04/09/2005 21:24 GMT+7

"Văn học là "thương hiệu" của nước Nga"

Theo Tiền Phong - Gazeta Wyborcza
Theo Tiền Phong - Gazeta Wyborcza

Đó là ý kiến của Vladimir Sorokin, 50 tuổi - người được đánh giá là một trong những đại diện chủ yếu bên cạnh Victor Pielievin, Tatiana Tolstoi, Aleksandra Marinina khi trả lời phỏng vấn báo Gazeta Wyborcza

CVYYPezc.jpgPhóng to
Vladimir Sorokin
Đó là ý kiến của Vladimir Sorokin, 50 tuổi - người được đánh giá là một trong những đại diện chủ yếu bên cạnh Victor Pielievin, Tatiana Tolstoi, Aleksandra Marinina khi trả lời phỏng vấn báo Gazeta Wyborcza

Các cuốn sách Tình yêu thứ ba mươi của Marina, Một tháng ở Dachau, Mát-xcơ-va, Xếp hàng, Chuẩn, mặc dù xuất hiện trong những năm 80, nhưng đã là những tác phẩm kinh điển của văn học đương đại Nga.

Nhân dịp cuốn Băng của ông được dịch và phát hành ở Ba Lan, phóng viên báo Gazeta Wyborcza đã có buổi trò chuyện với ông tại Warszawa.

* Nói chuyện với các nhà văn Nga, đặc biệt là các nhà văn lớp trước, tôi nghe nói rằng ở Nga, văn học là một cái gì đó nhiều hơn ở bất cứ nơi nào khác, còn nhà văn thì giữ vai trò gần như tín ngưỡng. Ông có cảm thấy mình là một người đặc biệt ở Nga không?

Trước khi viết văn, Sorokin đã thử sức trong hội hoạ. Từ những năm 70 ông đã giao du với những đại diện tiên phong của nghệ thuật Nga. Ông nhận định rằng những bức tranh có ảnh hưởng đến sáng tác của ông nhiều hơn nhiều so với những con chữ, nhưng cuối cùng ông lại phát tiết trong văn chương.

Có thể nhờ đam mê nghệ thuật tạo hình mà trong tác phẩm của ông mới có ngần ấy ma lực, hư cấu và sức tưởng tượng có rất ít cái chung với thực tế.

Tuy nhiên, Sorokin cũng đồng thời là một nhà quan sát tài tình hiện thực của Liên Xô và nước Nga.

Mỗi đất nước đều có mác hàng của mình. Ở Mỹ, đó là Holywood, ở Hungari - món ragu, ở Đức - âm nhạc và triết học, còn ở Nga - văn học. Văn học Nga cũng là một cái mác giống như trứng cá hồi và rượu.

Dostojevski là đồng tiền của chúng tôi, mà từ hai thế kỷ nay nó không hề bị mất đi một chút giá trị nào. Do đó mà trong ý thức của dân tộc, từ “nhà văn” mang một ý nghĩa đặc biệt.

Gần đây tôi sống ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Tôi ngạc nhiên nhận thấy những người già ở địa phương chào tôi với sự kính trọng đặc biệt. Quanh khu vực ai cũng biết tôi là nhà văn.

Nếu tôi là đạo diễn hay nhà biên kịch thì chắc đã khác. Ở Nga vẫn tồn tại những chuyện hoang đường về nhà văn. Tôi thì thậm chí còn nói hơn thế: Văn học và điện ảnh là những nơi sống động duy nhất ở Nga.

* Trong sách, ông xây dựng một thế giới mà ở đó hiện thực đan xen với hư cấu, một thế giới hoàn toàn huyền bí. Nhưng những trang hoàng ấy chỉ là cái cớ để nói về những con người, những cảm xúc của họ, suy ngẫm về nhân vật đương đại. Phải vậy chăng?

- Đúng và không đúng. Tôi luôn mô tả những thế giới không tồn tại. Đó là bệnh của tôi hay cũng có thể là điểm yếu của tôi. Nhưng suy cho cùng lại rất Nga.

Người Nga không thể sống bằng hiện tại. Chúng tôi sống giữa quá khứ và tương lai, chúng kéo chúng tôi như kéo sợi dây chun. Tất nhiên là cũng có những con người hiện thực, những người nhìn thấy cái bàn và mô tả nó, nhưng với tôi như vậy là quá ít. Nhưng mặt khác, hư cấu là một phương pháp tuyệt vời để nói một cách ẩn dụ về con người, về chính trị, về tình hình thế giới.

* Sau khi đọc Băng, tôi biết rằng ông là một nhà quan sát thực tế nghiêm túc. Mặc dù ông xây dựng một câu chuyện hư cấu, thì nó vẫn cứ là diện mạo của Mát-xcơ-va đương đại. Câu chuyện giữa một cô gái điếm với một gã ma cô, bức tranh về những khu tập thể ở Mát-xcơ-va hay những khu dân cư lân cận, ngôn ngữ của các nhân vật trẻ vẫn là thứ văn xuôi hiện thực.

- Quan sát và mô phỏng lớp trẻ là niềm yêu thích của tôi. Tôi cố gắng thật nghiêm túc đối với hiện thực và thế giới và đối nghịch với nhiều nhà văn Nga, những người ngạo mạn và xuất phát từ quan niệm cho rằng tất cả xung quanh đều xấu xa, khủng khiếp, đồi bại, bẩn thỉu và tồi tệ.

Họ khép mình trong phòng kín, ngồi sau những cái bàn lớn vẫn còn từ thời Stalin và suy ngẫm về một nước Nga Vĩ đại. Theo tôi, đó hoàn toàn là con đường mù quáng, là sự xơ cứng của ngòi bút...

Nếu nhà văn muốn trở thành hiện thực, muốn hiểu thế giới thì không thể tách khỏi thế giới. Anh phải đến các vũ trường và quan sát. Đó chính là phong cách của tôi.

* Trong những năm 90, các nhà phê bình tạo nên khái niệm “chernukha”. Đó là thứ văn học chủ yếu nói tới những khoảng tối của hiện thực Nga. Ông cũng được tính vào một trong số các tác giả của “chernukha”. Ông có nhận thức được điều này?

- “Chernukha” là một cái nhãn giống như khái niệm “văn học phản Xô-viết” một thời. Tôi không thích nhãn mác. Sách của tôi tất nhiên là mang tính phê phán và chúng vẫn như thế ở thời Liên bang Nga.

Tôi tự hào về điều này. Nhưng tôi sẽ không nói rằng tôi viết “chernukha”, bởi đây không phải là bất cứ một thể loại nào của văn chương.

Văn học có thể là tốt hoặc xấu. Nếu trong văn học tốt là ngôn ngữ sống động, những thể hiện táo bạo, sự bẩn thỉu hiện đại, thì những cái này không làm cho nó xấu đi. Mà ngược lại - văn học ru ngủ, bịt mắt con người trước những vấn đề khác nhau, xuyên tạc sự thật - đối với tôi đó mới là “chernukha”.

* Vậy văn học có thể hiện được một nước Nga hiện tại? Trên các trang tiểu thuyết - không chỉ của ông - áp đảo là sự tàn bạo, thói hám danh lợi, buôn bán chạy theo lợi nhuận. Đó phải chăng chính là nước Nga hiện tại?

- Nước Nga là không thể đoán trước được. Chẳng ai có thể biết ngày mai sẽ ra sao, và thành thật mà nói thì tôi thích nước Nga chính vì lẽ đó. Nước Nga phát triển không tuyến tính mà theo một đường xoắn.

Có một câu ngạn ngữ như thế này: Lịch sử chỉ lặp lại lần thứ hai dưới hình thức một trò hề. Nhưng câu ngạn ngữ này không đúng với nước Nga. Ở đất nước chúng tôi, tất cả đều có thể lặp lại, và dưới mọi hình thức.

Tôi tin là chủ nghĩa chuyên chế có thể sẽ lặp lại, rằng mọi người sẽ đi theo hàng ngũ và làm những gì được ra lệnh. Đã có thể nhận thấy điều này trên báo chí và truyền hình. Tôi nói như vậy với tư cách một công dân.

* Sách của ông được biết đến rộng rãi ở phương Tây. Khi ông gặp gỡ với các độc giả nước ngoài, ông có cảm tưởng rằng họ quan tâm đến sách của ông bởi ông viết về chính nước Nga, hay còn vì ngày nay văn học đã trở nên hoàn toàn phổ quát?

- Tôi viết chủ yếu về nước Nga và những con người Nga và tôi cho rằng chính vì thế mà tôi trở nên hấp dẫn đối với phương Tây. Sách của tôi là cơ hội để độc giả nước ngoài thưởng thức một chút siêu hình Nga.

Mặc dù trong tiểu thuyết Băng - đây là tập đầu của bộ tiểu thuyết ba tập mà tôi chưa hoàn thành - tôi cố gắng chạm tới những vấn đề chung về con người, tổng kết xem loài người nằm ở điểm nào trên bước ngoặt từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI. Trong tập này đã xuất hiện không chỉ người Nga và không chỉ nước Nga.

* Ông có sợ rằng nếu tất cả sẽ đổ vào Nga như đang đổ hiện nay, thì mấy năm nữa có thể ông sẽ gặp khó khăn trong việc xuất bản sách của mình?

- Về lý thuyết mà nói thì điều đó là có thể. Song tôi thấy yên tâm vì mình không phải là người trẻ nhất. Tất cả những gì tôi đã viết đều đã được xuất bản, và với số lượng không nhỏ, tổng cộng phải đến nửa triệu bản. Tôi không muốn chúng tôi bị tụt lùi về quá khứ. Hơn nữa, sự quay lại sẽ có hại đối với công chúng cũng tương tự như đối với chính quyền.

Mặt khác, văn học biết tự thích nghi một cách tuyệt vời trong những giai đoạn khó khăn, nó chắc lại, trở nên cơ bản hơn, khai thác sức mạnh từ trong nền móng. Cho nên tôi không thoải mái gì khi tồn tại một khả năng như vậy, nhưng từ sâu thẳm bên trong, tôi không sợ điều đó.

* Ông có cho rằng ở những người Nga trẻ, không còn nỗi nhớ về Liên Xô, không còn khát vọng chinh phục?

- Cần phải có một khoảng thời gian dài nữa. Hai cô con gái sinh đôi của tôi năm nay đã 25 tuổi. Khi Liên Xô tan rã chúng 11 tuổi. Nhưng tôi cảm thấy thời ấy, không khí ngày ấy đã ngấm sâu vào chúng.

Theo Tiền Phong - Gazeta Wyborcza
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên