06/11/2004 06:30 GMT+7

Nhớ cô Tường Trân...

H.H.
H.H.

TT - Trong số những người đã khuất từng được nhắc nhớ bằng loạt chương trình “Những cánh chim không mỏi” như Ngô Y Linh, Nguyễn Ngọc Bạch, Bích Lâm, Can Trường... bà là người phụ nữ đầu tiên, cũng là người đầu tiên chưa hề được phong tặng NSND hay NSƯT.

Zmindo52.jpgPhóng to
Cô giáo Tường Trân
TT - Trong số những người đã khuất từng được nhắc nhớ bằng loạt chương trình “Những cánh chim không mỏi” như Ngô Y Linh, Nguyễn Ngọc Bạch, Bích Lâm, Can Trường... bà là người phụ nữ đầu tiên, cũng là người đầu tiên chưa hề được phong tặng NSND hay NSƯT.

Bà là cô giáo Tường Trân, từng là hiệu phó Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM).

NSƯT Trần Ngọc Giàu, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hồng Vân, Hoa Hạ, Trần Văn Hưng, Lê Thụy, Hồng Đào, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Khoa, Phước Sang... biết bao thế hệ đã từng “qua tay” bà, tất cả đều kính cẩn “không nhờ cô Tường Trân khó mà nên”.

Cô không la nhưng nghiêm, cho nên học trò thảy đều sợ. Học trò Thu Hồng nhớ lại: “Lần đó được phân vai diễn phải diễn tả sự giận dữ cao độ nhưng diễn hoài không ra, dù là vai nhỏ nhưng cô cứ nhất định bắt làm đi làm lại, dồn cho đến khi chịu không nổi gào lên, lúc ấy cô mới chỉ vào tôi: “Giữ đúng tâm lý ấy, em vừa làm đúng”. Nhờ đó tôi mới hiểu là phải đào sâu tâm lý đến mức nào, không thể dễ dãi. Bữa đó cả lớp phải ngồi chờ đến tối”.

Luôn kỹ càng, tận tình với từng người, việc cô bỏ cơm nhà là chuyện thường xuyên. Tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - học trò “ruột”, người đứng ra tổ chức chương trình đồng thời là MC - mời con gái cô Trân, người mà “học trò tới nhà không sợ cô Trân nhưng sợ Thái Hà”, lên sân khấu.

Và chị Thái Hà đã làm cho tất cả hội trường khóc. "Hồi đó tôi ghét các anh chị học trò của mẹ lắm vì chỉ muốn mẹ là mẹ của mình thôi, nhưng suốt ngày mẹ cứ nói về các anh chị. Thường xuyên phải chờ cơm tới 1-2 giờ khuya nhưng lúc mẹ về lại vui vẻ nói con ăn đi, mẹ ăn với mấy anh chị rồi".

Tốt nghiệp đại học hạng ưu tại Liên Xô, về Đoàn kịch Nam bộ, rồi giảng dạy tại Trường Sân khấu 2 với chức danh cao nhất là hiệu phó, cô Tường Trân là người đầu tiên giới thiệu phương pháp gián cách của Bertol Brecht - nhà sân khấu Đức - cho sinh viên, và luôn nghiêm khắc trong việc rèn nghề.

Dưới thời của cô không có chạy show, và kết quả là những thế hệ đạo diễn như Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Khoa... cho đến nay vẫn là thế hệ vững nghề số 1, cũng như nghề diễn của Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu... lớp sau chưa thấy có.

“Di sản lớn nhất mà mẹ tôi để lại là phải sống trung thực với chính mình” - chị Thái Hà nói vậy.

Còn thầy hiệu trưởng Hà Quang Văn lại nói: “Nhớ đến cô là nhớ đến cái thời đẹp nhất của nghệ thuật cũng như trong giảng dạy, khi đồng tiền chưa can thiệp được vào nhiều thứ như bây giờ. Nhớ đến cô, để ao ước về một người thầy giỏi nghề, có phương pháp, có cái nhìn mới lạ, lại có một trái tim đầy yêu thương, có đủ lòng dũng cảm để không dồn ép học trò chạy theo thành tích và những giá trị ảo”.

Một chân dung hay cho tháng kỷ niệm Ngày nhà giáo, sẽ được phát sóng trong chương trình Những cánh chim không mỏi trên HTV 9 vào 8g ngày 6-11.

H.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên