19/09/2007 06:17 GMT+7

Thoại Mỹ: Đa đoan với phận đào nhì

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - NSƯT Thoại Mỹ đã có trên 20 năm tuổi nghề. 20 năm và sức hút của người nghệ sĩ như tăng cùng năm tháng. Live show Tung cánh phượng hồng diễn ra đến hai lần ở sân khấu Lan Anh, TP.HCM (25-6 và 15-8) mà vẫn tấp nập khán giả đến xem.

HsdxJ4s8.jpgPhóng to

Thoại Mỹ dịu dàng và đài các với hình tượng Dương Quý Phi (trích đoạn Tình sử Dương Quý Phi) - Ảnh Linh Đoan

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tháng mười này, Tung cánh phượng hồng sẽ tiếp tục lưu diễn tại Hà Nội.

Gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật nhưng Thoại Mỹ "ngấm" cải lương từ người chị ruột là NSƯT Thoại Miêu. Những câu hò, điệu lý, những bài bản cải lương bắt đầu mê hoặc cô bé Thoại Mỹ gầy gò, đen nhẻm từ thuở 11, 12 tuổi. Trong một lần tình cờ, Thoại Mỹ được cho thử vai bé Sầu Riêng (vở Cây sầu riêng trổ bông). Chưa một lần lên sân khấu vậy mà cô bé cứ tỉnh rụi ca diễn làm mọi người tròn mắt ngạc nhiên... được cấp "giấy thông hành" để bước vào thế giới huyền ảo, đầy ánh sáng của sân khấu cải lương, năm 13 tuổi Thoại Mỹ được chọn vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang và tốt nghiệp năm 16 tuổi, cùng khóa với Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Tô Châu, Thùy Trang… Không may mắn như những đồng nghiệp khác, Thoại Mỹ mất một thời gian dài rong ruổi theo các đoàn hát xuống tận các vùng sâu, vùng xa, lận đận từ những vai đào ba, đào tư, thậm chí có những vai xuất hiện chỉ nói được vài câu rồi... chết, vậy mà Thoại Mỹ vẫn mê mải và nhẫn nại theo nghề.

Duyên phận đào nhì

Chăm chỉ như con ong tẩn mẩn hút từng giọt mật ngọt thơm nghệ thuật, rồi cũng có ngày Thoại Mỹ được bước lên vai đào... nhì. Và như một duyên phận, vị trí đào nhì gắn bó với chị cả quãng đường dài. Có người tắc lưỡi , tiếc rẻ: tài sắc thế, ca hay thế mà lại… Chỉ có Thoại Mỹ là vẫn bình thản: "Nghề này ngộ lắm, tổ cho gì và đặt đâu là phải ở đúng chỗ đó...". Nói có vẻ an phận vậy mà Thoại Mỹ chẳng chịu an phận chút nào. Không mặc cảm với vị trí đào nhì của mình, chị còn yêu thương và miệt mài gọt giũa nó, từ ánh mắt sắc như dao cạo đến câu nói hờn dỗi nhẹ nhàng đều được chị chăm chút và "thả” cảm xúc rất liều lượng, chuẩn mực, tâm lý nhân vật được chị đẩy đến cùng và kéo lại một cách ngọt xớt!

Cái cách làm nghề nghiêm túc ở bất cứ vị trí nào khiến Thoại Mỹ trở thành một người "đặc biệt" của làng cải lương: đào nhì mà vẫn nổi tiếng, đào nhì mà khó ai có thể thay thế! Thậm chí trong một số vở, người ta còn nói đùa đào nhì Thoại Mỹ... "giết" đào chính vì diễn xuất có thần của cô làm mờ đi vị trí của sao!

Năm, sáu năm gần đây, từ đào nhì Thoại Mỹ đường hoàng bước lên vị trí đào chánh với nhiều vai: Thái Bình công chúa (Thái Bình công chúa), Võ Tắc Thiên (Võ Tắc Thiên), Hương (Nửa đời hương phấn), nàng Én (Người đẹp đến Tiền Châu), Phượng (Rồng phượng)…

Là đào chánh rồi mà Thoại Mỹ vẫn còn "vương vấn" với thời đào nhì, có lẽ nó "vận" vào chị quá lâu nên chị đã quen hủ hỉ, vui buồn cùng nó. Chị thật thà tự nhận thích đóng những vai này vì thường có tâm lý phức tạp, nhiều đất diễn. Kinh nghiệm làm đào nhì cũng khiến Thoại Mỹ có thể hóa thân vào nhiều tính cách khác nhau chứ không đóng khung ở một dạng vai nào cả.

Say nghề nên đa đoan...

Chia tay cuộc sống hôn nhân cả chục năm nay nhưng Thoại Mỹ vẫn lặng lẽ đi về một mình một bóng. Không "đổ thừa" cho nghề, "Chắc do đường tình duyên của mình lận đận thôi..." - chị nói khẽ. Những nỗi niềm riêng, những đau đáu mong chờ... Thoại Mỹ dồn hết vào các vai diễn khiến nhân vật của chị ngày càng đầy đặn, sắc sảo hơn. Xem Thoại Mỹ diễn bây giờ cảm nhận được sự sâu sắc của người đàn bà có nhiều trải nghiệm cuộc sống, chín chắn và sâu lắng hơn.

Giờ đã lên hàng "sao" nhưng Thoại Mỹ vẫn hăng hái tham gia các chương trình văn nghệ phục vụ cộng đồng, phục vụ những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, đảo xa... Trung bình một năm chị có khoảng mười chuyến biểu diễn như thế. Ngoài ra, chị còn vận động tài trợ để một năm có hai, ba đợt hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, phát gạo, tổ chức khám bệnh cho người nghèo. Nhiều lời ong tiếng ve cho rằng đó là cách đánh bóng tên tuổi nhưng Thoại Mỹ vẫn điềm tĩnh: "Nếu ai đã từng ở trong cảnh nghèo đến độ thèm khát từng miếng nước hủ tiếu thừa, đứng trên sân khấu hát vai no đủ mà đói vàng mắt, hoặc có mẹ làm mướn đến kiệt sức rồi qua đời như tôi mới thấy việc chia nắm gạo, bát cơm cho người khác là cần thiết và quí báu đến nhường nào. Ai nói gì kệ họ, tôi thấy việc đó có ý nghĩa thì tôi cứ làm".

Đi cùng những chuyến biểu diễn trong và ngoài nước dày đặc, Thoại Mỹ vẫn đang ôm ấp dự định đầu tư làm một vở cải lương lịch sử hoành tráng (như kiểu Kim Vân Kiều) nói về vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Được làm vở diễn về ông là cách chị bày tỏ lòng kính phục và sự tự hào với vị vua anh minh của đất nước.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên