28/10/2011 21:54 GMT+7

Tinh giản biên chế để tăng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Chiều 28-10, Quốc hội (QH) thảo luận vấn đề “nóng” về dự toán, phân bổ ngân sách trong bối cảnh phải cắt giảm đầu tư chống lạm phát. Tỉnh nào, ngành nào cũng đề nghị tăng chi nên nhiều ý kiến đã đề nghị kiên quyết tinh giản bộ máy nhà nước, thay đổi cách “mở hầu bao” của QH…

Băn khoăn dân khó, thu ngân sách lại tăng

Về thu chi ngân sách, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về thành tích của Chính phủ trong thu ngân sách năm 2011 dự kiến vượt tới hơn 90.000 tỉ trong khi năm 2011 là năm người dân, doanh nghiệp rất khó khăn. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói mừng vì ngân sách nhà nước có thêm nguồn tiền nhưng băn khoăn: vượt thu lớn thế thì cần xem lại cách làm dự toán của chúng ta xem có việc dự toán thấp, sau vượt thu lớn để được thưởng vượt thu không?

Về chi, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đánh giá trong chi ngân sách vẫn chưa có định hướng tiết kiệm để chống lạm phát. “Tổng chi ngân sách vẫn tiếp tục vượt, tập trung ở chi thường xuyên. Báo cáo Chính phủ có nêu cắt giảm chi 10% chi thường xuyên. Chúng tôi thấy địa phương cắt giảm được nhiều hơn, cần xem lại do đâu vì chi cho trung ương và địa phương gần tương đương nhau” - ông Tâm đề nghị vì “ý kiến cử tri cho biết một số nơi vẫn chi hoành tráng”. Ngoài ra, đối tượng được hưởng khoán thuế ngày càng tăng trong khi việc thu thuế này dựa chủ yếu vào cơ quan thuế và cán bộ thuế. Đây là kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát nên ông Tâm đề nghị phải xem xét lấp lỗ hổng.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nêu con số trong báo cáo của Chính phủ cho thấy đầu tư phát triển năm 2011 dự toán vẫn tăng 9% so với 2010. Ông Cư cho rằng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu mà đầu tư phát triển lại tăng và vượt cả dự toán là chưa hợp lý. Theo báo cáo thẩm tra của QH, đến tháng 9-2011 vẫn có hơn 5.000 dự án mới được chi tiền trong khi các dự án trọng điểm chưa thật sự được ưu tiên, ông Cư cho rằng việc rà soát, đình hoãn đầu tư công chưa nghiêm túc. Ông Cư đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm khắc phục tình trạng trên.

Về vấn đề bộ máy nhà nước, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng thời gian qua chi cho bộ máy nhà nước không hề giảm. Trong khi có chủ trương giảm biên chế nhưng thực tế nhiều bộ ngành còn phình bộ máy ra làm tăng gánh nặng ngân sách. Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhưng tổng chi vẫn vượt trên 21.000 tỉ, ông Quang cho rằng “chứng tỏ quản lý điều hành thiếu kiên quyết”.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng “nhiều cơ quan có những cán bộ không làm được việc nhưng vẫn hưởng lương. Hệ lụy khiến nhiều cán bộ khác giảm động lực vươn lên, sáng tạo, giữ lòng tin của dân”. Vì vậy, bà Huệ yêu cầu cần đưa giải pháp mạnh tinh giản bộ máy để xây dựng bộ máy tinh thông, thạo việc, có thế mới cải cách được tiền lương tốt.

Đề nghị chưa tăng giá điện

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nêu thực tế: “Thường các năm QH họp xong là khởi động đợt tăng giá mới” và kiến nghị cần khắc phục tâm lý sớm thỏa mãn trước lạm phát.

Ông Ngô Văn Minh cũng lo ngại vấn đề lạm phát và cho rằng chủ trương nhất quán chống lạm phát đã rõ nhưng năm 2011 ước tăng chi của Chính phủ tới hơn 70.400 tỉ là không phù hợp. Ông Minh đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm và thẳng thắn cho rằng từ nay đến cuối năm cần công khai sẽ không tăng giá điện để chống lạm phát. Theo ông Minh, sắp tới có chủ trương tăng lương, nếu tăng giá điện tiếp sẽ khó giảm lạm phát.

Lạm phát phải tăng chi an sinh xã hội nhưng đại biểu Danh Út nêu thực tế đầu tư cho các huyện nghèo, qua thực tế giám sát cho thấy chi rất nhỏ giọt. “Ngân sách cho đối tượng bảo trợ xã hội cũng vậy, chi quá chậm, đến nay vẫn còn nơi chưa nhận được tiền hỗ trợ” - ông Út nói.

QH cần có cách tiêu tiền mới

“Năm 2012 dự kiến Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay 532.000 tỉ. Nếu doanh nghiệp làm ăn thua thiệt, phá sản, Nhà nước sẽ phải trả thay. Chính phủ hằng năm cần báo cáo danh sách doanh nghiệp được bảo lãnh vay để QH giám sát”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục phát biểu vào buổi chiều: "So với dự kiến, thu từ bán dầu của VN, do giá thế giới tăng, nếu điều chỉnh dự toán có thể tăng tổng thu ngân sách tới gần 40.000 tỉ".

Ông Thăng đề nghị luôn cần dùng số tiền này để giải quyết các vấn đề trọng yếu của giao thông: Thứ nhất lo vốn cho 568 cầu yếu. Thứ hai cần có tiền tách 10 cầu đường sắt đang dùng chung với đường bộ dễ gây tai nạn. Thứ ba là dồn vốn cho địa phương xử lý dứt điểm các dự án dở dang đang gây bức xúc ở địa phương.

Theo ông Thăng, ngành giao thông cố gắng năm 2015 sẽ có 600km đường cao tốc Bắc Nam, năm 2020 sẽ có cả tuyến cao tốc Bắc Nam, nhưng chỉ khi được ưu tiên vốn mới làm được. “2020 VN thành nước công nghiệp mà giao thông không đi trước thì khó đạt được mục tiêu này” - ông Thăng nói và trước mắt đề nghị QH xem lại phân cấp ngân sách vì có tình trạng các địa phương khoán lòng đường vỉa hè cho các phường để tăng thu. “Phải giữ đất đó cho giao thông” - ông Thăng nói.

Trước thực tế đại biểu nào cũng yêu cầu chống lạm phát và cũng đề nghị được ưu tiên vốn. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đề nghị QH nên có hẳn một đề án tái cấu trúc đầu tư công trước khi làm dự án cụ thể. “QH chưa có bức tranh toàn thể về bức tranh đầu tư, quy mô đầu tư cho ngành, địa phương”, vì vậy ông Mạo cho rằng nếu không có đủ thông tin sẽ khó cho QH có quyết định tốt về phân bổ ngân sách.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng vì cho rằng VN đang dùng đường sắt làm cách đây 80 năm, kinh tế tăng trưởng đã vượt quá khả năng của hạ tầng. Tuy nhiên, trước thực tế chỗ nào cũng cần ưu tiên trong khi không biết cắt ngân sách ở đâu, ông Lịch cho rằng cần tư duy VN như nhà nghèo đông con.

Ông Lịch đưa sáng kiến: QH sẽ bàn trước xem ngành nào, chỗ nào cần ưu tiên. Sau đó biểu quyết, Chính phủ sẽ dựa vào đó để chi. Năm nay không làm được, ông Lịch đề nghị nên đưa vào nghị quyết để năm sau làm. “Chứ cứ bố trí rồi, bảo cắt khó. Cứ dàn trải mãi, chỗ nào cũng nói cần như thế làm sao làm được”. Nhiều đại biểu phát biểu sau đã tán thành đề xuất của ông Trần Du Lịch vì QH phải nắm tốt hơn một trong những quyền tối cao của mình là quyền quyết mở hầu bao cho chi tiền.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên