03/05/2015 11:49 GMT+7

​Bất ngờ về bộ triều phục thời Nguyễn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ba bộ đại triều phục dành cho quan nhất phẩm, nhị phẩm và tam phẩm cùng chín chiếc áo của quan lại thời Nguyễn nhận được rất nhiều lời trầm trồ và ngạc nhiên, cả ở mức độ quý hiếm lẫn xuất xứ từ miền núi của chúng...

Những bộ đại triều phục tại triển lãm Trang phục triều Nguyễn gây ngạc nhiên cho nhiều người - Ảnh: T.Lộc

Các hiện vật đó đang được trưng bày tại triển lãm Trang phục triều Nguyễn của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng diễn ra tại Bảo tàng Văn hóa Huế.

Kinh nghiệm cho thấy khu vực miền thượng từ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị cho đến Quảng Bình, kể cả người dân tộc ở Lào gần biên giới với Việt Nam, là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật của triều Nguyễn!
Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN

Sưu tập đặc biệt

Chiếc áo quan nhị phẩm dệt thất thể (bảy màu) hình tứ linh (long, lân, quy, phượng) tuyệt đẹp có “đường đi” rất đặc biệt. Chiếc áo do anh Nguyễn Văn Công - một người chuyên săn lùng cổ vật cho anh Nguyễn Hữu Hoàng trú ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - mua về. 

Khoảng 10 năm trước, trong một lần ngồi uống rượu với nhóm thợ gỗ chuyên khai thác ở rừng Lào, Công nghe kể về một gia đình người Vân Kiều ở huyện Mường Noòng (tỉnh Savannakhet, nước bạn Lào) còn giữ chiếc áo của quan lại màu xanh rất đẹp.

Câu chuyện tới tai, anh Hoàng bảo Công tìm cách sang Lào xem áo. Thuê người lặn lội gần nửa ngày đường mới đến nơi, chủ nhà nhất quyết không cho xem với lý do: “Áo của cha mình để lại. Mà cha chết rồi. Muốn xem phải cúng gà!”. 

Chấp nhận bỏ lại mấy trăm ngàn tiền gà (để gia chủ cúng sau), gia chủ mới đưa áo xuống cho xem với lời khẳng định tuyệt đối không bán. Qua diễn tả của Công, anh Hoàng xác định là áo quan nhị phẩm thời Nguyễn và giao cho Công phải mua bằng được.

Rất nhiều lần trong suốt nhiều năm liền qua lại, cái giá cao được đưa ra khiến gia chủ cũng xiêu lòng. Ngày 18-3 vừa rồi, anh Hoàng tức tốc lên biên giới nhận hàng khi Công vừa đưa áo từ Lào về nước...

Cạnh áo đại triều của quan tam phẩm là chiếc áo màu tím gụ thêu chữ “thọ” và cổ đồ bát bửu tuyệt đẹp, được Hoàng cho biết mua được từ một cụ bà người Pa Cô ở xã A Túc, do một thanh niên người Pa Cô ở xã này mách nước. Chiếc áo do cha chồng cụ bà để lại làm vật gia bảo truyền đời cho con cháu.

Để có được chiếc áo, cha chồng cụ đã phải dẫn trâu, chở thêm bạc nén về miền xuôi đổi đem về nên cụ nhất quyết không bán. Tuy nhiên, sau nhiều lần ghé lại với “chiến dịch mưa dầm thấm lâu”, cụ bà cũng mềm lòng, hỏi han ý kiến các con và quyết định bán với giá cao...

Tất cả 12 chiếc áo tại triển lãm, thật lạ lùng, đều được anh Nguyễn Hữu Hoàng sưu tập từ những gia đình người dân tộc, ở các xã biên giới như A Túc, xã Thanh, xã Thuận hay xã A Dơi, Pa Tầng của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị và cả ở bên kia biên giới của Lào...

Điều gây ngạc nhiên đối với rất nhiều người là tình trạng gần như hoàn hảo của những chiếc áo này, kể cả màu sắc cũng còn như tươi mới. Theo anh Hoàng, những chiếc áo anh sưu tầm đều được người dân tộc cất giữ khá đơn giản: xếp bỏ vào bao nilông, cho vào gùi rồi treo trên trần nhà.

“Nhà của người miền cao luôn có bếp giữa sàn, họ nấu nướng, hun khói mù mịt mỗi ngày. Có lẽ đó là cách để chống ẩm và chống mối mọt cắn phá, giữ cho áo vẹn nguyên sau cả trăm năm tồn tại!” - anh Hoàng nhận định...

Nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng và phẩm phục quan lại thời Nguyễn - Ảnh: T.Lộc

Quá quý hiếm!

“Quá ấn tượng, quá đặc biệt. Bộ sưu tập này được dệt tay bằng một kỹ thuật rất cao cấp ngày xưa. Kỹ thuật này cho đến nay vẫn không thay đổi, trang phục này không thể dệt máy được. Những hình trang trí được dệt trên đó cũng quá đẹp, quá đặc biệt” - nhà thiết kế Minh Hạnh trầm trồ sau một hồi lâu ngẩn ngơ ngắm nghía tại triển lãm.

Tương tự, nhà nghiên cứu Trịnh Bách - chuyên gia phục chế trang phục hoàng triều, cho rằng những bộ đại triều phục còn được như vậy là “quá quý hiếm!”. Ông Bách cho biết riêng ba chiếc áo đại triều phục đều được người xưa dệt theo lối “cài hoa” giả thêu. Tốp thợ dệt chia thành hai, nhóm ngồi trên cao và nhóm dưới thấp, dệt theo đồ án đã được đục sẵn, thường phải mất sáu tháng mới hoàn thành...

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhìn chung khi còn triều Nguyễn, đại triều phục cũng không có nhiều. Với điều kiện thời tiết ở VN, loại tơ lụa này rất khó bảo quản, dễ mục nát và bị côn trùng cắn phá. Mặt khác, kể từ sau thời Nguyễn, VN cũng nhiều lần thay đổi chế độ, chiến tranh và loạn lạc... Do đó những bộ đại triều phục là rất quý hiếm.

Lý giải việc sưu tầm các bộ trang phục này ở vùng núi tỉnh Quảng Trị, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết: kể từ thời Nguyễn, VN đã trải qua những biến cố rất lớn ở kinh đô khiến cổ vật thất tán.

Trước tiên phải kể đến sự biến kinh đô thất thủ năm 1885, ngoài số cổ vật hoàng triều bị Pháp tịch biên, hoàng gia và các quý tộc, quan lại đã chạy dạt ra Tân Sở và khu vực biên giới giáp Lào. Nhiều hiện vật quý, kể cả trang phục bị thất tán, lạc vào dân gian và người dân làm của riêng.

Đến sau năm 1945, với chính sách tiêu thổ kháng chiến nhiều hiện vật hoàng cung và các triều thần cũng đã thất thoát ra ngoài dân gian. Ở những vùng quê trong một thời gian dài, các hiện vật được đưa ra mua bán, những nơi này cũng thường xuyên có người miền cao đưa các sản vật và thực phẩm về để trao đổi...

Với mức độ rất quý hiếm của bộ trang phục, ông Trần Đình Sơn cho biết sẽ đề nghị với UBND TP Huế tìm cách trưng bày lâu dài tại Bảo tàng Văn hóa Huế. Ông Sơn nói sẵn sàng để lại bộ sưu tập Tinh hoa nghề khảm xà cừ VN (đang trưng bày tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế) để cùng triển lãm lâu dài tại bảo tàng này nếu TP Huế có phương án khai thác tốt. 

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên