03/07/2017 07:11 GMT+7

Phim Sống chung với mẹ chồng kết thúc vẫn gây tranh cãi

HÀ AN
HÀ AN

TTO - Bộ phim được xem là có sức nóng ngoài sự tưởng tượng trên sóng VTV1 đã kết thúc với hai tập kết được quay bổ sung trước khi phát sóng ít ngày, nhưng nhiều ý kiến cho đó là hai tập rời rạc, gượng ép, không kết dính với những tập trước...

Một cảnh trong Sống chung với mẹ chồng
Một cảnh trong Sống chung với mẹ chồng

“Mình thấy thật lạ, báo chí nói về con dâu như thể cô ấy đã chịu biết bao bất hạnh để rồi cuối cùng đã đến được với hạnh phúc? 

Như những gì bộ phim đã thể hiện thì bà mẹ chồng là sự tập hợp khập khiễng những điều tồi tệ nhất về mẹ chồng, con dâu là sự tập hợp những điều tồi tệ nhất về con dâu, những câu chuyện của những cô bạn của Vân ở tòa soạn là sự tập hợp thói ngồi lê đôi mách của những cô nàng công sở.

Và một sự thực là khi những chuyện ngồi lê đôi mách ấy, và những ngôn từ và hành động không thể chấp nhận được của cả mẹ chồng và nàng dâu không thể tiếp tục kéo dài hơn nữa, thì tập kết của bộ phim với những giọt nước mắt xót xa, những lời nhận lỗi... đã  khiến cho người xem có cảm giác nó chẳng ăn nhập, chẳng kết nối với những phần trước của bộ phim...

Một khán giả viết trên facebook ngay sau khi tập kết Sống chung với mẹ chồng phát sóng.

Cũng khán giả này viết “Người ta hay quan niệm rằng, một bộ phim được khen hay được chê đều chứng tỏ sức hút của nó.

Và báo chí, truyền hình những ngày này đăng tải rất nhiều thông tin về bộ phim. Mình tự nhận là người xem khó tính và mình thực sự ngạc nhiên tại sao báo chí lại nói về bộ phim này như thể bộ phim là một minh chứng cho sức hút của phim Việt?”

Không phủ nhận sức hút

Trở lại câu chuyện Sống chung với mẹ chồng không ngừng nóng trên các trang mạng trong suốt thời gian phát sóng bộ phim. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau về bộ phim, đáng nói những ý kiến 'phang' nhau chan chát đều là của những người trẻ, những người đang “sống chung với mẹ chồng”.

Đề tài “mẹ chồng, nàng dâu” vốn là từ khóa được nhiều sự tìm kiếm trên mạng, bởi thế mà bộ phim chưa cần phát sóng đã được nhiều điểm cộng cho việc chọn đề tài. Hai luồng ý kiến trái  ngược nhau càng làm cho bộ phim “hot” hơn.

Nhiều người cho rằng “phim phản ánh không hề phóng đại vì ngoài đời mẹ chồng còn ghê răng gấp năm, mười lần như thế".

Nhưng cũng khá nhiều ý kiến khác phản đối vì sự phản cảm, thiếu nhân văn, vì bộ phim vô hình chung cổ súy cho cách nghĩ, cách sống xấu xí.

Nghệ sĩ Lan Hương trong Sống chung với mẹ chồng
Nghệ sĩ Lan Hương trong Sống chung với mẹ chồng

Đầu duyên đuôi khiên cưỡng?!

Đối với phim Sống chung với mẹ chồng, điều chính yếu khiến nhiều khán giả không thấy thích, là sự không thuyết phục.

Công bằng mà nói, không phải do công nghệ quảng cáo mà cách lựa chọn đề tài đã khiến những tập đầu của phim có sức hút hiếm có so với mặt bằng chung của phim Việt.

Những tập đầu, tuy “mẹ chồng” cũng có những hành động, phát ngôn “kinh dị” nhưng câu chuyện vẫn mang lại một cái duyên nhờ tình tiết đời thường được kể bằng sự hài hước, nhẹ nhàng.

Tách bạch từng hành động, tình huống thì người xem có thể thấy vô lý nhưng đặt trong một chỉnh thể, nó chấp nhận được.

Ít nhất nó cho người xem nhìn thấy rằng trong cuộc sống, nếu “mẹ chồng” hay “con dâu” biết điều chỉnh một chút thôi, biết lắng nghe một chút thôi, biết vị tha một chút thôi thì quan hệ của họ sẽ dễ chịu.

Nhưng không có “một chút” ấy thì quan hệ của họ trở nên xô lệch, căng thẳng. Chính cái “một chút” ấy đã cho những tập đầu của phim một ý nghĩa nhân văn, ẩn chứa đằng sau những xung đột, những cái “xấu xí” được bày ra.

Nhưng càng về sau bộ phim càng không giữ được cái duyên ban đầu nữa. Nhiều tình tiết khiên cưỡng, gượng gạo. Chính sự “gượng gạo” này là điều làm khán giả phát chán, hoặc phản ứng.

Vì gượng gạo, thiếu sự thuyết phục mà những hành động của mẹ chồng, nàng dâu bắt đầu bị lên án trên một số diễn  đàn của mạng xã hội. Sự gượng gạo, mất duyên đó  cũng khiến cho nhiều chiêu quảng cáo về bộ phim của nhà đài trở nên lố bịch.

Đỉnh điểm của sự lố bịch là màn “người phán xử đứng ra phán quyết chuyện mẹ chồng, nàng dâu”.

Khá nhiều khán giả màn ảnh nhỏ đã kinh ngạc khi nhìn thấy trên sóng VTV một đoạn phim nghệ sĩ Hoàng Dũng (ông trùm trong phim Người phán xử, chất vấn diễn viên Lan Hương ( mẹ chồng) và diễn viên Bảo Thanh (con dâu).

Trong “phiên bản hỗn độn” này bà Phương và Vân (trong phim Sống chung với mẹ chồng) tiếp tục đấu khẩu, thậm chí có những lời phản cảm, đi ngược với truyền thống.

Trong đó gây sốc  nhất cho khán giả là đoạn bà Phương hỏi con dâu “Không chịu nổi thì chị định làm gì tôi, định đánh tôi chắc”. Cô con dâu phản pháo “Mẹ không phải thách”….

Nhưng nỗ lực của các chiêu quảng cáo không cứu vớt được cái duyên ban đầu của bộ phim. Vì sức hút nội lực của bộ phim đã không còn.

Thông điệp nhân văn bất thành?

Việc VFC (đơn vị sản xuất phim) quyết định quay thêm hai tập cuối cũng là điều “chưa từng có trong lịch sử” của đơn vị sản xuất phim từng có thương hiệu này. Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng cơ bản các nhà làm phim muốn đưa đến một thông điệp nhân văn.

Nhưng như đã nói ở trên, sự nhân văn có được tiếp nhận hay không lệ thuộc vào cách giải quyết vấn đề trong phim có thuyết phục hay không. Câu trả lời ở đây là không thuyết phục.

Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu bị đẩy đến đỉnh điểm nảy sinh sự đổ vỡ, đau đớn cho những người trong cuộc mà chỉ được hóa giải bằng một lời xin lỗi nhẹ hều.

Cũng bởi thế mà hành động Vân đến nhà tặng quà sinh nhật cho bà Phương bị coi là giả tạo, 'điêu trác'.

Đáng nói ở đây và sự thiếu nhất quán của chính các nhà làm phim. Khi câu chuyện mở ra, khán giả thấy mẹ chồng cũng có điểm tốt, điểm xấu.

Con dâu cũng có cái hay, cái dở. Nhưng kết phim, người ta thấy rõ mẹ chồng  là người có lỗi còn cô con dâu chịu thiệt thòi, là người đáng thương, là nạn nhân của bi kịch.

Sống chung với mẹ chồng
Sống chung với mẹ chồng

Một khán giả viết trên facebook “Dường như đoàn làm phim đã quên, hoặc không nghĩ được là nếu bà Phương ghê gớm 10 phần thì Vân cũng ghê gớm 7-8 phần,  không hề kém cạnh.

Chưa bao giờ mình nghĩ cô con dâu này là một người phải chịu thiệt thòi.. Và đó là lý do mình thấy tập kết của bộ phim nhạt, không thuyết phục.

Suốt chiều dài của bộ phim, chỉ có ánh mắt bần thần, tủi thân và trĩu nặng yêu thương mộc mạc của bà mẹ chồng Trang - người mẹ chồng thôn quê - khiến mình ám ảnh nhất. Và với mình, đó mới là nhân vật diễn xuất tốt nhất, và có tính cách nhất quán nhất trong phim.”

Bài toán doanh thu và chất lượng nghệ thuật

Cuối cùng, bàn về chuyện thành công của phim. Bộ phim gây chú ý của dư luận, có doanh thu tốt về quảng cáo, có rating cao…

Điều đó có thể xem là thành công. Nhưng chỉ mong các nhà làm phim đừng ngộ nhận sự thành công này với chất lượng nghệ thuật của bộ phim. Nhất là VFC, nơi từng được xem là địa chỉ của những bộ phim có “thương hiệu”.

Đám đông có thể quan tâm tới bộ phim vì tò mò. Nhưng nhà làm phim - những nghệ sĩ làm công việc sáng tạo thì cần tỉnh táo để biết đâu là vàng thật còn đâu chỉ là mĩ kí.

Vì trách nhiệm của người nghệ sĩ không phải chạy theo thị hiếu đám đông mà cần định hướng thị hiếu, nâng thị hiếu cho khán giả, hướng họ đến một sự thưởng thức thực sự có nghệ thuật.

 

HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên