20/07/2008 08:04 GMT+7

NSƯT Ngọc Giàu: Nỗi buồn trả lại nhân gian

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TT - Trong hai đêm diễn 24 và 25-7, NSƯT Ngọc Giàu sẽ không diễn lại bất kỳ vai diễn để đời nào của chính mình. Với chín tiết mục mới mẻ, những vai diễn mới mẻ, bà muốn dùng nhân vật sân khấu để sắp xếp lại cuộc đời mấy mươi năm đi hát. Một cuộc đời mà nỗi buồn đã đeo đẳng người nghệ sĩ tài hoa ấy như một định mệnh...

AIxFZpUy.jpgPhóng to
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu với Anh Vũ trong một tiểu phẩm tại Gala cười - Ảnh: T.T.D.
TT - Trong hai đêm diễn 24 và 25-7, NSƯT Ngọc Giàu sẽ không diễn lại bất kỳ vai diễn để đời nào của chính mình. Với chín tiết mục mới mẻ, những vai diễn mới mẻ, bà muốn dùng nhân vật sân khấu để sắp xếp lại cuộc đời mấy mươi năm đi hát. Một cuộc đời mà nỗi buồn đã đeo đẳng người nghệ sĩ tài hoa ấy như một định mệnh...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngày 24 và 25-7-2008 live show "Khúc tương tư” của NSƯT Ngọc Giàu sẽ diễn ra ở rạp Quốc Thanh, TP.HCM với ý tưởng và cách làm khác lạ. Ở tuổi 64, NSƯT Ngọc Giàu đang thể hiện một khả năng sáng tạo và nội lực diễn xuất sung mãn hiếm có.

Gần cả tháng nay nghệ sĩ Ngọc Giàu luôn miệt mài trên sàn tập, tất bật lo cho hai đêm diễn "Khúc tương tư”. Hiếm có nghệ sĩ nào chịu khó tập luyện cho live show tâm huyết như Ngọc Giàu. Sự miệt mài của bà làm vui buồn cả một vài diễn viên trẻ diễn chung. Họ bảo bà khó quá, họ chỉ ra sân khấu nói có vài chữ, hát có một câu mà bắt tập hoài. Ngọc Giàu tâm sự: "Tại các em không hiểu, tôi kính trọng nghề hát này biết chừng nào. Nghề hát chẳng đơn giản, nó dạy mình làm người qua từng lời văn tuồng nhiều triết lý, dạy cách sống ở đời qua mỗi hành động nhân vật có cái nhân quả của đúng sai. Nghề hát cho mình rất nhiều, danh vọng, tiền bạc, nhưng cũng đòi hỏi từ mình rất nhiều mồ hôi, nước mắt, cả sự hi sinh... Nghề hát là như vậy nên chỉ ra sân khấu nói một câu thôi cũng phải nói cho có cái gì bên trong chứ đâu có nói khơi khơi được. Không tập luyện làm sao có thể diễn hay...".

Tài hoa

KD9PmLRa.jpgPhóng to
Vai diễn Bảy cán vá của NSƯT Ngọc Giàu đã trở thành ví dụ điển hình cho tài năng và khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ, là minh chứng cho câu nói: “Không có vai diễn nhỏ, chỉ có người nghệ sĩ thiếu tài năng” trong giới sân khấu - Ảnh tư liệu

Trong giới nghề nghiệp, Ngọc Giàu luôn được xem là một nghệ sĩ tài hoa, có thể diễn thành công bất cứ loại vai nào. Bà diễn đào thương, khán giả khóc theo nhân vật thái hậu Dương Vân Nga đang đau cắt ruột trông tin con nhỏ bị bắt cóc. Bà diễn đào độc, nhân vật Hoạn Thư tinh tế, sống động như bước từ trang sách ra - khán giả vừa giận vừa xót xa vừa khóc cùng vai diễn mà cảm thông với thân phận thiệt thòi của người phụ nữ. Bà diễn vai giả nam, sân khấu bừng bừng với khí phách một Lục Vân Tiên là "quốc trạng nguyên nhung bình Phiên đại soái".

Bà diễn hài, khán giả cười bể bụng bởi nhân vật Bảy cán vá trong Đời cô Lựu. Nhân vật này nguyên gốc chỉ được viết mỗi một dòng trong kịch bản, không có tên, chỉ làm mỗi nhiệm vụ bước ra sân khấu đưa một vật dụng, nói một câu. Vậy mà bằng sự tập luyện, bằng sự chịu khó tìm tòi, quan sát học hỏi bà đã làm ra một Bảy cán vá vô cùng nổi tiếng, được xem là một nhân vật kinh điển về mặt diễn xuất, trở thành nhân vật không thể thiếu trong một vở cải lương có giá trị để đời...

Cái tài của nghệ sĩ Ngọc Giàu cũng đã được ghi nhận bằng hàng loạt danh hiệu, giải thưởng. Từ thuở thiếu thời giọng ca của bà đã nổi danh là "lụa trải nhung căng". 16 tuổi bà đã đoạt "huy chương vàng triển vọng" giải Thanh Tâm. Chỉ ba năm sau, 1963, bà đoạt luôn "huy chương vàng xuất sắc" giải Thanh Tâm, là một trong sáu nghệ sĩ hiếm hoi đạt được giải thưởng này. Sau năm 1975, bà lại là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT sớm nhất. Rồi bà đoạt giải Mai vàng, giải diễn viên được yêu thích nhất, giải của Gala cười 2003... Song chẳng tự nhiên mà có một Ngọc Giàu như thế.

Nước mắt

ReL106lK.jpgPhóng to CZ4tctNj.jpg

Là con thứ sáu trong gia đình đông con, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, ở vùng Thủ Thiêm heo hút, 7-8 tuổi cô bé Ngọc Giàu đã đi làm mướn, ca giúp vui để chủ bán hàng. 9 tuổi, cô bé phải cùng người anh thứ ba theo một nhóm sơn đông mãi võ nhào lộn, phụ bán thuốc rồi theo những đoàn hát nhỏ để nuôi sống gia đình. Con nít cứ đi biền biệt cả năm trời, sống khi đói khi no, cô bé nhớ nhà, nhớ má, nhớ ba cháy ruột.

Vậy mà có lần đoàn hát diễn gần chỗ má bán, Ngọc Giàu đòi ghé thăm má, người anh không cho, bảo: "Mày ráng hát nổi tiếng rồi tao cho về". Ngọc Giàu khóc hỏi: "Bao giờ mới được nổi tiếng lận?". Ánh mắt lạnh lùng và sự im lặng khi đó của người anh vô tình đã khắc một vết thương đau đớn, tuyệt vọng trong lòng đứa trẻ con là Ngọc Giàu đến tận giờ.

Wzp0quGY.jpgPhóng to

Trong live show Ngọc Giàu không diễn lại bất kỳ vai diễn để đời nào của mình. Bà sẽ xuất hiện trong chín tiết mục mới mẻ, từ hò Huế, ca vọng cổ mộc, diễn bi, diễn kịch, diễn hài, đến giả trai đóng Hạng Vũ trong Hạng Vũ biệt Ngu Cơ, hay một mình vừa làm Đổng Trác vừa làm Điêu Thuyền...

Hỏi Ngọc Giàu tại sao lại làm live show như thế, bà cười mà trầm ngâm: "Người ta xem các vai diễn thành công của Ngọc Giàu nhiều quá rồi, còn cái gì nữa để mà coi. Bây giờ chắc là lúc người ta muốn biết cuộc đời của bà Ngọc Giàu như thế nào. Tôi muốn dùng một số nhân vật của sân khấu để sắp xếp lại cuộc đời đi hát mà vinh quang cùng tủi nhục đã chất cao hơn đầu mình. Mấy mươi năm qua có vai diễn nào mà Ngọc Giàu chưa trải qua từ sân khấu đến cuộc đời của mình đâu".

Ở tuổi mới lớn, thấy cô đào chính mặc đồ đẹp còn mình quanh năm mỗi chiếc áo cũ xì, mỗi lần tập tuồng Ngọc Giàu lén mượn chiếc áo dài của chị dâu, người anh biết được bèn răn dạy: "Mày cứ lo hát cho hay, nghề này đâu phải để tranh đua quần áo". Nuốt nước mắt buồn tủi, cô gái nhỏ âm thầm tập luyện, học thuộc hết những vai chính trong tuồng để chờ cơ hội được thay vai. Đến lúc được về đoàn đại ban hát chính, nhưng nhỏ tuổi, thân cô thế cô, lại là cô đào kém sắc, mỗi bước đi lên Ngọc Giàu đều lầm lũi trong tập luyện cực nhọc.

Định mệnh

Hậu trường sân khấu mỗi khi có Ngọc Giàu bao giờ cũng như rung rinh với những tràng cười vỡ bụng vì những câu chuyện tiếu lâm và cách nói chuyện bặm trợn của bà. Vậy nhưng những ai gần gũi Ngọc Giàu thường bắt gặp bà hay ngồi lặng im với ánh nhìn thật buồn.

Những lời nhận xét, những cử chỉ của bà dành cho người đối diện cũng thường sâu sắc, tinh tế. Cả đời bà, đến tận bây giờ, luôn phải làm việc cật lực để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, con cái, người thân, tận tâm chu đáo đến mức mọi người xung quanh xem đó là chuyện đương nhiên, không phải bận tâm. Ngọc Giàu hay buồn là vì vậy.

Từ ấu thơ đến khi tóc ngả màu trong bà vẫn còn nguyên mặc cảm tủi thân và cháy bỏng khao khát được yêu thương, chăm sóc. Đến tuổi này, khi cha mẹ đều qua đời, một người con gái đã mất từ nhỏ vì bệnh ung thư máu, đứa con thứ hai đã lấy chồng, người chồng gắn bó mấy mươi năm cũng không còn ở bên bà, Ngọc Giàu hay lụi hụi một mình trong căn nhà vắng.

Tất cả khoảng trống tình cảm bà gửi vào một con chim nhỏ bị mẹ bỏ rơi. Bà đặt tên chim là Phượng Giao. Bà lót ổ, che chắn, chăm bón cho nó từng chút nước, chút thức ăn như chim mẹ, đốt đèn sưởi cho nó ấm, nửa đêm thức giấc để trông chừng... Chú chim như có linh tính luôn ríu rít khi nhìn thấy mẹ Giàu khiến bà vui mừng chảy nước mắt. Bà nhỏ nhẹ: "Nếu nỗi buồn là định mệnh của người nghệ sĩ để có thể diễn tả nỗi lòng nhân vật được hay thì kiếp này tôi xin nhận lãnh trọn nỗi buồn này, không kêu ca không oán trách vì cũng nhờ nó mà tôi có được tình thương của khán giả. Chỉ khi rời khỏi cuộc đời này, tôi muốn được vẫy tay chào tri ân khán giả trước lúc ra đi và gửi nỗi buồn đã mang cả kiếp này lại chốn nhân gian".

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên