14/08/2004 14:17 GMT+7

Ông Chương Bạc

Truyện kể của TÔ VĨNH HÀ
Truyện kể của TÔ VĨNH HÀ

TTCN - Ông Chương Bạc, truyện ngắn đầu tiên của Tô Vĩnh Hà trên TTCN, vẽ nên một chân dung sắc nét, một tính cách nông dân hóm hỉnh, tinh quái mà thâm thúy và đầy lòng bao dung

BTmSHMSI.jpgPhóng to
TTCN - Ông Chương Bạc, truyện ngắn đầu tiên của Tô Vĩnh Hà trên TTCN, vẽ nên một chân dung sắc nét, một tính cách nông dân hóm hỉnh, tinh quái mà thâm thúy và đầy lòng bao dung

Ông nội tôi sinh được sáu anh chị em chia đều thành hai nửa trai và gái. Bố tôi là em trai út, còn bác Chương là con đầu - có nghĩa bác Chương là tộc trưởng của dòng họ Hà Tiên Điền. Đối với tôi, Tiên Điền là cái tên vừa xót xa vừa đáng tự hào.

Được sinh ra trên mảnh đất đã từng ủ ấp, nuôi dưỡng nên thi hào lớn nhất của dân tộc, đó là điều thật may mắn; thế nhưng mỗi lần có ai đó nhướng mắt hỏi thêm: “Tiên Điền à... à”, tim tôi hình như đã đập chậm lại. Tất cả mọi người, không loại trừ một ai, đều coi tôi giống như kẻ “thấy người sang...” hoàn toàn không xứng đáng. Họ chẳng cần biết rằng ngày xưa một trong những tổ tiên của tôi đã góp không ít công sức để đỡ đần cho gia đình Nguyễn. Trong con mắt của người đời, họ Hà như những người khách trọ bất đắc dĩ ở Tiên Điền.

* * *

Bác Chương xuất hiện lần đầu tiên trong ký ức của tôi hình như vào lúc tôi quãng bảy, tám tuổi. Không biết tóc bác bạc từ hồi nào và ai là người đầu tiên gọi bác là ông Chương Bạc, nhưng chắc chắn đó là cái tên có dấu ấn thật sâu đậm của tình cảm và kiêu hãnh.

Đối với những nguyên tắc thông thường của cách ứng xử gàn khó ở Nghệ Tĩnh thì đó là một cách gọi xách mé ít được chấp nhận. Vậy mà tất cả chúng tôi, từ con đến cháu rồi kể cả người ngoài, đều gọi to cái tên ấy một cách tự nhiên.

Một điểm đặc biệt là khi nhắc đến cái tên đó bao giờ cũng có kèm theo vài câu chuyện vui và những giọng nói ấm, trầm hơn cả sự trìu mến. “Ông Chương Bạc đến tề (kìa)”. Cụm từ có tính cách thông báo ấy bao giờ cũng được diễn đạt giống như những tiếng reo. Lũ trẻ chúng tôi náo nức mỗi lần ông đến. Ông luôn có những câu chuyện đầy cuốn hút. Và nhất là bao giờ ông cũng cho quà: 5 xu hay 1, 2 hào (tiền cũ).

Tô Vĩnh Hà tên thật là Hà Văn Thịnh, sinh năm 1955 tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hiện là giảng viên khoa lịch sử Trường đại học Khoa học Huế.

Tác phẩm đã in: Em biết anh là ai, Tro và lửa lạnh (tiểu thuyết), cùng nhiều truyện ngắn (Hoàng hôn biển, Con cánh cam, Điểm bốn, Quyền được khóc, Một phần trăm của tình yêu,...).

Tóc ông Chương Bạc bạc và đẹp một cách khó tin. Ông càng cao tuổi, mái tóc càng phong trần và càng trở nên thích nhìn hơn. Khi ông đến và nở nụ cười đằm sáng từ ngoài ngõ, tôi có cảm giác không phải ông đi mà mây đang trôi. Lúc ông nói chuyện thì gương mặt vừa tinh quái vừa hóm hỉnh của ông là vầng mặt trời rạng rỡ đầy tự tin và kiêu hãnh trước con cháu. Vầng mặt trời lấp ló, ẩn hiện trong và dưới một tầng mây bạc bao giờ cũng cho tôi cảm giác sáng rỡ, lung linh của sự thúc giục, đòi hỏi, khát khao...

Tất nhiên đó chỉ là cảm giác và cảm nhận sau này, khi tôi đã lớn khôn. Hồi ấy ông đến và không ngừng kể chuyện. Biết bao là chuyện về cách ông ứng xử để tồn tại với đời. Tôi đòi: “Bác kể cho bọn cháu nghe về chuyện xin nghỉ ốm ở Nhà máy xe lửa Trường Thi”.

Bố tôi đã kể cho tôi nghe chuyện này nhưng tôi cứ muốn nghe chính ông Chương Bạc kể. “Cha Nhượng (tức bố tôi) dốt lắm. Làm mệt - mười tiếng một ngày, muốn nghỉ mà không biết cách xin. Tau nói chú đi theo tau, tau làm thử cho chú coi”. “Bác làm răng bác?” - bọn tôi thi nhau kêu gào, thúc hối.

Ông Chương Bạc đủng đỉnh: “Có chi để uống cho mát mát không bây? Tau khô cổ quá”. Thế là mấy anh em tôi vùng đứng lên. Cái Liên thì rót nước, thằng cu Minh chạy đi lấy cam, còn tôi thì chạy ra vớ chiếc khăn nhúng nước đưa cho ông.

Ông Chương Bạc thong thả lau mặt, chầm chậm bóc cam ăn, và uống như nhấm nháp từng ngụm nước rồi mới tiếp tục bằng giọng đều đều, chậm nhất có thể. Ông nói: “Đó nhé, tau lừa thằng Tây cũng giống như lừa bọn bây vừa rồi. Tau chọn đúng lúc thích hợp mới dàn trò. Tau biết thằng Tây đầu giờ sáng thứ hai mô cũng bận túi bụi. Hắn vừa mở cửa được khoảng phút mốt là tau xông vô liền”. Bọn tôi cười như nắc nẻ. Khoái quá. Sướng quá. Ông Chương Bạc sao thật giống Võ Tòng lúc chuẩn bị đả hổ!

Tôi băn khoăn: “Phút mốt lâu không bác?”. Ông Chương Bạc ngớ ra một lúc rồi cười... giống như lũ tôi: “Thì phút mốt là... ngay lập tức! - ông giả đò quắc mắt - Đừng hỏi lung tung, để tau kể tiếp. Rứa là tau nhai một cục xôi to trong mồm, đẩy sang một bên má, cầm một cái khăn thật hôi và bẩn. Tay ôm khăn. Khăn ôm má. Má ôm cục xôi. Cục xôi “ôm”... lấy giọng rên khừ khừ, đi lảo đảo...”. Nói đến đây ông đứng dậy làm động tác còn giống hơn cả thật. “Tau rên: quai bị - ô ray giồng - ồ ráy ông cò - thấy - không? Mắt tau khi nớ trợn ngược, nước mũi, nước mép ròng ròng. Thằng chủ Tây thất kinh: Quai bí... Cái bì. Ô là là. Orayllons! Terrible!”(*).

Bọn tôi tranh nhau hỏi: “Vì răng bác chảy nước miếng được? Vì răng thằng Tây sợ quai bị gớm rứa? Ông Chương Bạc cười hề hề: “Tau nhai xôi với trầu. Còn bệnh quai bị, nếu thằng Tây mà mắc thì không có con. Tau biết Tây sợ nhất là bệnh quai bị”.

Mãi sau này tôi mới dần hiểu rõ những gì ông Chương Bạc kể. Lúc đó chúng tôi chỉ biết nôn nóng hỏi: “Rứa bố cháu sau đó có xin nghỉ được hay không?” Ông cười chua chát: “Bố tụi bay làm theo tau rồi bị thằng Tây chửi túi bụi. Khôn ngoan trong đời khó lắm các con ơi”. Câu chuyện vui của chúng tôi kết thúc bằng nét gợn xa xăm của nỗi buồn. Có lẽ giống với cách cười của ông Chương Bạc - hình như bao giờ cũng thấp thoáng những ánh buồn?

Lớn lên, cứ đến ngày giỗ hay tết, bốn anh em chúng tôi lại dắt díu nhau lên nhà ông Chương Bạc (sau này anh tôi đi bộ đội thì chỉ còn có ba). Chúng tôi thường đến sớm. Hầu như lần nào cũng thấy cảnh ông và bà bác chìm nửa người dưới hồ rau muống, bận bịu với việc ngắt hái và bó rau để đem bán.

Ông cười để chào mấy anh em tôi rồi lại cắm cúi tiếp tục công việc. Sau này, khi đã thật xa rồi tôi mới biết thương ông. Ngày ngày lặng lẽ với ngày ngày, hai ông bà cứ thế nuôi các anh chị tôi khôn lớn và trưởng thành. Vậy mà vẫn đủ thời gian để sắp xếp chuyện dòng tộc, họ hàng; vẫn cúng quảy tươm tất từ những cọng rau và bằng những giọt máu vì đỉa cắn, bằng những giọt mồ hôi cứ thi nhau rơi xuống, mong mỏi cho xanh đầy ao muống.

Đó là những ngày khốc liệt của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ. Thành phố Vinh quê hương thứ hai của tôi bị bom đạn Mỹ cày xéo đến không còn nguyên vẹn một ngôi nhà. Thành phố đỏ rực cả ngày lẫn đêm vì bom, vì đạn súng phòng không, vì ánh đèn pháo sáng... Ăn giỗ ở nhà ông Chương Bạc có nghĩa là chúng tôi có thêm một lần được ăn thịt đến no. Những năm chiến tranh ấy, một năm chúng tôi chỉ có dịp hưởng điều tương tự dăm ba lần. Tôi ăn vội vàng đến nỗi mắc nghẹn mà không hiểu rằng để có chừng đó thức ăn, ông bà bác của tôi đã phải cặm cụi hái rau suốt nhiều ngày trời!

Hôm được tin tôi trúng tuyển vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông Chương Bạc đem đến một cái vali bằng da bò - loại đắt nhất ở chợ Vinh. “Quà bác cho cháu để mong cháu học giỏi”. Ông nói rồi cười sang sảng nhưng ông không nhìn tôi mà nhìn vào tường nhà. Tôi thấy mí mắt ông chớp liên hồi hay tại mí mắt tôi cay và đang chớp thay ông?

Để làm dịu nỗi xúc động đang chực trào lên trong ánh mắt, tôi hỏi: “Vì răng cháu thấy bác khi mô cũng có thể cười? Cháu biết để có cái vali, bác phải hái rau ít nhất một tháng trời”. Ông nhìn tôi đăm đăm và đó là một trong vài lần hiếm hoi tôi thấy ông không cười: “Tau sống nổi là vì tau luôn biết cách để cười. Cháu thấy không, tóc tau thì cứ bạc nhưng mồm tau thì cứ cười”. “Cháu cảm ơn bác nhiều lắm”. Tôi lí nhí. Ông Chương Bạc vỗ vai tôi: “Sau ni trường đại học sẽ bày cho cháu cách cảm ơn hay hơn”.

Có một lần vào dịp nghỉ hè, tôi hỏi ông điều tôi băn khoăn suốt bao tháng năm: “Tại sao nói đến chữ “bạc”, “phận bạc” không một ai thích, vậy mà bác không hề phiền lòng khi ai cũng gọi bác là ông Chương Bạc?”. Ông cười rồi trả lời: “Cuộc đời bèo bạc lắm. Nhưng bác nghĩ chưa bao giờ bác buồn là bác đã đối xử với đời giống như mái tóc của bác. Tóc bạc nhưng tấm lòng không bạc là được rồi. Tóc bác đã bạc sớm, bạc nhanh bởi cuộc đời - ông Chương Bạc nói như reo lên - cái chữ bạc trong tiếng Việt hay lắm mi ơi. Bạc tóc khác hẳn với bạc tình. Bạc nghĩa là đêm mà bạc đầu là ngày. Cháu có thấy hầu hết những người tóc bạc sớm, khi mô cũng khó hiểu với đời thường? - ông Chương Bạc trở lại với giọng thường nói - Tau chưa được giống rứa nhưng có lẽ gần như rứa”.

Ra trường năm 1978, có mấy tháng về quê để chờ công tác, tôi thường xuyên gặp ông. Hằng ngày ông và bố tôi dù đã trên 60 vẫn đi làm thuê để kiếm sống. Nhìn ông và cha tôi trong bộ quần áo lao động vá víu, đầy vết bẩn, tôi vừa xót xa vừa thẹn với bạn bè. Tôi giở giọng sinh viên để trêu ông bằng câu hỏi: “Bác kể chuyện vui gì đi!”. Ông Chương Bạc ngồi bệt xuống thềm nhà vừa rít thuốc lào vừa nói: “Bữa qua, đến trưa hai anh em tau ở lại, không về nhà. Bọn tau lợp nhà cho cửa hàng ăn uống nên vô đó ăn trưa luôn.

Vừa bước vô, mấy người khách liền xua tay rối rít: “Không có chi để cho đâu hai ông ơi”. Mấy người đó nghĩ anh em tau là hai thằng ăn xin. Mi biết tau trả lời răng không?”. Tôi đon đả ra chừng ta đây thông thái lắm: “Bác quát cho tụi đó một trận!”. Ông Chương Bạc trầm ngâm: “Tau nói: nhìn hai anh em tau giống ăn xin ri nhưng con cháu bọn tau đứa mô cũng học hành đàng hoàng. Một bầy đại học. Vài chục đứa đại học”. Tôi ngỡ ngàng rồi hỏi bằng một nửa câu ngốc nhất trong đời: “Sau đó thì răng bác?”. Ông Chương Bạc cười ha hả một thôi dài. Ông cười chảy cả nước mắt. Hồi lâu ông mới nói: “Có một thằng ấp úng giống như mi rứa đó”.

Có lẽ cho đến tận bây giờ, khi ông đã vĩnh viễn rời xa thế giới này, tôi cũng không bao giờ hiểu hết con người ông. Và chắc chắn rằng tôi chẳng thể biết rõ tôi có hình dạng như thế nào trong đôi mắt đời tinh quái mà thâm thúy vô cùng của ông.

* * *

Tết năm Mùi vừa rồi tôi về quê ăn tết. Ông Chương Bạc kéo tôi vào phòng riêng nói chuyện. Ông vừa bước qua tuổi 90. Bước chân già yếu của ông dường như không hề run rẩy một tẹo nào khi ông đi như kéo tôi vào phòng. Tôi nhắc ông: “Bác đừng khuyên cháu nhiều quá kẻo cháu ăn tết không ngon”.

Trái với lệ thường, lần này ông Chương Bạc không hề cười. Ông nói bằng một giọng thật mệt mỏi: “Bác yếu lắm rồi. Bác cảm thấy gần lắm rồi. Một năm cháu mới về một lần. Biết đến khi mô bác mới được gặp cháu. Cháu hãy cố gắng hơn một chút. Đời cháu còn dài...”.

Tôi hơi phật lòng vì tôi nghĩ mồng một tết không phải là lúc thích hợp để nói những câu chuyện buồn. Giống như hồi ấu thơ, tôi giở giọng nhõng nhẹo: “Bác kể một câu chuyện vui đi”. Ông Chương Bạc cười - cố thật to với giọng khàn khàn, yếu ớt: “Bữa qua tau đi ăn bánh ngào (bánh bột nếp nấu với mật mía) rồi cắn phải một hột sạn. Tau kêu o bán hàng đến, lấy thìa vớt hột sạn vừa rơi xuống đọi (bát), rồi quát: “Bánh ngào mà sạn to ri à?”. Cháu biết sạn chi không? Thì ra đó là cái răng của tau!”.

Tôi cười mà không thể cười nổi. Tôi là một hạt sạn của dòng họ hay ông cũng có một hạt sạn của chính mình trong đời? Ông Chương Bạc nhìn lướt qua tôi. Đó là ánh nhìn nhanh nhưng thật sâu, thật nhức buốt và thật nhiều quá những nỗi niềm. Ông nói như thì thầm: “Ít bữa nữa tau đi rồi, mi không phải nghe tau nhắc nữa. Tại răng mi uống rượu nhiều rứa?”. Tôi cúi đầu: “Cháu buồn”. “Tại răng lại buồn? Làm thằng đàn ông phải biết “cười ra nước mắt”.

Nước mắt dễ chảy nhưng cuộc đời cũng không khó sống lắm nếu biết cách cười”. Tôi lảng chuyện: “Cháu nghe nói bác muốn về bên đó (quê gốc - Tiên Điền). Tại sao bác cứ thích nghỉ ở quê xa quá. Mỗi năm bọn cháu chỉ có thể đến một lần”.

Ông cười: “Tau không về bên nớ thì bọn bây chẳng khi mô về quê. Tau thích được nằm cùng chỗ với ông bà. Tau nghĩ vài năm bây đến một lần đã tốt lắm rồi. Thôi - ông khó nhọc vịn tay vào thành ghế để cố đứng dậy - Mi không thích nghe tau không nói nữa. Nhưng tau nghĩ mi hiểu”. Vừa nói ông vừa rút túi ra mấy tờ giấy bạc 50.000 đồng đưa cho tôi: “Mi lên đánh bài với các anh - ông chỉ tay lên tầng trên - Tại răng năm mô mi cũng thua mà năm mô mi cũng đánh?”. Đến lượt tôi cười: “Cháu thích vui và thích hiểu đời. Tiền mô bác cho cháu?”.

Tôi hỏi theo thói quen chứ thật ra tôi biết rõ, đối với hàng chục con cháu trong nhà, đứa nào ở xa về cũng được ông cho tiền hay cho quà. Lẽ ra phải là ngược lại. Các anh chị tôi gửi tiền về cho ông, ông để dành rồi cho những đứa khác. Ông chăm lo không sót một điều gì, không sót một ai - dù là bên nội hay bên ngoại. Tôi nghe bố tôi kể lại, 90 tuổi mà thỉnh thoảng ông Chương Bạc vẫn rảo khắp một vòng để coi em, coi con, coi cháu. Chú Minh, em tôi, nói: “Ông là người cầm lái vĩ đại, là trung tâm đoàn kết dòng tộc”. Nghe được, ông Chương Bạc nhận xét: “Hắn nói rứa không đúng. Vài bữa nữa tau chết, chẳng lẽ dòng họ ta tan à? Tau muốn bây phải nhớ rằng thương yêu nhau là điều khó nhưng có lẽ cần có trong đời”.

Ông Chương Bạc ơi! Tết này con về, con sẽ không còn được bác cho tiền để chơi bài cùng với các anh. Bác đã đi xa. Thế nhưng trong những gì con có thể lờ mờ hiểu từ những tháng năm rồi, dấu ấn mà bác để lại là những nỗi niềm sẽ đi cùng con suốt cả cuộc đời...

Truyện kể của TÔ VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên