14/05/2017 15:42 GMT+7

​Kỷ niệm thời chiến dồn dập đến mức khó viết

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Từ Pháp về ra mắt Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, tác giả Hồng Vân vừa chia sẻ với bạn đọc Sài Gòn tại Đường sách sáng 14-5 nhiều kỷ niệm thời chiến tranh - chất liệu để viết nên tập sách thú vị này.

Tác giả Hồng Vân (giữa) đang chia sẻ những câu chuyện một thời chiến tranh nhân buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền
Tác giả Hồng Vân (giữa) đang chia sẻ những câu chuyện một thời chiến tranh - Ảnh: L.Điền

Đây là buổi giao lưu trong khuôn khổ Những ngày sách văn học châu Âu. 

Bản nguyên tác được tác giả Hồng Vân viết bằng tiếng Pháp, từng được Hội nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” năm 2013.

Như bức thư gửi cho người thân

Vậy mà đứng trước đông đảo bạn đọc Sài Gòn đến với chương trình giao lưu, Hồng Vân phải tự thú nhận là “tôi không ngờ mình lại xúc động đến vậy”.

Xúc động không chỉ vì lòng nhiệt tình của mọi người dành cho tác giả và tác phẩm, mà như chị Vân tâm sự, quyển sách khởi từ ý định viết như bức thư gửi cho ông, cho bố mẹ, cho những người thân yêu để chia sẻ về chặng đường đời thơ ấu của “ba chị em nhà Mây” - cách gọi thân ái đối với Kim Vân, Thanh Vân, và Hồng Vân - từng sống trải qua thời chiến tranh bom đạn ác liệt tại Hà Nội.

Về chuyện sống trong thời chiến tranh tại Việt Nam, Hồng Vân xem đó là chuyện riêng của mình. Thậm chí chị còn cho rằng “điều này chắc nhiều người biết rồi, đâu có gì quan trọng. Khi có người cổ vũ tôi viết thành sách, nhiều chi tiết tôi định lược bỏ đi, thì chính Ban biên tập NXB Trẻ lại đề nghị giữ lại”.

Chị cũng nói thêm rằng, “thực ra cái giải thưởng ở Pháp năm 2013 không quan trọng lắm đâu, điều quan trọng hơn là tôi xem mỗi người đọc sách này như là một giải thưởng cho tôi, như vậy tôi có đến hàng nghìn, hàng vạn giải thưởng trong lòng bạn đọc”.

Mặc dù Hồng Vân khẳng định tập sách không phải là hồi ký, bởi chị đã gia công tiểu thuyết hóa trên nền dữ liệu thật để làm thành tự truyện, chị vẫn phải thừa nhận khi đặt bút viết, những câu chuyện dữ dội một thời dồn dập trở về nhiều đến mức thành ra khó viết.

Trải nghiệm cá nhân cũng được xem là lịch sử...

Cùng với MC Tuyết Anh, nhà báo Dương Thành Truyền tham gia dẫn chuyện cho buổi giao lưu đã có những chia sẻ sâu sắc khi nhắc đến nội dung tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo. Theo ông, đang có cách nhìn mới về lịch sử và sử liệu, theo đó, những trải nghiệm cá nhân cũng được xem là lịch sử miễn nó chân thật.

Và như vậy ở đây, câu chuyện của ba cô gái trong gia đình trí thức Hà Nội sơ tán dưới thời chiến tranh từ thập niên 1960 sẽ góp thêm vào lịch sử Việt Nam một câu chuyện bình thường, giản dị mà sâu sắc, đáng trân trọng.

Câu chuyện từ Ba áng mây trôi dạt xứ bèo đã gợi cho đạo diễn Lê Lâm nhớ đến một tác phẩm khác cũng mang bối cảnh tương tự: Quân khu Nam Đồng. Theo ông, Quân khu Nam Đồng là tác phẩm viết về bọn con trai trong thời chiến ở Hà Nội, và Ba áng mây trôi dạt xứ bèo viết về ba chị em gái.

Những thế hệ bạn trẻ ngày nay khi đọc sẽ biết được những ác liệt đau thương thời ấy, thấy gánh nặng người dân miền bắc phải chịu trong chiến tranh, sẽ biết được nhiều giá trị nhân văn được giữ gìn trong hoàn cảnh ấy thế nào, và cũng dễ cảm thông hơn với những người trải qua cuộc chiến như vậy.

Cô Vanessa - con gái chị Hồng Vân (thứ 2 từ trái) đang chia sẻ cảm xúc khi đọc bản thảo sách của mẹ - Ảnh: L.Điền
Cô Vanessa - con gái chị Hồng Vân (thứ 2 từ trái) đang chia sẻ cảm xúc khi đọc bản thảo sách của mẹ - Ảnh: L.Điền

Tham dự buổi giao lưu còn có hai con của chị Hồng Vân là Vanessa và Joachim. Vanessa cho hay khi đọc bản thảo, cô nhất quyết đòi mẹ phải xuất bản, bởi “từ đây, con khám phá được nhiều thứ từ mẹ, biết về chiến tranh, về ông ngoại, về lịch sử gia đình ngoại từ Việt Nam và nhiều người khác...

Chị Hồng Vân tiếp lời rằng “tôi nghĩ khi đọc sách này, các con sẽ hiểu và tha thứ cho tôi rất nhiều về sự khắc nghiệt trong dạy dỗ con từ nhỏ.

Các con sẽ biết được những “tính khó” ấy bắt nguồn từ đâu, chẳng hạn tôi vẫn yêu cầu các con rằng khi mở thứ thực phẩm nào ra ăn thì phải ăn cho hết chứ không được bỏ dở...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên