06/04/2013 08:54 GMT+7

NSND Huỳnh Nga: Nhả hết tơ cho trọn kiếp tằm

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Tối 4-4 tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình NSND Huỳnh Nga - Phong trần theo nghiệp tổ. Chương trình tôn vinh NSND Huỳnh Nga - vị đạo diễn của rất nhiều vở cải lương đã trở thành kinh điển như Ðời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Muôn dặm vì chồng...

oqhtOth2.jpgPhóng to
NSND Huỳnh Nga xúc động nói lời tri ân khán giả trong đêm 4-4 - Ảnh: T.T.D.

Vừa trải qua một cuộc phẫu thuật cam go nên sức khỏe của NSND Huỳnh Nga rất yếu. Tuy vậy, trong buổi sáng tổng dợt chương trình và tối 4-4, ông vẫn yêu cầu người thân đưa đến nhà hát thật sớm để có cơ hội trò chuyện với nghệ sĩ.<?xml:namespace prefix = o />

Người đạo diễn của trăm vở cải lương

Nói về chủ đề của đêm diễn, ông Lê Duy Hạnh - chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho rằng dùng chữ "phong trần" để nói về NSND Huỳnh Nga là rất đúng. Ông chịu thương chịu khó hỗ trợ không chỉ những đơn vị nghệ thuật lớn mà còn lặn lội đến cả những đơn vị khó khăn ở các tỉnh. Ở đâu ông cũng tạo được niềm tin, khi giao lưu với quốc tế (cụ thể là chuyến lưu diễn châu Âu với vở Ðời cô Lựu của đoàn 2-84), ông cũng làm việc hết sức đàng hoàng và tạo được tiếng vang lớn. Ðạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: "Ngoài đời trông ông phong trần, phong sương nhưng tác phẩm của ông trên sân khấu thì khác hẳn, hoàn toàn chỉn chu và có nhiều điều suy gẫm".

Huỳnh Nga trong cuộc sống đời thường là một ông già gầy gò, râu tóc bạc phơ. Có cơ hội vài lần phỏng vấn ông, chưa bao giờ điểm gặp là một nơi sang trọng. Thường là kéo ghế nhựa ngồi gần rạp Hưng Ðạo hay quán cóc lề đường đầu hẻm nhà ông ở đường Trần Hưng Ðạo. Cuộc trò chuyện với đạo diễn Huỳnh Nga thường bị ngắt quãng bởi thỉnh thoảng ông lại xoay lưng nói vài câu bâng quơ với anh nhân viên hậu đài, chị bán hàng nước hay chú xe ôm đang uống trà đá gần đó. Những mẩu chuyện vụn vặt như rơi rớt bên vệ đường vậy mà trở nên sinh động, đắt giá khi ông nhẹ nhàng đẩy vào từng vở diễn.

Dù từng làm lãnh đạo Ðoàn kịch nói Hà Nội và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng khi về Nam công tác, ông vẫn luôn từ tốn, bình dị. Ông nói chuyện nhỏ và chậm rãi, nhỏ tới mức người trò chuyện phải thật tập trung và có lúc phải... căng tai mới nghe hết được. Mỗi lời nói ra là một sự trải nghiệm, lâu lâu lại chêm vào một câu chuyện hóm hỉnh, thâm thúy dù nét mặt vẫn... tỉnh rụi như không.

Bởi vậy, đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng đã nhận xét: "Nhiều vở diễn của NSND Huỳnh Nga có nét hóm hỉnh và rất có duyên, cái duyên đó là từ trong tính cách của ông. Hài mà đưa vào cải lương cho đúng mực, hấp dẫn là không phải dễ nhưng đạo diễn Huỳnh Nga làm được điều đó!".

Vốn được đào tạo bài bản về kịch và nghiệp vụ đạo diễn ở nước ngoài, nhưng trong một lần được đề nghị chuốt lại vở Gánh cỏ sông Hàn, Huỳnh Nga bén duyên cải lương. Vậy là từ đó tên tuổi ông gắn bó với cả trăm vở cải lương, trong đó có rất nhiều vở tạo được tiếng vang và không ít người đã quên ông là "dân kịch nói".

Biết ơn khán giả

Thời gian sau này do sức khỏe yếu nên NSND Huỳnh Nga ít dựng vở. Nhưng có những hội diễn tổ chức ở TP.HCM người ta vẫn hay bắt gặp ông già gầy gò lặng lẽ đến xem từng vở. Khi khỏe ông vẫn xuất hiện ở vị trí giám khảo cho các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, giải Trần Hữu Trang với những nhận xét xác đáng, bổ ích cho các bạn trẻ. Rất nhiều vở diễn mà ông dàn dựng giờ đã trở thành khuôn mẫu cho thế hệ nghệ sĩ trẻ học tập và sáng tạo.

Trong đêm diễn 4-4, các nghệ sĩ phải dìu ông lên sân khấu, cũng vẫn giọng chậm rãi, ông nói: "Tôi vô cùng sung sướng, vô cùng xúc động với đêm diễn mọi người dành cho tôi...", rồi ông nhờ nghệ sĩ Bạch Long và Hoài Linh đứng cạnh: "Nhờ hai thằng con đỡ tôi cúi đầu thật sâu để tôi cảm ơn khán giả!". Những cái cúi đầu liên tiếp và đôi mắt nhòe nước của ông đã làm không khí khán phòng chùng hẳn. Ðời nghệ sĩ, người mà họ biết ơn, trân trọng nhất không ai khác ngoài khán giả!

Ðêm diễn này có thể xem là tấm lòng của anh em nghệ sĩ đối với vị đạo diễn đáng kính đã ngoài 80 tuổi. Lần lượt những trích đoạn cải lương ghi dấu ấn trong sự nghiệp của ông như Ðời cô Lựu, Muôn dặm vì chồng, Tấm Cám, Tìm lại cuộc đời... đã được thể hiện. Có tiết mục gây ấn tượng mạnh, có tiết mục chưa nhưng cái cách mà NSND Ngọc Giàu thể hiện bài Tâm sự Bảy cán vá (sáng tác: NSND Viễn Châu) và tỉ tê trò chuyện cùng ông đã khiến khán giả lắng đọng cùng tâm tình nghệ sĩ. Bà bùi ngùi nói: "Anh em người còn, người mất. Ai rồi cũng phải già, phải chết. Ðêm nay đứng đây, ngày mai không biết sẽ ra sao. Thôi thì còn chút gì hãy trải lòng cho nhau về một đời nghệ sĩ vui buồn", rồi bà hát thêm một câu vọng cổ tự sáng tác tặng NSND Huỳnh Nga với câu cuối mang nặng nỗi lòng: "Sống tha phương rày đây mai đó, để nhả hết tơ cho trọn kiếp con tằm".

Nghệ sĩ Ngọc Giàu bày tỏ khi NSND Viễn Châu bệnh nặng, anh em nghệ sĩ cũng tổ chức một đêm diễn tại Trà Vinh theo đúng ý nguyện của ông (Tuổi Trẻ ngày 20-12-2012). Sau đêm diễn đó, sức khỏe nghệ sĩ Viễn Châu đã khả quan hơn. Với đêm diễn lần này có lẽ tất cả nghệ sĩ đều mong mỏi một điều gì đó tương tự với NSND Huỳnh Nga...

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên