26/06/2015 10:16 GMT+7

Kính nể bộ nhớ siêu đẳng GS Trần Văn Khê

TTO - Nhiều khi tôi cứ ngẩn ngơ khi nghe thầy Trần Văn Khê, một ông già ở tuổi 90, không chỉ thuộc từng câu dân ca mà còn có thể nói vanh vách ngày tháng của những chuyện đã xảy ra từ vài chục năm trước.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức làm MC giới thiệu cuốn sách Hồi ký của Trần Văn Khê ngày 28-7-2010, tại Nhà sách Phương Nam ở Cần Thơ.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức làm MC giới thiệu cuốn sách Hồi ký của giáo sư Trần Văn Khê ngày 28-7-2010 tại nhà sách Phương Nam ở Cần Thơ - Ảnh: P.N.

Vì công việc tôi gặp thầy Khê nhiều lần, kể từ năm 2006 khi thầy từ Pháp về nước và sống hẳn ở căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh. TP.HCM.

Hai lần tôi làm người giới thiệu chương trình cho buổi giới thiệu sách Hồi ký của thầy diễn ra ở Huế và Cần Thơ.

Một chuyến đi làm phim tư liệu về thầy ở Vĩnh Kim, Tiền Giang.

Một vài lần trò chuyện, phỏng vấn.

Với một người “lớn” như thầy, chúng ta có thể học được rất nhiều điều, tâm đắc rất nhiều điều.

Sự giản dị, khiêm cung chẳng hạn.

Sự uyên bác do học, đọc rất nhiều.

Nghị lực vượt qua bệnh tật - rất nhiều, và toàn bệnh nan y để có thể sống thọ đến tận hôm nay.

Tuy nhiên, điều tôi kính nể và học hỏi nhiều nhất từ thầy chính là một trí nhớ siêu việt. Nhiều khi tôi cứ ngẩn ngơ khi nghe thầy, một ông già ở tuổi 90, không chỉ thuộc từng câu dân ca của hàng ngàn bài, mà còn có thể nói vanh vách ngày tháng của những chuyện đã xảy ra từ vài chục năm trước, giá vé đi coi hát, giá vé đi tàu điện, ngày thầy gặp người này người kia lần đầu, thậm chí hai người đã nói gì với nhau...

Bộ nhớ của thầy chẳng thua gì bộ nhớ của một chiếc máy vi tính, cần là click lôi ra, hầu như không bao giờ sai.

Tôi có hỏi thầy về điều này thì thầy nói có thể do trời phú (xưa thầy học bài rất mau thuộc) và cũng do thầy rất quan tâm làm tư liệu, hằng ngày làm gì, gặp ai đều có ghi chép.

Trong hành lý thầy đem về từ Pháp, có hẳn một vali lớn chứa đầy những cuốn sổ tay từ bao năm, một loại nhật ký công việc, trong đó từng trang khi đi đâu làm gì, nhất là nếu có kỷ niệm hay sự kiện gì đặc biệt đều có “chứng từ”, ví dụ như bài báo, tấm vé đi xem phim, tờ chương trình, tấm vé tàu, tờ hóa đơn tính tiền…

Thỉnh thoảng rảnh rang thầy mở coi lại, những câu chuyện, hình ảnh, con người cũ lại như hiện ra trước mắt. Những cuốn sổ tay cũ kỹ có thể không có chút giá trị với nhiều người, nhưng với thầy hiển nhiên là vô giá.

Những ngày đầu làm báo, tôi cũng làm công tác tư liệu rất kỹ. Có ghi chép công việc hằng ngày. Có cắt dán từng tin bài vào sổ… Nhưng dần dần quá bận rộn rồi quen việc sinh làm biếng, việc làm tư liệu cứ vơi dần… Từ khi gặp thầy và được thầy cho coi một phần kho tư liệu của mình, tôi mới choáng váng.

Thầy, một người mà thời đại không hề có vi tính, có bộ nhớ 8 ghi, 16 ghi, 32 ghi… vẫn tự tìm cách giữ được cho mình từng thông tin đã qua vài chục năm. Còn tôi, lúc ấy muốn lục lại một việc gì chỉ 10 năm trước, có khi phải vò đầu bứt tóc!

Có thể là do tôi có… Google nên sinh làm biếng? Có thể vì Internet là một kho tư liệu vô tận? Không. Không có cái gì bằng chính mình làm lấy cho mình. Chính từ sau những lần trò chuyện với thầy mà tôi bắt đầu hằng ngày sắp xếp lại “kho hàng” của mình trong máy vi tính, trong ổ cứng rời, và giờ đây trong Dropbox, Iclouds…

Để giờ đây tôi đã có thể tự tin, khi cần là… click!

Nhà văn NGUYỄN ĐÔNG THỨC

20 năm một giọng nói ấm nồng

Một ngày trong tháng 5-1995, tôi đón giáo sư Trần Văn Khê tại sân bay Bradley Hartford trong chương trình nói chuyện Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Trường ĐH Connecticut do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

GS Trần Văn Khê tại Mỹ năm 1995 - Ảnh: T.T
Giáo sư Trần Văn Khê tại Mỹ năm 1995 - Ảnh: T.T

Quả thật là một đêm đầy ấn tượng khi giáo sư Trần Văn Khê thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam và ngâm thơ bài Nhớ rừng của Thế Lữ cho 200 khán giả người Việt và người Mỹ nghe.

Sau buổi thuyết trình, cả nhóm bạn bè của tôi ở University of Connecticut, Boston, New York kéo về căn hộ của tôi tiếp tục nghe giáo sư Khê nói chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Giọng của ông mạnh mẽ, ấm áp và có sức hút, những câu chuyện kể pha chút hài hước làm cho cả đám trẻ chúng tôi rất khoái chí nghe.

Giáo sư Khê vừa nói chuyện vừa hát dân ca với những giọng khác nhau từ các miền trong nước. Chúng tôi, có người sinh ra tại Mỹ, có người sang Mỹ lúc nhỏ, có người mới sang Mỹ, dù độ tuổi nào chúng tôi vẫn không biết gì về âm nhạc truyền thống Việt Nam, và đây là dịp quý báu cho chúng tôi nhận thức về âm nhạc cội nguồn của mình. Giáo sư Khê nói chuyện say sưa đến 2g sáng mà chuyện vẫn chưa dứt.

Giáo sư Khê ở trường gần được một tuần, hằng ngày tôi đưa ông đi tham quan trường. Thuở ấy nhận thức của tôi về Việt Nam trống rỗng, những ngày bên ông tôi nghe say sưa về âm nhạc, văn hóa, xã hội Việt Nam. Tôi cảm giác mình trở nên một con người mới bên cạnh một con người đang học về ngành kỹ sư cơ khí.

Với kiến thức uyên bác về nhạc chủng học, âm nhạc truyền thống Việt Nam, văn hóa Việt Nam, giáo sư Khê giới thiệu những tinh hoa trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đến học giả, sinh viên, nghệ sĩ, chính khách, khán giả ở mọi nơi trên thế giới. Ông thăm cộng đồng người Việt khắp nơi và nói chuyện về âm nhạc Phật giáo Việt Nam, một chủ đề mà nhiều người Việt thích nghe.

Mùa xuân 1997, giáo sư Khê đến Viện văn hóa Pháp tại New York trình diễn trong khuôn khổ chương trình Việt - Pháp. Chúng tôi có dịp gặp ông, vẫn giọng nói nói nồng ấm, vẫn nụ cười hiền hòa, vẫn là âm nhạc truyền thống Việt Nam gởi đến khán giả Mỹ.

Những năm sau này giáo sư về TP.HCM định cư, tôi có thăm ông trong mỗi dịp hè. Mỗi lần gặp giáo sư Khê tại ngôi nhà trên đường Huỳnh Ðình Hai, ông kể những mẩu chuyện về âm nhạc, hát say sưa cho tôi nghe, giáo sư vừa hát vừa gõ nhịp, tôi cảm giác mình đang ngồi cùng khán giả nghe ông trình diễn.

Ông trăn trở về giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam tại trường học, tiếng hát ru Việt Nam đến các bà mẹ, hò Nam bộ…

Giọng nói của ông vẫn trong sáng, nồng ấm như ngày nào cho dù sức khỏe không tốt như xưa. 

Hôm nay giáo sư về với đất mẹ, trong đầu tôi vẫn nhớ mãi nụ cười hiền hòa, giọng nói nồng ấm, vẫn còn vang đâu đây giọng ngâm bi hùng bài Nhớ rừng của Thế Lữ.

Trần Thắng (chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ)

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên