17/02/2004 06:03 GMT+7

Truyện thiếu nhi Việt: trống vắng!

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - "Một đất nước 80 triệu dân mà trong một năm chỉ có vài trăm đầu sách truyện cho thiếu nhi thì tệ quá!". Lời nói của một cán bộ biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho thấy hiện nay các loại truyện cho thiếu nhi đang rất thiếu. Vì sao?

OI149fdk.jpgPhóng to
Phòng đọc tại các nhà sách - một kênh đưa sách đến với thiếu nhi - Ảnh: L.Đ.
TT - "Một đất nước 80 triệu dân mà trong một năm chỉ có vài trăm đầu sách truyện cho thiếu nhi thì tệ quá!". Lời nói của một cán bộ biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho thấy hiện nay các loại truyện cho thiếu nhi đang rất thiếu. Vì sao?

Mật độ nhà văn

"Suốt những năm gần đây, ta cứ nhìn những nhà văn ở cả nước, hay chẳng cần đâu xa, nội TP.HCM thôi có cây bút nào chuyên viết cho thiếu nhi mới xuất hiện nữa không? Hay chỉ quanh đi quẩn lại cũng những Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh, Kim Hài, Lưu Thị Lương...”. Nhà thơ Cao Xuân Sơn - biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng - thẳng thắn nhận định. Mà quả có thế thật.

Có một điều không nói ra thì ai cũng biết, đó là nhuận bút truyện thiếu nhi thường không cao. Nó chẳng thể "vỗ yên" phần nào cho tác giả viết truyện. Và những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi cứ bị xem như lép vế so với các nhà văn khác.

Nếu "điểm mặt chỉ tên" các nhà văn viết cho thiếu nhi thì hiếm đều trên cả nước. Cứ hai năm một lần, NXB Trẻ có cuộc vận động sáng tác "Văn học thiếu nhi - Vì tương lai đất nước" và NXB Kim Đồng có cuộc vận động sáng tác truyện, truyện tranh, thơ... cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, mọi người cũng chia sẻ với sự hình dung của ông Bùi Văn Anh - trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM: "Qua mỗi cuộc thi, chúng ta đều thấy những cây bút đoạt giải có nhiều hứa hẹn. Họ có tiềm năng, nhưng vấn đề là họ có viết tiếp nữa hay không?

Điều đó mới quan trọng, mới có thể tạo nên một cây bút chuyên viết cho thiếu nhi". Thực tế đã cho thấy cái sự "viết tiếp" là rất ít.

Hai nhà văn Lưu Thị Lương, Kim Hài và nhà thơ Thanh Nguyên đều thống nhất ý kiến rằng hiện nay việc tiếp nhận tác phẩm văn học của các em thiếu nhi rất khó khăn. Khó khăn vì các em đang ở trong thế giới thông tin, rất nhiều phương tiện giải trí chi phối, cộng với giờ học trên lớp dày đặc làm cho quĩ thời gian của các em không còn nữa. Nhưng, điều quan trọng nữa ở khâu này là các em thiếu nhi không được giáo dục tốt để có được một tình yêu văn chương thật sự.

"Trong trường, những tiết dạy văn bây giờ khiến cho trẻ con đâm sợ văn chương chữ nghĩa. Có đọc chăng cũng chỉ là tìm các sách giải trí. Và, chuyện các ông bố bà mẹ dẫn con đi mua truyện hay chọn sách cho con đọc đang ngày càng hiếm dần" - các nhà văn bức xúc.

Trong khi đó, nhà văn Lưu Thị Lương lưu ý: "Viết cho thiếu nhi khó lắm. Người viết phải có tâm hồn như thế nào mới có thể viết cho thiếu nhi được". Trong quan niệm này, nhà văn Lưu Thị Lương cho rằng "nếu các nhà văn chỉ tả lại tuổi thơ của mình thì thế hệ các em hiện nay không thèm đọc nữa".

Cơ hội xuất hiện

Nhà văn Lưu Thị Lương quan niệm ngắn gọn: "Nhà văn thì chỉ cần tài năng và cơ hội". Và trong khoản cơ hội này, những người viết cho thiếu nhi cũng đang lép vế. Tất cả những sáng tác mới đều trông mong vào sự xuất hiện trên báo.

Và TP.HCM là nơi đang có cụm báo thiếu nhi: Khăn Quàng Đỏ, Rùa Vàng, Nhi Đồng... thường xuyên đăng tải các sáng tác mới cho thiếu nhi. Còn lại, các tờ báo văn học "người lớn" khác đều đang trong tình trạng sống dở. Tờ báo Văn Nghệ TP.HCM trước kia phát hành mỗi tuần một kỳ, nay tụt xuống hai tuần, số bản in ít đến mức không ai nỡ công bố.

Hội Nhà văn TP.HCM có tạp chí Văn, lúc trước ra hằng tháng, nay hai tháng mới ra được một số với số lượng phát hành khiêm tốn khó có thể tưởng tượng. Trong hai tờ này, chỉ có tạp chí Văn là đang thực hiện trang văn học thiếu nhi.

Ngay cả trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN trước đây có duy trì trang văn thơ thiếu nhi xuất hiện "xuân thu nhị kỳ" vào dịp tết và trung thu, thì đến năm ngoái cũng không duy trì được nữa. "Đấy, viết cho thiếu nhi thì như thế, hỏi ai hào hứng?" - nhà thơ Cao Xuân Sơn băn khoăn.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên