11/07/2017 11:19 GMT+7

Phan Duy Nhân - Con sóng về nơi chân trời

 MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Trong những sáng tác cuối cùng, nhà thơ Phan Duy Nhân thường gọi mình là 'con sóng thủy triều vỗ mãi một phương'. 'Con sóng ấy' đã mãi mãi ra đi vào buổi tối 8-7, để lại bao thương tiếc cho những bạn thơ, bạn lính cùng thời với ông.

*** Error ***
Nhà thơ Phan Duy Nhân thời trẻ - Ảnh: Tư liệu gia đình

...

Đồng bào ơi biết bao giờ được thở

Được cùng nhau vui xã hội công bằng

Được nhìn nhau không hổ thẹn trong lòng Khi quê mẹ hết giày ai giẫm nát Con cái ra đời làm dân độc lập Đến con trâu cũng nghé ngọ yêu người Ta đứng lên thề chẳng đội chung trời Điểm từng mặt, vạch từng tên mỗi đứa Bán nước cầu vinh, tiếng cười nghiêng ngửa

...

(Trích Thư gửi các bạn Sinh viên - thơ Phan Duy Nhân)

Nói về nhà thơ Phan Duy Nhân, nhà báo Lê Đức Hùng - người bạn đã gắn bó với nhà thơ mấy mươi năm - tâm sự:

“Thế hệ chúng tôi - những học sinh miền Nam giai đoạn 1960 - 1970 - luôn nhìn Phan Duy Nhân với ánh mắt đầy ngưỡng vọng về một nhà thơ yêu nước, một trí thức dấn thân vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Thơ và cuộc đời của ông đã dẫn dắt nhiều thế hệ tham gia cuộc đấu tranh đó. Giờ Phan Duy Nhân đã ra đi, chúng tôi cũng đã bạc mái đầu, nhưng ai cũng xem Duy Nhân là một người anh của mình, rồi những anh em chúng tôi cũng sẽ lại được gặp nhau”.

Ông Lê Đức Hùng ngậm ngùi đọc những câu thơ của Phan Duy Nhân viết về thân phận con người:

Thân xác ấy thôi rồi tan rã hết

Vào hư vô không giọt máu hồng tươi

Tôi đã dặn khi giã từ cuộc sống

Nhớ cho tôi xin lại trái tim người…

(Trích Trái tim còn lại)

Kể về Phan Duy Nhân trong ánh mắt đau đáu, ông Hoàng Cung Khảm, nguyên cán bộ Thành đoàn Đà Nẵng, cho biết Phan Duy Nhân là một người vô cùng dũng cảm, lạc quan.

Có lần ông bị địch tra tấn tại nhà lao Thanh Bình (Đà Nẵng), địch đưa ông một mảnh giấy để ông viết lời khai. Thế nhưng thay vào đó, ông đã viết một bài báo mang tựa “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn?”.

Cũng từ câu chuyện trên của ông Hoàng Cung Khảm, chúng tôi đã phát hiện một chi tiết thú vị về Phan Duy Nhân.

Theo lời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, vào năm 1970 nhà báo Mỹ Don Luce đã đến Côn Đảo để thực hiện loạt bài điều tra về nơi đây.

Tình cờ, Don Luce gặp hai nữ tù binh chính trị là Thiều Thị Tạo, Thiều Thị Tân. Họ đã tận dụng vốn ngoại ngữ của mình để tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với các hình thức tra tấn dã man ở Chuồng Cọp Côn Đảo.

Bài viết của Don Luce trên báo Life đã gây rúng động cả chính trường Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ. Sau này, khi được hỏi về động lực đấu tranh của mình, hai cô gái Tân và Tạo cho biết họ đã được truyền cảm hứng từ tinh thần chiến đấu của một sinh viên miền Trung ở phòng biệt giam, dù bị tra tấn anh vẫn cất cao tiếng hát của mình.

Chàng sinh viên kiên cường ấy chính là nhà thơ Phan Duy Nhân.

Những thế hệ học sinh những năm 1960 đều biết đến Phan Duy Nhân với tác phẩm Thư cho Mẹ và Chị, nói lên nỗi lòng của ông trước cảnh nước mất nhà tan: “...Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ / Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe!”.

Thế nhưng tên tuổi của Phan Duy Nhân mới thật sự được khẳng định khi bài thơ Thư gửi các bạn Sinh viên ra đời...

Đây cũng là một trong những bài thơ đầu tiên thúc đẩy phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên, học sinh miền Nam. PGS.TS Hồ Thế Hà cho rằng:

Thư gửi các bạn Sinh viên là một bài thơ đã đánh thức trong mỗi chúng ta năng lực sâu thẳm của lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân một cách gần gũi, chân thành nhưng cũng đầy suy tưởng và triết lý”.

Dù nhiều lần bị tù đày và tra tấn, Phan Duy Nhân vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan của mình. Sau năm 1975, Phan Duy Nhân được phân công giữ nhiều chức vụ, có thời gian ông làm thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, cũng có lúc ông là quyền trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Và dù là ai, tình yêu của ông dành cho thơ ca vẫn luôn tràn đầy: “Tràn đầy mà rỗng lặng / Biển vô lượng thủy triều

Đường về tâm hết động / Tuyệt chiêu là vô chiêu!...” (Hành thiền); “Đời bốn phương mà ta một phương / Vang reo trong gió máu lên đường / Bỗng nhiên giây phút đầy muôn dặm / Mỗi bước kinh hành sen nở thơm” (Hành hương).

Nhà thơ Phan Duy Nhân, nguyên quyền trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ, tên thật là Phan Chánh Dinh (tức Nguyễn Chính), sinh năm 1941 tại Quảng Trị.

Ông vừa là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào sinh viên - học sinh yêu nước miền Nam trước năm 1975 vừa là nhà hoạt động cách mạng sôi nổi, tận tụy.

Tang lễ của nhà thơ Phan Duy Nhân diễn ra từ ngày 9 đến 12-7 tại tư gia, số 30 đường số 3, Ni Sư Huỳnh Liên, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên