09/07/2012 07:46 GMT+7

Có những điều đốt mãi chẳng thành tro (*)

ÐỖ DUY
ÐỖ DUY

TT - Ra mắt khán giả vào ngày 7-7, có lẽ Tục lụy là một trong những vở bi kịch nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh từ trước đến nay. Sau Người điên trong ngôi nhà cổ, Nửa đời ngơ ngác..., khán giả được chứng kiến một không khí Nam bộ khác, hiền lành hơn mà cũng khắc nghiệt hơn.

RBvE4buv.jpgPhóng to

Cô gái trẻ Mận (Hoàng Vân Anh) và đứa con oan nghiệt của mình trong vòng xoáy tục lụy - Ảnh: T.T.D.

1 Trời đất sinh ra vùng cù lao giữa sông nước giúp con người ta dễ sống hơn với miếng ăn hằng ngày - như một minh chứng “trời sinh voi sinh cỏ”, nhưng hình như cũng làm cho thân phận con người trở nên cô độc, long đong hơn. Cuộc tồn tại giữa “trời nước” tưởng rộng mở hóa ra lại khép đi trong lặng lẽ, cô quạnh. Dễ hiểu, khi hở một chút, có chuyện không chịu được là người ta hăm “bỏ đi”.

Ông Hai Khương đã một lần bỏ đi như thế vì xấu hổ với tội ngoại tình lúc vợ mang bầu. Và hai mươi mấy năm tiếp theo của cuộc đời mình, ông không lần nào dám tái phạm tội ấy nữa. Chuyện cũ rồi, đã đáng quên rồi, bây giờ ông sống một cuộc đời có ích, không chỉ cho bà Hai, cậu em vợ Út Hơn khùng khịu, mà còn là niềm tự hào của Dũng (con trai ông) và người dân cả cù lao. Người ta làm hộ khẩu, đào ao, đắp đê, bệnh hoạn, ngay cả đỡ đẻ... chỉ biết nghĩ đến ông Hai.

“Tượng đài” ấy còn mang Mận - cô gái nhỏ, yếu ớt, mồ côi - về từ cơn sóng dữ. Cả gia đình ông Hai Khương làm thêm một điều tốt - trở thành ân nhân, cưu mang cho một hoàn cảnh côi cút. Tình cảm chân chất, tự nhiên này sẽ gieo thêm ấm áp khi tình cảm của Dũng và Mận nảy sinh, hay với mặt trái nào đó, lại mở ra những bi kịch nối dài... khi một cô gái nhỏ sống giữa gia đình có hai người đàn ông ít khi nào tỉnh táo - một đem lòng yêu thương cô, và một đã một lần phạm tội...

2 Không thể không yêu cái vùng đất mà con người ta hết thảy đều sống với nhau như một gia đình. Và cũng không thể không giận sự hời hợt, nghễnh ngãng dễ làm sinh ra thói cay độc, vô tình... Có lẽ giữa họ cũng chẳng mấy ai hay mình phải sống chông chênh giữa bờ vực mong manh của yêu thương và tàn nhẫn, làm điều thiện và điều ác, tốt và xấu...

Không biết phải trách ai trong những con người cùng long đong này, chỉ còn biết trông cậy vào cái nhớ và quên ở đời sẽ hóa giải giùm họ. Người ta vẫn bảo nhau sẽ “quên để sống tiếp”. Vẫn biết “cái quá khứ không đem mà ăn được”... và vẫn phải xót xa vì “những điều đốt mãi chẳng thành tro” (*).

3 Trên kịch bản thuần chất và dày dạn những chi tiết đắt giá về con người vùng sông nước (của cố soạn giả Ngọc Linh), vẫn là Ái Như của những xử lý tình huống, cài cắm, tháo gỡ những thắt nút của câu chuyện một cách chặt chẽ, nuột nà. Nhưng điểm sáng của vở lần này có thể thấy được từ bàn tay đạo diễn phải kể đến cách xử lý ánh sáng tinh tế, ít “màu mè” hơn, và cả âm nhạc (bài hát Tiến thoái lưỡng nan của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng ca của Trần Thu Hà và Thái Hòa) được sử dụng một cách mộc mạc cũng đã góp phần quan trọng, nâng thêm cảm xúc cho nhiều đoạn tâm lý hay.

Nếu như cách đây gần 10 năm, với bản dựng Cơn mê cuối cùng (tên cũ của vở diễn), khán giả đã chứng kiến sự xuất sắc của Tấn Thành, NSƯT Thành Hội, NSƯT Kim Xuân, Tuyết Thu, Minh Trí...; thì lần hạnh ngộ này, bên cạnh dàn “thành trì” cũ, vở diễn có thêm Ái Như (vai bà Hai - cùng với NSƯT Kim Xuân), khai thác được thế mạnh diễn tâm lý có chiều sâu của Ngọc Tưởng (vai Dũng), giới thiệu được sự thay da đổi thịt của Quang Thảo (vai Út Hơn), và gương mặt trẻ nhiều triển vọng Hoàng Vân Anh (vai Mận cùng với diễn viên Như Yến).

Trong vòng xoáy tục lụy của cuộc đời, mỗi số phận đều là một bi kịch. Mỗi bi kịch đều gần như trở nên bế tắc, gần như không thể biết đâu sẽ là lối thoát. Kịch của Hoàng Thái Thanh thường vậy, thường đau đến ngạt thở và khiến người xem bần thần. Mà ở Tục lụy, sự bần thần ấy càng tăng lên khi biểu hiện duy nhất để giải quyết những nỗi đau là sự câm lặng và chịu đựng.

Ông Hai câm lặng để giữ lấy một bí mật tày đình, rồi từng ngày sống vật vã trong sự ám ảnh. Bà Hai câm lặng và kìm nén tất cả nước mắt vào trong sau khi biết được sự thật phũ phàng, chỉ để bảo vệ cái niềm tin đẹp đẽ bấy lâu. Mận câm lặng để không làm đứt những sợi dây tình cảm thiêng liêng mỏng manh như một tấm lưới được dệt lên xung quanh cô. Cậu Út Hơn câm lặng và gánh chịu những khinh ghét của người đời để giữ lấy những giây phút bình yên trong căn nhà nhỏ. Dũng câm lặng trong đau đớn vì thương Mận, thương cha, thương mẹ, thương cậu.

Nhưng rồi sự giả dối bị bưng bít, nỗi đau bị kìm nén, niềm tin bị phản bội... tất cả đã phải bùng nổ, phải rơi ra như không thể khác sau những cơn mê cuối cùng. Đời người dù làm ngàn việc tốt và chỉ làm một việc xấu thì vẫn là xấu, bởi tốt xấu không phải là phép cộng trừ. Sự tỉnh thức dù ở bất cứ trạng thái nào vẫn là điều ý nghĩa duy nhất còn lại dẫu có muộn màng và nhiều đau đớn.

Khi vở kịch kết thúc, cơn mê khép lại, khán giả đã ở lại vỗ tay thật lâu. Đạo diễn - nghệ sĩ Ái Như lại xúc động sém khóc. Bởi cũng từng có lúc, có người hoài nghi về sự tồn tại chỉ dựa vào những hoài niệm bi thương của kịch Hoàng Thái Thanh. Nhưng cứ phải như thế đi đã, vì bi kịch trên sân khấu vẫn rất cần, vẫn chưa hề xa lạ trong thực tế đời sống hôm nay. Và đời người, như trong Tục lụy, cũng chỉ là những giấc mơ dài mà thôi...

___________

(*) Thơ của Lê Quang Trang.

ÐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên