14/03/2004 11:32 GMT+7

Êdôp - bữa đại tiệc sân khấu

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TTCN - Dường như đã lâu lắm khán giả Hà Nội mới được thưởng thức một bữa đại tiệc sân khấu như vậy. Hầu như chỉ có năm nhân vật (đưa vào tiêu điểm là chỉ còn ba) nhưng đủ sức làm hoạt náo sân khấu và gây bão tố trong lòng người xem. Kịch tính đậm đặc, cao trào tiếp nối cao trào không ngừng nghỉ, những tình huống tâm lý liên tục đặt ra để thách thức các nhân vật và kích thích khán giả tư vấn…

lD1gtyr2.jpgPhóng to
Êdôp (hay Con cáo và chùm nho) - Kịch bản: Guilielmo Figueiredo (Brazil) - Dịch giả: Nguyễn Đình Nghi và Vũ Hưng - Đạo diễn: Lê Hùng - Diễn viên chính: Chí Trung, Lê Khanh, Quốc Tuấn, Bá Anh, Lệ Hằng.
TTCN - Dường như đã lâu lắm khán giả Hà Nội mới được thưởng thức một bữa đại tiệc sân khấu như vậy. Hầu như chỉ có năm nhân vật (đưa vào tiêu điểm là chỉ còn ba) nhưng đủ sức làm hoạt náo sân khấu và gây bão tố trong lòng người xem. Kịch tính đậm đặc, cao trào tiếp nối cao trào không ngừng nghỉ, những tình huống tâm lý liên tục đặt ra để thách thức các nhân vật và kích thích khán giả tư vấn…

Cảm xúc tuyệt vời hiếm hoi này nhắc nhớ một thời hoàng kim chưa xa, nhưng rồi sân khấu “sinh hoạt”, sân khấu chọc cười bình dân đầy rẫy đã làm cho nó trở thành ký ức xa xôi. Đó là thời không hề thiếu những kịch bản kinh điển của sân khấu thế giới như Êdôp, không hề thiếu những nhà hát hàng đầu như Đoàn Kịch Hải Phòng, những nghệ sĩ đích thực như Ngọc Hiền (vai Klêa), Ngọc Thủy (vai Xantuyt), Thăng Long (vai Êdôp)…

Cho nên có lý khi coi Êdôp của Nhà hát Tuổi Trẻ hôm nay là bữa đại tiệc hiếm hoi và may mắn chỉ đến với những “thực khách” nhanh chân, trước khi nó công diễn một số buổi rồi phải nhường chỗ cho những tiểu phẩm cười bình dân. Và cũng vì cái bóng quá lớn của Êdôp ở Đoàn Kịch Hải Phòng hơn 20 năm trước, khán giả sành sân khấu không thể không hồi hộp cho thử thách của Nhà hát Tuổi Trẻ lần này, dù có mặt những diễn viên có hạng như Lê Khanh, Chí Trung…

Công đầu phải kể đến Lê Khanh. Vào vai Klêa, Lê Khanh cho thấy được sự chuyển động tinh tế trong bi kịch của một người đàn bà thông minh, nhìn thấu được vẻ đẹp trí tuệ đằng sau hình hài xấu xí của Êdôp. Klêa lập tức chọn ngay vẻ đẹp trí tuệ và phải giằng xé nhiều trong cuộc sống ổn định nhưng nhàm chán vì thiếu tự do, sống như nô lệ bên người chồng triết gia giả hiệu, đểu cáng, ngu ngốc và đớn hèn. Nhưng rồi khi bị Êdôp từ chối tình yêu, giữa Klêa và Êdôp là những cuộc lật ngược vai trò giữa con cáo và chùm nho, những yêu thương và thù hận liên tục chiếm chỗ của nhau, có khi cùng trộn lẫn…

Có thể nói sân khấu ta hôm nay khó có nghệ sĩ nào tiếp cận được vai Klêa như Lê Khanh, từ những rung động nội tâm, sự thấu hiểu tâm lý nhân vật, cách xử lý động tác hình thể cho đến ngắt câu nhả chữ đầy biến hóa. Lê Khanh có lẽ là cầu nối hiếm hoi của thế hệ nghệ sĩ hôm nay với thế hệ Ngọc Hiền, Tuệ Minh, Nguyệt Ánh… ngày trước. Nhưng có lẽ đó cũng là điều đáng tiếc cho sân khấu ta: chẳng lẽ khó tìm ra ai khác để thể hiện vai Klêa này?

Chí Trung cũng đã làm ra được một Êdôp ngoại hình thô nhám xấu xí nhưng dần dần chinh phục mọi người bằng nét đẹp trí tuệ. Sâu thẳm trong lòng Êdôp là khao khát tự do, tự do là trên hết, là tuyệt đối, tự do phải đứng trên tình yêu đôi lứa, trên tiền bạc và trên cả cuộc sống ổn định đủ đầy.

Bài ca về tự do tuyệt đối của con người có phần quyết liệt đến mức cực đoan - đến mức Êdôp khăng khăng chỉ nhận là người tự do để bị xử tử chứ nhất định không nhận là người nô lệ để được trả về cho chủ - bài ca hào hùng ấy đã truyền được rung động đến khán giả là có phần đóng góp quan trọng của Chí Trung.

Xem Êdôp của Nhà hát Tuổi Trẻ, hồi nhớ thành công lớn của Đoàn Kịch Hải Phòng năm xưa với sự dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, sự thử nghiệm sau đó của sân khấu kịch TP.HCM, càng thấy khán giả hôm nay đã khác nhiều. Một phong cách kinh viện nghiêm ngặt như kịch Hải Phòng ngày ấy chắc gì đã được theo dõi hào hứng đến thế hôm nay?

Đạo diễn Lê Hùng đã khéo nắm được “gu” của khán giả đương thời, ông không để trơ ra năm nhân vật (thật ra là sáu) mà đưa thêm vào hai nhóm nô lệ nam và nữ, có lúc mô phỏng dàn đồng ca bi kịch Hi Lạp cổ đại, rồi gài vào đó những trò diễn sinh động theo kiểu chiều khán giả. Màn mở đầu hóa ra là sự vờn vã hơi lâu, mấp mé bên bờ vực phản cảm nhưng may mắn cũng đã được tiết chế. Nhưng càng đi sâu vào tiến trình phát triển, vở kịch càng nhuần nhuyễn và càng chinh phục được người xem.

Giá mà đạo diễn và các diễn viên, trong bước thỏa hiệp với khán giả, vẫn giành thêm về phần mình cách xử lý đài từ theo lối cổ điển: có những độc thoại và đối thoại cần đạt được sự nắn nót tròn trĩnh như đọc diễn cảm, chứ không phải lối nói "như thật" của kịch sinh hoạt đương đại.

Êdôp là vở kịch thành công bậc nhất của nhà viết kịch Brazil Guilielmo Figueiredo công diễn vào đầu những năm 1940 và ngay lập tức có tiếng vang trên thế giới, trở thành một vở diễn kinh điển mẫu mực.

Nhà hát Tuổi Trẻ đáng được trân trọng khi dựng lại vở kịch này - sau thời kỳ đi đầu trong nỗ lực kéo khán giả tới rạp, thì đây là lúc nhà hát chủ động nâng cao thẩm mỹ của khán giả bằng bữa đại tiệc của ngôn từ, của tổng hòa nghệ thuật sân khấu.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên