04/07/2006 07:02 GMT+7

"Tại sao người đàn bà đó không ngủ?"

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Qua tấm rèm cửa của căn phòng bị khóa trái, người ta thấy cái hình ảnh diệu kỳ nhưng đầy ám ảnh: thằng khùng đang mải mê chải tóc cho người đàn bà đã bao năm không ngủ, miệng ngân nga câu vọng cổ ngọt ngào.

PDTrBRjc.jpgPhóng to
Chỉ có thằng khùng là ở lại vì nó thương cô chân thành, thương cho đến lúc chết

Có lẽ đó là giây phút nó thôi khùng, cũng là lúc người đàn bà ấy thôi đau...

Kịch bản ban đầu của tác giả Phạm Hữu Thông có tên là Xóm âm hồn - cái tên dễ tạo cho người ta cái cảm giác mệt khi cùng một lúc phải "nuốt" cả một xóm với quá nhiều con người, quá nhiều câu chuyện được gom vào một đường dây kịch.

Sợ khán giả nghĩ thế nên đạo diễn Tuấn Khôi quyết định đổi thành Người đàn bà không ngủ. Chiêu tiếp thị đó đã khiến cho nhiều khán giả kháo nhau trên forum dienanh.net: "Tại sao người đàn bà đó lại không ngủ? Phải chăng bà ta bị... mất ngủ? Hay là bà ta thức khuya để đợi ai? Tò mò quá!".

Thời loạn lạc, xóm nằm ngay bên mé biển, chông chênh và thấp thỏm với những dãy phòng cho thuê. Những con người tứ xứ tụ về đấy giống như những cô hồn sống. Cái chất "âm hồn" được đạo diễn lột tả một cách từ từ, đều đều như chính cuộc sống đang diễn ra từng ngày ở đây: đám thanh niên đờn ca những bài hát não tình bên bàn nhậu, ông thầy bói mù với những tiên đoán mông lung cho những con người vốn đã "xui tận mạng", cô gái làng chơi luôn về nhà lúc nửa đêm rồi sừng sộ với thằng khùng vì nó cứ nhìn trộm cô tắm...

Những câu chuyện tưởng như không biết bắt đầu từ đâu và sẽ kết thúc lúc nào cứ làng nhàng đi qua sân khấu, nhưng lạ thay, nó lại ngấm vào lòng người xem như cái điệp khúc cứ trở đi trở lại bên bàn nhậu: "Năm, mười, mười lăm, hai mươi...".

VVB9aaM9.jpgPhóng to
Người đàn bà ấy đã bao năm ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ, không ngủ vì những bế tắc trong đời - Ảnh: H.A.T.
Đến bây giờ người đàn bà không ngủ mới xuất hiện, tên Tâm. Thật ra Tâm đã ngồi ở đấy từ lâu, sau khung cửa sổ của căn phòng trọ bị khóa trái, bất động và câm lặng suốt bao năm kể từ ngày cô bị cưỡng hiếp. Người ta chỉ thấy được ánh mắt đờ đẫn của cô qua khung cửa và cũng chỉ nghe được tiếng khóc nấc thảm thiết của cô mỗi buổi chiều khi anh chồng (lính chế độ Sài Gòn) trở về.

Ngày nào gã cũng đánh đập cô vì cái tội... ngồi cửa sổ "hóng trai". Bao nhiêu ngày như thế, cô sống cuộc đời của một cái bóng, kể cả khi có những người đàn ông hiền hòa hơn bên cạnh. Họ thỏa mãn xác thịt rồi lũ lượt bỏ đi, nhanh gọn như khi tìm đến. Chỉ có thằng khùng là ở lại. Vì nó khùng. Vì nó không biết cách tính toán thiệt hơn. Vì nó được làm cha. Nhưng quan trọng nhất là vì nó thương người đàn bà đó chân thành, thương cho đến lúc chết.

Lê Khánh vào vai Tâm khá vất vả, lần đầu tiên sắm vai chính nhưng chỉ thoại được hai câu, chỉ diễn bằng ánh mắt và những tiếng nấc. Thành Lộc vào vai thằng khùng, một vai chỉ đi qua đi lại vu vơ, hờ hững nhưng lại là cái nút thắt nhân bản của vở. Một "cặp đôi" khá lạ của sân khấu, xuất hiện không nhiều nhưng nhức nhối, khắc khoải.

Dựng vở đầu tay đã có ngay một kịch bản tốt của người thầy viết tặng, được Idecaf giao sân khấu để dàn dựng đưa vào kịch mục bán vé, được cộng tác với dàn diễn viên giỏi nghề và yêu nghề, cái may mắn của Tuấn Khôi khiến nhiều đạo diễn trẻ sắp tốt nghiệp khác phải phát thèm. Nhưng bên cạnh những điều ưu ái có sẵn, bỏ qua một vài lớp diễn minh họa kịch bản, một vài khuyết điểm về logic, người ta vẫn cảm nhận được một bàn tay đạo diễn khá chắc và đầy hứa hẹn.

Tuấn Khôi có cách nhìn riêng về hạnh phúc và nỗi đau trong nhân vật của mình: người đàn bà ấy không đêm nào ngủ được, cũng không quên điều gì. Đối với cô, màn đêm không đem lại giấc ngủ và sự nghỉ ngơi thanh thản bởi những nỗi đau của cả đời con gái như gom hết vào đêm, bế tắc trong đêm.

Hạnh phúc dẫu đã có lúc hắt bóng lên tấm rèm bên khung cửa khi thằng khùng ngồi chải tóc cho cô, nhưng hạnh phúc đó lại quá mong manh bởi người ta chỉ thấy được cái bóng xa xôi và không phải ai cũng cầm nắm được...

(*) VởNgười đàn bà không ngủ. Tác giả: Phạm Hữu Thông, đạo diễn: Tuấn Khôi. Diễn tại Idecaf từ 28-6-2006.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên