06/04/2005 12:02 GMT+7

Võ Phi Hùng và cơn Sống sót vỉa hè

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Đóng cửa viết văn suốt hai năm sau khi xuất bản được bốn tập đầu của bộ sách Sống sót vỉa hè rất được các bạn trẻ quan tâm, nhà văn Võ Phi Hùng vừa hoàn tất 37 tập sách tiếp theo của bộ truyện viết về cuộc sống nơi vỉa hè của các em thiếu nhi.

KHYxUPmP.jpgPhóng to
Bìa tập 4: Mất dấu ngựa hoang

* Bộ truyện Sống sót vỉa hè với nội dung nói về một thế giới thiếu nhi cơ cực trên hè phố Sài Gòn... Tại sao ông lại chọn đề tài này, vào bây giờ?

- Nhà văn Võ Phi Hùng: Bây giờ đời sống đã khá hơn rất nhiều, trẻ con được đáp ứng không thiếu thứ gì, nhưng tôi nghĩ văn chương cũng cần phải đánh động cho các em biết rằng hiện có một bộ phận các bạn đồng trang lứa với mình đang sống rất khốn khổ nơi vỉa hè, đầu đường xó chợ...

Tất nhiên, những tình tiết trong truyện thiên về nhân cảm, và khi những trái tim bạn đọc còn thổn thức, thì tôi tự tin nghĩ rằng nhà văn vẫn còn có thể “lấy được nước mắt người đọc”. Và tôi xác lập một góc nhìn của nhà văn ở chỗ: tường trình từ hiện thực cuộc sống ở vỉa hè, với một tâm thái không muốn, không ca ngợi, đừng nên ra vỉa hè. Bởi nếu ra vỉa hè thì thể nào cũng “dính thẹo” - sự trả giá mà bản thân nhà văn không bao giờ muốn ca ngợi.

* Ông có thể nói về nguồn cảm hứng vỉa hè - động lực chính để ông hình thành hơn 5.000 trang viết?

- Vỉa hè bao giờ cũng thế, có rất nhiều nguyên nhân để hình thành và tồn tại. Có người do đời sống kinh tế gia đình sa sút mà phải ra vỉa hè, có khi gặp lũ lụt ở quê rồi tứ tán lên thành phố, sống lay lắt..., rất nhiều trường hợp từ đó sa vào tội phạm. Vỉa hè không giáo dục trẻ em tốt hơn, nhưng thế giới vỉa hè vẫn ẩn chứa cái tốt.

Cùng với sự vô trách nhiệm của người lớn, và chiều hướng “có người, có phố, có vỉa hè, có trẻ em sống ở vỉa hè” sẽ là lý do để thế giới này tồn tại mãi, dù có lúc nào đó người ta nghĩ rằng có thể dọn dẹp hết cái thế giới vỉa hè này đi.

* Xin lỗi, nghe nói bản thân ông một thời cũng là cư dân của vỉa hè Sài Gòn?

- Vâng, bản thân tôi cũng xuất thân từ tầng lớp này nên tôi được cái nhạy cảm với những em bé vỉa hè. Thế giới vỉa hè xem việc “quả báo trước mắt” rất là quan trọng. Tinh thần này cứu vớt những tâm hồn có thể quay về thế giới của những người có cửa có nhà.

Bởi vậy, trong truyện của tôi có một nhân vật là bà già, chuyên nói ca dao cho bọn trẻ nghe: “Ngày xưa quả báo còn chầy/Ngày nay quả báo thì ngay nhỡn tiền”. Những câu ca dao như vậy nhắc nhở trẻ và làm nên một loại “đạo lý vỉa hè”.

c9zqh0NE.jpgPhóng to
Nhà văn Võ Phi Hùng
Võ Phi Hùng thành danh sau 1975 với các tác phẩm chính: Đời có tên tụi mình, Kẻ lang bạt trở về, Bất trắc, Trong cơn lốc, Bắt cóc, Đóng đinh vào khoảng không...

Tháng 7-2003, bốn tập đầu của bộ truyện dài Sống sót vỉa hè được phát hành gồm: Tứ hải giai huynh đệ, Chia tay, Tiểu San thủ lĩnh, Mất dấu ngựa hoang.

Từ ngày 11-4-2005, Sống sót vỉa hè sẽ trở lại với độc giả bắt đầu từ tập 1, phát hành hằng tuần.

Nhưng dù gì trẻ con vẫn là trẻ con, nên thế giới vỉa hè sinh động lắm, có cả một “sử gia của vỉa hè” là nhân vật Cà Nhõng, suốt ngày tỉ mẩn ngồi ghi chép những sự việc diễn ra của vỉa hè. Có con bé Liên bán chè đậu nhưng giống như nhà báo của vỉa hè vì cô bé này rất thạo tin, luôn loan truyền tin tức của giới vỉa hè để... thu hút khách đến ăn chè. Cảm hứng từ thế giới vỉa hè đối với tôi là rất thật. Ví dụ như con bé Liên, tôi đã gặp nó ở ngoài đời rồi.

* Viết về thế giới trẻ em ở vỉa hè, ông có xây dựng một cách hình dung về sự lớn lên của họ, và các em sẽ có mối liên hệ gì giữa thế giới trẻ thơ ở vỉa hè và những thế giới giang hồ người lớn?

- Các em ở vỉa hè có tuyến phát triển: hoặc là sẽ vươn lên trong môi trường đó để làm “trùm”; hoặc bị đẩy vào con đường hư hỏng, các em này cố thoát ra nhưng có nhiều khi thoát ra không được - đây là tuyến chính; và còn một tuyến nữa là các em thoát khỏi cảnh vỉa hè, nhưng dư chấn về vỉa hè đối với họ sâu sắc đến mức độ không quên.

Trong truyện của tôi có nhân vật thằng Ớn, trong mơ giữa đêm giao thừa nó nghe tiếng mạ gọi, những tâm hồn ấy luôn muốn thoát khỏi vỉa hè. Tất nhiên là trong thực tế có những mảnh đời rẽ về hướng sáng và những mảnh đời rẽ về hướng tối. Tôi có xây dựng một nhân vật Kha “bão biển” xứng đáng gọi là “ấu trùng của Năm Cam” với đầy đủ những hoạt động cũng ghê gớm giữa thế giới trẻ thơ mà không kém phần khốc liệt này.

Từ các tầng lớp trong thế giới của trẻ thơ, người đọc sẽ hình dung sự phát triển thành giang hồ ở Sài Gòn. Tất nhiên là tôi chỉ dừng lại ở độ tuổi trẻ thơ, và như đã nói, tâm thế cầm bút của tôi là không cổ xúy cho việc gia nhập cuộc sống vỉa hè.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên