23/07/2005 08:07 GMT+7

NSƯT Bùi Đắc Sừ: Chèo cần phải giữ nguyên tắc truyền thống

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Trước thềm Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ 7 đến 17-9 tới ở Quảng Ninh, đạo diễn - NSƯT Bùi Đắc Sừ có cuộc trao đổi về những vấn đề của chèo trong bối cảnh sân khấu hiện đại.

E12T0dV7.jpgPhóng to
NSƯT Bùi Đắc Sừ
Trước thềm Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ 7 đến 17-9 tới ở Quảng Ninh, đạo diễn - NSƯT Bùi Đắc Sừ có cuộc trao đổi về những vấn đề của chèo trong bối cảnh sân khấu hiện đại.

* 20 năm trở lại đây, mỗi vở chèo được dàn dựng luôn bị gắn với một cuộc tranh luận không bao giờ chấm dứt: giữ chèo hay “phá cách” chèo? Quan điểm của ông về chuyện này?

- Nói ngắn gọn, dù là đề tài gì, chèo luôn phải tuân thủ đặc trưng nghệ thuật của mình. Đặc trưng ấy gồm hàng loạt nguyên tắc cơ bản về điệu hát, trình thức biểu diễn hay cách ra vai. Lệch khỏi con đường của mình, chèo lập tức mất đi sự khác biệt so với tuồng, cải lương và kịch nói...

* Những người bị “kết tội" phá chèo vẫn có cái lý riêng của họ: nghệ thuật truyền thống vẫn phải dần thay đổi theo thời gian và theo nhu cầu của khán giả hiện đại.

- Vấn đề nằm ở chỗ họ thay đổi thế nào? Chẳng hạn, nhiều người vẫn thích dựng một thứ chèo "cắm" kịch. Nghĩa là yếu tố kịch nói được pha vào khá nhiều để hấp dẫn khán giả hơn. Nhưng, về bản chất, chèo là nghệ thuật của tình cảm - trong khi kịch nói là nghệ thuật của nhận thức. Đấy là chưa kể các dòng chèo - nhạc vàng, chèo - rock, chèo - cải lương, chèo - opera hay chèo - tấu hài nữa...

* Thực tế chúng ta có quá ít khán giả thật sự hiểu và thích chèo. Và rõ ràng, nhiều khán giả vẫn bằng lòng với các loại lai tạp như ông vừa nói.

- Đó là thị hiếu nhất thời. Công bằng, chèo cũng lạc hậu nhiều so với tốc độ cập nhật của những loại hình giải trí hiện nay.

Nhưng việc tạo cho họ thói quen thưởng thức những món chèo lai tạp thì không nên coi là bước đi lâu dài. Bởi, họ sẽ chóng ngán thứ nghệ thuật đã đi quá xa cái gốc của nó.

* Có chuyện thế này: năm 1988, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng Nàng Sita. Người ta rào rào kết tội ông ấy... phá chèo. Nhưng vở diễn đã đủ sức kéo khán giả ùn ùn tới rạp và giúp sân khấu chèo thoát khỏi cảnh chợ chiều vãn khách. Lúc ấy chẳng ai biết những đạo diễn chèo “gốc” đang ở đâu!

- Chúng tôi đã phải giải quyết những "hiệu ứng phụ” mà Nàng Sita gây ra. Nói công bằng, anh Giang có công với sân khấu chèo qua vở diễn này, mẫu các vở chèo như vậy được nhân rộng trên toàn quốc. Nhưng, kết quả là vài năm sau, khi xuống các địa phương dựng vở, chúng tôi phải uốn lại toàn bộ cho diễn viên. Họ gần như xa hẳn những nguyên tắc của chèo, từ những câu hát và cách ra vai cơ bản nhất.

* Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng các đạo diễn chèo luôn muốn cát cứ riêng một sân chơi cho mình - sân chơi mà các đạo diễn đa năng không được tạo điều kiện để bước vào?

- Biết nói thế nào khi chúng tôi cũng rất khó chịu bởi bị cho là "bao sân". Nhưng đạo diễn chèo cần được trang bị những kiến thức rất chuyên biệt so với kịch nói. Những kiến thức ấy - có lẽ học cả đời cũng chưa đủ.

Chẳng hạn, chỉ nói riêng tới các điệu hát. Mỗi điệu hát của chèo có hàng loạt quy tắc khác nhau. Một bài Quân tử vu dịch có bốn trổ, ba khúc đã đành. Nhưng hát điệu ấy mà cứ như tượng giữa sân khấu thì đâu được. Hoặc Đường trường thu không là điệu hát ca ngợi sự thanh thản, an nhàn. Vậy mà có đạo diễn lại để giám đốc đập bàn trong cuộc họp chi bộ, chỉ mặt nhân viên rồi véo von hát...

* Hiện là Giám đốc Nhà hát chèo VN, ông đã bao giờ "mở cửa" mời các đạo diễn khác vào dựng vở chưa?

- Có chứ, mới nhiều là đằng khác. Mấy anh Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng đều đủ cả. Thật lòng, tôi rất mong những đạo diễn ấy mang lại một chút gì mới lạ cho nhà hát của mình. Nhưng có một cái khó: là đơn vị đầu ngành của nghệ thuật chèo, chúng tôi luôn chịu áp lực phải dựng vở đúng theo những nguyên tắc nghệ thuật của nó. Thú thật bảo dở thì cũng không phải. Nhưng những vở diễn ấy không còn giữ nguyên được chất chèo. Có lẽ, bước ra từ sân khấu kịch nói, tư duy của loại hình này đã bám chặt các anh ấy mất rồi!

* Có lẽ tổng hợp tất cả những lý do ấy, trong danh sách dự Hội diễn lần này có tới bốn vở của anh?

- Tôi không muốn giấu tên. Theo quy định, vở diễn dự thi có thể dựng từ năm 2001 đến bây giờ. Trong khi mỗi năm, tôi vẫn dựng vài vở cho các đoàn khác nhau. Anh biết đấy một đạo diễn chuyên nghiệp không thể chỉ dựng mỗi năm một vở.

Tất nhiên, trong hoàn cảnh này, tôi sẽ phải rút tên trong một số vở, hoặc chỉ đứng tên ở vai trò Chỉ đạo nghệ thuật. Mọi người đều biết đó chỉ là chuyện hình thức. Tôi không vui cũng chẳng buồn, bởi tự thấy thanh thản với những gì mình làm.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên