10/09/2015 12:13 GMT+7

Những hạt muối sau ánh hào quang

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Hồng Ánh đã đọc sớm và nhanh nhất cuốn sách Đời nghệ sĩ - Không chỉ có hào quang. Đọc, không chỉ bởi cô cũng chính là một trong số 51 nhân vật của cuốn sách này.

Diễn viên Hồng Ánh với cuốn sách Đời nghệ sĩ do báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: M.T.
“Công việc của chúng tôi cũng nhọc nhằn, có mặn mòi có đắng cay chứ không chỉ là những xìcăngđan ồn ào trên mạng. Chúng tôi sống và làm việc, đằng sau những gì mọi người tưởng là đã biết, nghệ sĩ cũng đủ mọi buồn vui!

Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ những cảm xúc còn rất ấm và nóng dành cho “50 gương mặt tôi yêu quý và trân trọng” - đó là cách Hồng Ánh gọi tên cuốn sách, theo cách riêng hồn hậu của mình.

* Cảm giác ra sao khi đọc bài viết về mình một lần nữa được in nhưng không phải trên báo mà là trong sách?

- Thấy lạ lạ. Tôi đã đọc bài viết về mình lâu rồi. Nhưng khi sách ra tôi vẫn đọc lại lần nữa để tự tìm câu trả lời rằng tại sao trong con số 51 nghệ sĩ của cuốn sách, tôi lại được chọn!

Và, nói chuyện này ra hơi mắc cười nhưng dù biết các nghệ sĩ có trong cuốn sách được xếp theo thứ tự alphabet, tôi là Ánh, chữ A đứng gần đầu, thế mà vẫn thích lắm vì thấy bài về mình chỉ sau bài NSND Thế Anh!

Tôi thích cả tấm hình trong đó, anh Trần Tiến Dũng của báo Tuổi Trẻ chụp tôi trong chương trình Chào xuân khi tôi vừa được giải ở Dubai (giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai Hạnh của Trăng nơi đáy giếng, Liên hoan phim quốc tế Dubai) về. Những kỷ niệm ấy như vẫn còn rất mới đây, khi được nhắc nhớ.

* Còn những nghệ sĩ khác thì sao, Ánh tiếp cận họ như thế nào?

- Tôi cầm cuốn sách lướt qua đã biết có nhiều bài mình đã đọc trên Tuổi Trẻ. Nhưng cảm giác khác ở chỗ là sự tập hợp lại một điểm. 51 nghệ sĩ chúng tôi được gặp nhau ở một nơi, mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình để chia sẻ, nhờ thế mà tôi được biết nhiều hơn.

Là có những người tôi từng làm việc, có những người tôi từng quen, nhưng không hiếm những người tôi chỉ biết qua tác phẩm.

Vậy mà hóa ra ngay cả những người mình tưởng như biết về họ như thế này, như thế kia, đọc tâm sự của họ, nghe họ nói về nghề, về nghiệp, về cuộc sống, bỗng nhiên cái nhìn của mình thay đổi, mình như được biết thêm, thậm chí là biết khác, biết sâu hơn chứ không chỉ còn là những hiểu biết sơ sơ bên ngoài như trước.

Như câu chuyện của Lan Phương - cô diễn viên nói giọng Bắc tung tăng ở sân khấu kịch Sài Gòn, tôi thú vị khi biết Lan Phương đến gặp phóng viên mà hồn nhiên đi xe đạp điện, mua trái dừa 10.000 đồng để uống, cô không biết nói đùa, và cô có thể choáng vì biết có người mang tiền triệu trong ví.

* Nhiều thế hệ nghệ sĩ cùng góp mặt ở đây, độc giả hẳn nhiên sẽ tò mò về họ đã đành. Nhưng là người trong cuộc, Hồng Ánh có thấy lạ - quen?

- Tôi cứ bâng khuâng mãi với những tâm sự của nhạc sĩ Trần Tiến, rằng “Đời nghệ sĩ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm ở đâu đó. Hồn nhiên. Nghệ sĩ là thế đấy, bạn đừng nhầm họ với những ly rượu bét nhè, với những phát ngôn ầm ĩ, với kiểu cách ăn mặc, để tóc, chơi xe và tán gái. Hãy nghe và xem họ.

Thế là đủ”. Và bạn có đọc câu chuyện của nghệ sĩ Ngọc Giàu được viết trong lời giới thiệu cuốn sách, chuyện cô bơi qua sông đi học, được ông cha cố đón và thưởng mỗi lần một trái chuối.

Những động viên nhỏ bé đó đã giúp cô Ngọc Giàu nuôi một ước mơ, để nhiều năm sau này, một tình cờ run rủi, cô gặp lại người cha cố nay đã già, mắt đã không còn nhìn thấy...

Câu chuyện ấy làm tôi tin vào sợi dây tâm linh vô hình mà tồn tại của người nghệ sĩ với nghiệp mình đã chọn.

Và tôi thích con số 51, không hiểu tại sao lại là 51, không hiểu ai đã dừng ở con số 51. Nhưng tôi cứ nghĩ mình chính là con số cuối cùng, là người thứ 51 được lựa chọn bởi cái nhìn thấu sự cố gắng của tôi trong mỗi năm làm nghề, trong mỗi ngày theo nghiệp.

Tôi đặc biệt thích cái cách gọi chúng tôi không phải là diễn viên, là ca sĩ mà chung là nghệ sĩ. Chỉ phân vân chữ “đời”, vì nó giống nhiều với một sự tổng kết, nó đúng với nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, đã cống hiến một đời.

Còn chúng tôi thì vẫn đang còn tiếp tục cống hiến, lại hơi sợ sự tổng kết “một đời” đó. Chúng tôi là những hạt muối, đằng sau ánh hào quang (nếu có). Mà cuốn sách thì như cuốn nhật ký của mỗi nghệ sĩ được chọn, được kể chuyện. Người đọc chắc hẳn sẽ yêu nghề nghiệp của chúng tôi như cách chúng tôi đã yêu.

Và họ ắt hẳn cũng sẽ thấy hóa ra công việc của chúng tôi cũng nhọc nhằn, có mặn mòi có đắng cay chứ không chỉ là những xìcăngđan ồn ào trên mạng. Chúng tôi sống và làm việc, đằng sau những gì mọi người tưởng là đã biết, nghệ sĩ cũng đủ mọi buồn vui!

Mang Trung thu cho cao nguyên

Nhân dịp NXB Trẻ phát hành cuốn sách Đời nghệ sĩ - Không chỉ có hào quang, vào 9g ngày 12-9 tại salon văn hóa Cà phê thứ bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM) sẽ diễn ra buổi Cà phê sách về cuốn sách này.

Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc (cũng là một trong số các tác giả có bài góp mặt trong cuốn sách) sẽ cùng dẫn chương trình với nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc.

Nhạc sĩ Dương Thụ (là một trong số các nhân vật nghệ sĩ của sách) sẽ chủ trì buổi cà phê. Các nghệ sĩ như Xuân Hương, Hồng Ánh, Ánh Tuyết, Phạm Anh Khoa, Trần Mạnh Tuấn, Đinh Ngọc Diệp... có thể sẽ cùng tham dự.

Tại buổi cà phê, NXB Trẻ sẽ bán cuốn sách Đời nghệ sĩ - Không chỉ có hào quang với giá bìa là 260.000 đồng/cuốn, sẽ chiết khấu 10% cho người mua và dành thêm 25% từ giá bìa mỗi cuốn sách (65.000 đồng) để góp phần vào hoạt động chăm lo cho 500 trẻ em nghèo ở cao nguyên Đắk Lắk nhân mùa Trung thu 2015.

Đời nghệ sĩ - Không chỉ có hào quang...

Cuốn sách tập hợp 51 bài báo từng xuất hiện ở chuyên mục Đời nghệ sĩ của báo Tuổi Trẻ, là nghệ sĩ viết về nghệ sĩ, là trả lời phỏng vấn, là tự chia sẻ... để người đọc biết được rằng ca sĩ Hồng Nhung là người “biết giấu thật kín nỗi đau riêng đầy âm tính dưới vẻ bề ngoài thật mạnh mẽ”, là nghệ sĩ Hồng Nga “gửi phận mình vào tiếng khóc” để “gan góc đi hết phận mình” ra sao khi bốn đời chồng năm đứa con mà vẫn không có được gia đình đúng nghĩa...

Sẽ rất nhiều khán giả màn ảnh lớn ngỡ ngàng với câu chuyện Về nhà của đạo diễn Victor Vũ, để biết anh không phải là người khó gần nhưng lại không thoải mái trước đám đông.

Ngại giao tiếp nhưng lại thích kể chuyện, và chính sở thích kể chuyện đã đưa Victor Vũ đến với việc làm phim... Cũng sẽ ít ai biết được nhạc sĩ Trần Tiến đã viết về anh trai của mình - nghệ sĩ Trần Hiếu: người lãng mạn cuối cùng của thế kỷ mộng mơ...

Hay câu chuyện ông Trung bánh chưng hóa ra lại chính là ông Giao Tiên, người gắn với ca khúc Cô Thắm về làng nổi tiếng. Và còn nữa những Hoàng Giác, Nguyễn Thanh Bình, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Mạnh Tuấn, Doãn Hoàng Giang, Chí Trung, Lê Khanh, Việt Anh, Công Ninh, Thương Tín, Kiều Chinh, Elvis Phương, Cẩm Vân - Khắc Triệu, Ánh Tuyết, Thu Minh, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, Phạm Anh Khoa, Quý Bình...

51 gương mặt nghệ sĩ của Đời nghệ sĩ - Không chỉ có hào quang chắc chắn chưa phải là những đại diện điển hình của toàn cảnh văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Nhưng họ, với những câu chuyện riêng chung của mình lại đem đến cho người đọc một hình dung đáng kể về sân khấu, điện ảnh, ca nhạc và hơn thế, là những con người thuộc về một “cõi đi về” mà bên cạnh hào quang còn cả những xót xa...

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên