điều trị với máy móc tối tân hiện đại, chuyện chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến.

Chưa kể bệnh viện mà chị Nagaoka bảo “chỉ là tỉnh lẻ” trên núi lúc nào cũng sáng bóng như khách sạn 5 sao, cả ngày không nghe tiếng động và một câu nói lớn.

Khi tôi được cho vào thăm ba, cụ đang ngủ rất ngon, sắc mặt đã hồng hào chứ không còn tím tái nổi gân xanh đỏ như trước khi vào viện. Ở đây không hề có việc người thân ở lại thăm nuôi bệnh vì mỗi bệnh nhân đều có một y tá chăm sóc, nên ngồi một chút chúng tôi phải ra về, khách sạn được công ty du lịch bố trí cho chúng tôi cách bệnh viện 200m.

Hôm sau, công ty du lịch phía Nhật đã gửi chị JJ, một hướng dẫn viên người Nhật kỳ cựu, xuống Yamanashi. "Nhiệm vụ" của JJ không chỉ đón mẹ tôi về Narita để bay về VN, mà chị còn vào bệnh viện, chờ gặp bác sĩ Matsui và hỏi rất kỹ lưỡng về lộ trình điều trị của ba tôi. Không chỉ vậy, sau giờ thăm bệnh, chị đề nghị chở chúng tôi lên thăm núi Phú Sĩ, bù cho chuyến đi chúng tôi phải bỏ dở.

Đặc biệt hơn cả, sau khi chia tay đoàn ở sân bay, anh Chiến đã phải quay ngược trở lại Yamanashi bằng xe buýt và ở lại hẳn 4 ngày để hỗ trợ cho tôi.

Những ngày tôi ở lại Nhật, điều làm tôi thật sự ấn tượng về sự tận tâm, nhiệt tình của nhân viên y tế ở đây chính là việc họ ngồi cần mẫn dò và dịch rất nhiều câu từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để trao đổi với ba tôi, từ những câu đối thoại cơ bản đến những y lệnh của bác sĩ. Đến ngày ba tôi xuất viện, họ cũng chuẩn bị sẵn một tấm bảng bằng cả hai thứ tiếng, chào tạm biệt đồng thời chúc ba tôi mau hồi phục. Sự chu đáo tận tình như vậy có lẽ tôi chỉ thấy được ở đây.

Chuyến đi Nhật lần này để lại ấn tượng rất tốt trong lòng cả nhà tôi. Đó là một nước Nhật hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa lâu đời, là những con người xứ Phù Tang lịch thiệp, nhiệt tình, là những y bác sĩ người Nhật tận tâm và có trách nhiệm, là thái độ phục vụ chuyên nghiệp của công ty du lịch VN và Nhật Bản cũng như dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp của công ty bảo hiểm.

SAO MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên