14/12/2014 10:09 GMT+7

​Chỉ có thể là “fan” của sách và phim

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Hai diễn giả của buổi tọa đàm Ghiền sách mê phim vừa diễn ra sáng 13-12 tại Nhã Nam thư quán lần này là đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và nhà báo - nhà phê bình Lê Hồng Lâm.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhà báo Lê Hồng Lâm và các fan “Ghiền sách mê phim” - Ảnh: Tiến Long

Hiếm có buổi tọa đàm, thảo luận nào mà không cần phải ra sức kêu gọi: “Có ai muốn đặt câu hỏi nào cho diễn giả không?” bởi những cánh tay đã giơ sẵn, và rằng hai giờ 30 phút đồng hồ vẫn là quá ít ỏi, vẫn là đi “chưa đâu vào đâu” đối với một chủ đề (biết chắc) là không bao giờ có điểm tận cùng: sách và phim!

Cả hai cũng ngạc nhiên đến sung sướng khi thú nhận: “Chưa bao giờ làm diễn giả mà hạnh phúc như thế!”.

Những chất vấn thật thú vị và cử tọa ở đây toàn hàng “khủng” như lời nhận xét dí dỏm của Lê Hồng Lâm. Và dĩ nhiên với một chủ đề “hot”: bàn về những khác biệt cơ bản giữa văn chương và tác phẩm chuyển thể, những tiêu chí để đánh giá một tác phẩm chuyển thể thành công... thì sự sôi nổi ấy không phải là điều quá khó đoán.

Nhà báo - nhà phê bình Lê Hồng Lâm đã mở đầu câu chuyện bằng những con số ấn tượng: hơn 1/3 tác phẩm điện ảnh từ trước đến nay được chuyển thể từ tiểu thuyết.

Nhưng nếu tính cả các bộ phim lấy cảm hứng/được chuyển thể từ truyện ngắn, kịch, các chất liệu văn chương khác thì thị phần phim chuyển thể chiếm đến 65%.

Và từ những tác phẩm thuộc hàng kinh điển thế giới cho đến những bộ phim vừa được trình chiếu chưa lâu như Gone girl, Hương Ga, Nước... đều được nhà báo Lê Hồng Lâm “mổ xẻ” khiến buổi tọa đàm không phút nào rơi vào nhàm chán.

Một câu hỏi đơn giản nhưng chắc chắn không dưới một lần từng làm băn khoăn người thích sách và mê phim: đối với những tác phẩm chuyển thể từ sách sang phim, đọc sách trước hay xem phim trước?

Những người thưởng ngoạn thật sự sẽ có cách hưởng thụ cuốn sách và bộ phim họ yêu thích theo một cách riêng, bằng chính năng lực “đọc được nội tâm” họ được trao tặng, đọc trước hay xem trước thật ra không còn là rào cản là câu trả lời nhận được nhiều đồng tình nhất của buổi trò chuyện.

Ðồng cảm với điều này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, cha đẻ của những bộ phim chuyển thể thành công cả về phim nhựa (Trăng nơi đáy giếng, Tuổi thơ dữ dội) lẫn phim truyền hình (Ðất phương Nam), đã nói hộ tâm tình (có lẽ) của không ít đạo diễn khác rằng: “Dẫu là một tác phẩm được chuyển thể từ sách hay chỉ là sử dụng chất liệu văn học từ một tác phẩm nào đó thì phải thừa nhận phim luôn có đời sống độc lập riêng.

Ðạo diễn làm phim lúc ấy chẳng khác nào một đứa trẻ đang đứng trước một bàn tiệc linh đình các món ăn ngon, muốn chộp những món ngon nhất - những chi tiết đắt giá của sách lên phim. Nhưng dĩ nhiên, anh chỉ có 90 phút hoặc hơn một chút để chuyển tải được tất cả những thứ anh cho rằng ngon nhất ấy.

Vậy thì hãy truyền tải được cảm hứng, sức hứng khởi mà tinh thần của cuốn sách ấy có cho người xem, chứ không phải một bản sao chép thô vụng từ cuốn sách”.

Các bạn trẻ tham gia tọa đàm cũng không quên nhắc đến với cả niềm say mê về những bộ phim chuyển thể để lại dấu ấn với cá nhân mình như Harry Potter, Kẻ trộm sách, Người đua diều...

Trong những sẻ chia về những cảm xúc tuyệt vời mà một bộ phim hay mang lại, các khán giả trẻ trăn trở thêm một lần nữa với câu hỏi: vì đâu mà điện ảnh Việt Nam còn thiếu nhiều bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học?

Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói như một lời xin lỗi bởi điều đó còn tùy thuộc vào tài năng, kinh phí. Bản thân ông gần 10 năm qua dù mê đắm với tập truyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần vẫn chưa thể tìm được cách làm cho ra bộ phim này...

Cuối buổi tọa đàm, danh sách 100 bộ phim cả Việt Nam lẫn nước ngoài được đánh giá là chuyển thể thành công từ sách lên phim là món quà nhà báo Lê Hồng Lâm gửi tặng những bạn đọc/khán giả đã dành ngày cuối tuần nghỉ ngơi đến để lắng nghe, chia sẻ về “cặp đôi” văn học và điện ảnh!          

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên