19/10/2006 15:19 GMT+7

Người vợ ma: độc đáo kịch kinh dị!...

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTO - “Không giải quyết trẻ em và người có bệnh tim”, đó là thực tế nghiêm túc, không hề làm màu làm vẻ chút nào khi Kịch Phú Nhuận cho đề hàng chữ trong ngoặc kép trên panô giới thiệu vở kịch Người vợ ma, ra mắt tối 18-10-2006. Khán giả đã sợ đến quíu người…

9ak1aANF.jpgPhóng to
Sân khấu xuất hiện những bóng ma ghê rợn như trong panô quảng cáo
TTO - “Không giải quyết trẻ em và người có bệnh tim”, đó là thực tế nghiêm túc, không hề làm màu làm vẻ chút nào khi Kịch Phú Nhuận cho đề hàng chữ trong ngoặc kép trên panô giới thiệu vở kịch Người vợ ma, ra mắt tối 18-10-2006. Khán giả đã sợ đến quíu người…

Từ khi người chồng lấy người vợ sau, đêm đêm người vợ trước trở về tâm sự với đứa con gái của mình trong bộ dạng ghê rợn lúc thắt cổ tự tử chết. Từ thương nhớ mẹ, đứa bé bắt đầu cảm thấy sợ, hoảng loạn, gần như bị tâm thần, bỏ cả học hành. Đến cả người giúp việc, đêm nào cũng thấy bà chủ cũ. Trong tình cảnh đó, người chồng luôn dằn vặt giữa tình cảm sâu đậm với người vợ cũ và tình cảm vợ chồng với người vợ mới. Rồi xung quanh ai cũng ghê sợ gia đình này vì có ma. Cả gia đình rơi vào khủng hoảng…

7dRxMeTI.jpgPhóng to
Sân khấu toàn màu trắng tạo cảm giác rợn người - Ảnh: H.B.
Trên sân khấu âm thanh lúc nào cũng rợn người. Màu sắc toàn là trắng toát hay mờ ảo ma quái. Những tấm rèm, chiếc ghế tự nhiên lay động. Bức ảnh người vợ cũ đang bình thường bỗng như rạn vỡ. Tiếng ru hời thê lương, kỳ bí. Những bóng ma với gương mặt biến dạng xõa tóc rũ rượi xuất hiện bất cứ lúc nào một cách thình lình nhất làm người xem rớt tim…

Không khí ghê rợn khiến khán giả sợ đến nỗi có một tiếng động lạ vô tình bên dưới sân khấu cũng làm nhiều người giật thót mình. Dù có thể đoán già đoán non có ma hay không có ma, thậm chí những ai khẳng định chắc chắn không có ma thì không khí ma quái và cách dựng cực kỳ hấp dẫn của vở kịch cũng luôn làm người xem chết điếng.

Sau mỗi cảnh, người xem lại hồi hộp vì không biết sẽ gặp tiếp cảnh gì. Có khán giả đến lúc gay cấn lấy tay che mặt không dám nhìn vì sợ, bởi họ đã từng hết hồn nhiều lần trước đó.

MLai4rCd.jpgPhóng to
Hóa trang ấn tượng là một phần thành công trong Người vợ ma - Ảnh: H.B.
Thế nên, khi có những cảnh hài xen vào, khán giả vỗ tay rất nồng nhiệt. Những khi sân khấu đến cảnh ngôi nhà sáng đèn là nhiều khán giả thở phào nhẹ nhõm vì căng thẳng quá. Ngay cả cảnh kết thúc, sân khấu chưa kịp khép màn thì dưới này khán giả đã vỗ tay rầm rầm. Cái sự vỗ tay ở đây là nhằm át bớt nỗi sợ không khí kinh dị đang đè nặng.

Có bà bầu đã phải bỏ về nửa chừng vì sợ ảnh hưởng của những hiệu quả sân khấu liên tiếp đưa tới cảm xúc mạnh một cách bất ngờ. Bởi vậy, sau đêm hát, bà bầu Hồng Vân nhắc nhở nhân viên của mình và nhắn nhủ cả nhà báo: “Ngoài trẻ con và người có bệnh tim, làm ơn lưu ý giúp những bà bầu cũng không nên vô coi, có gì mình không lường trước được”…

Với Người vợ ma, Thái Hòa đã khẳng định được mình với những ai còn chưa tin tưởng vào anh chàng diễn viên - đạo diễn vốn ít nổi bật này. Một Thái Hòa lù khù ngoài đời đã thật sự “vác cái lu mà chạy”, tạo ra được một bản dựng hết sức độc đáo để có một vở kịch hấp dẫn và độc đáo chưa từng thấy từ trước tới nay.

Bất chấp nội dung kịch bản muốn nói “tình yêu đích thực cần lòng vị tha, tình yêu mù quáng sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng”, Người vợ ma vẫn đúng là một vở kịch ma, kịch kinh dị từ hiệu ứng sân khấu vở diễn có được ở khán giả. Có khán giả bảo “sợ còn hơn coi phim kinh dị”… Đó là nỗ lực âm thầm và tâm huyết hằng hai năm trời của Thái Hòa, vì thế thành công của vở diễn càng cảm động hơn với anh...

1YRPLclf.jpgPhóng to
Kim Huyền rất đạt trong cái vẻ thất thần, hoảng loạn của đứa trẻ bị "ma ám" - Ảnh: H.B.
Hai diễn viên trẻ Kim Huyền và Thanh Vân cũng thật xuất sắc trong vai đứa con và người vợ sau. Với mái tóc ngắn xơ xác, bộ đồ xốc xếch, bộ mặt - giọng nói thất thần, ngơ ngác, bấn loạn, Kim Huyền đúng là một đứa bé con đang khiếp đảm trong nỗi sợ ma ghê gớm truyền cảm xúc đến mạnh đến khán giả. Thanh Vân cũng thật đa dạng trong những dằn vặt nội tâm điên loạn, những đấu tranh giữa lý trí, cảm tính và lương tâm.

Để nhập vào hai vai diễn này, Thanh Vân từng té lộn nhào từ sân khấu xuống khán phòng, bị thương nơi tay. Kim Huyền cũng khó thoát khỏi nỗi ám ảnh, thường xuyên có cảm giác sợ hãi mỗi khi ở một mình hay khi nhớ đến vở diễn.

Có lẽ, cái cần thêm ở Người vợ ma là làm rõ tâm lý dằn vặt ở người chồng vì sự thiếu bao dung của mình với quá khứ của người vợ trước đã khiến cô chọn cái chết, hai cha con anh đánh mất hạnh phúc, tình thương yêu đích thực. Trách nhiệm của anh với hành vi lỗi lầm của người vợ sau cũng cần phải làm rõ bởi anh cưới cô ấy mà vẫn “sống chung” trong tâm tưởng và hành động với người vợ cũ ngay trong ngôi nhà của hai vợ chồng.

Hiếm khi nào khán giả của Sân khấu Phú Nhuận - vốn không có thói quen vỗ tay tán thưởng ở giữa chừng suất diễn - lại phá lệ liên tục vỗ tay sau mỗi cảnh, dù là cảnh hài hay cảnh “ma” như ở vở kịch này…

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên