28/04/2015 11:21 GMT+7

​Tháng 4 của những cựu phóng viên chiến trường

QUANG THI
QUANG THI

TT - Sáng 27-4, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) đã khai mạc hai triển lãm ảnh lớn là Ký ức những con đường trong chiến tranh và 50 năm Việt Nam - chiến tranh và hòa bình.

Một góc của triển lãm ảnh - Ảnh: T.Tuấn

Triển lãm Ký ức những con đường trong chiến tranh của Hoàng Văn Sắc và 50 năm Việt Nam - chiến tranh và hòa bình là của nhiếp ảnh gia Nhật Bản Ishikawa Bunyo.

Lẫn trong các khán giả đến dự khai mạc triển lãm, một người đàn ông cao lớn với chiếc áo sơmi ướt đẫm mồ hôi dưới cái nóng tháng 4 của Sài Gòn mà người ta dễ nhận ra đó là cựu phóng viên chiến trường nổi tiếng Tim Page.

Ông đeo trên mình hai máy ảnh. Một là máy ảnh kỹ thuật số hiện đại hôm nay, cái còn lại là máy ảnh Leica “cổ lỗ” chụp phim mà ông từng chụp chiến tranh Việt Nam từ những năm 1960. Thỉnh thoảng hết phim ông lại lấy cuộn phim khác ra thay.

Bên cạnh ông là đồng nghiệp John Giannini với máy quay phim kè kè bên mình. Họ đến để dự và phỏng vấn hai đồng nghiệp Hoàng Văn Sắc cùng Ishikawa Bunyo cho đợt triển lãm ảnh tròn 40 năm ngày kết thúc chiến tranh này.

Có một chút hoài niệm bởi khi nhìn Tim Page, người ta bỗng nhớ đến cựu phóng viên chiến trường nổi tiếng người Đức Horst Faas.

Năm 1997 Horst Faas và Tim Page cùng tổ chức triển lãm Hồi niệm (Requiem) nổi tiếng thế giới về những cựu phóng viên chiến trường của cả hai phía đã bỏ mạng trong cuộc chiến ở Đông Dương.

Những đợt lễ lớn ngày 30-4 như thế này, cả Horst Faas và Tim Page đều như “hồi hương” về Sài Gòn. Nhưng năm 2012 Horst Faas đã qua đời. Năm nay chỉ còn Tim Page đến.

Trong chiến tranh, nhiếp ảnh gia Hoàng Văn Sắc là cựu phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, được phân công chụp tình hình giao thông tuyến lửa của Khu 4 và đường Trường Sơn.

Ông có những bức ảnh nổi tiếng như Ngã ba Đồng Lộc, Đường trong mây... về những cô gái thanh niên xung phong huyền thoại, những chiến sĩ giao thông kiên cường.

Còn Ishikawa Bunyo chụp ảnh chiến tranh Việt Nam từ năm 1965. Sau chiến tranh ông vẫn theo đuổi mảng đề tài về nạn nhân chất độc da cam của cả Việt Nam và Mỹ, Hàn Quốc...

Những bức ảnh của ông trước đây từng được triển lãm ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Năm 2014 ông tổ chức triển lãm 50 năm Việt Nam - chiến tranh và hòa bình tại Nhật.

Giờ đây ông trao tặng toàn bộ bộ ảnh cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Hồi tưởng về chiến tranh, Ishikawa Bunyo nói: “Tôi sinh ra ở Okinawa, nơi có nhiều người đã bị giết chết trong chiến tranh, nên khi chụp ảnh chiến tranh Việt Nam tôi nhớ về Okinawa. Tôi thấy chiến tranh ở Okinawa, Việt Nam hay Afghanistan, Iraq... hiện nay đều giống nhau, là sự chết chóc của dân thường”.

“Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên mà cánh báo giới được phép theo quân đội ra chiến trường. Nhưng vì có nhiều cảnh chết chóc của phụ nữ, trẻ em... quá nên giới quân sự sau này không muốn nữa. Điều đó thật đáng tiếc” - I. Bunyo trầm ngâm, tỏ ra tiếc rẻ.

Lịch sử đã ghi nhận điều đó. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến mà giới phóng viên chiến trường đã tạo ra những làn sóng xã hội sôi động, mạnh mẽ nhất, nhưng cũng với nhiều tên tuổi đã ngã xuống như Larry Burrows, Henri Huet, Kyoichi Sawada, Bernard Fall...

Nhiếp ảnh gia Hoàng Văn Sắc và phóng viên ảnh huyền thoại Tim Page ở buổi khai mạc - Ảnh: T.Tuấn

“Với Việt Nam, nhiều người giờ cũng không biết cuộc chiến tranh xảy ra như thế nào. Nhiều người Nhật cũng không biết chiến tranh diễn ra như thế nào” - ông Ishikawa Bunyo nói tại buổi ra mắt.

Ông nói là một phóng viên có trách nhiệm thì ông muốn lưu lại những hình ảnh này cho nhân dân thế giới.

Nhiếp ảnh gia Ishikawa là một trong những nhiếp ảnh gia hiếm hoi đến được cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh.

Từ 1965- 1968 ông sống và làm việc tại miền Nam và đến tháng 10-1972, ông đến miền Bắc Việt Nam chụp chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ.

Triển lãm ảnh 50 năm Việt Nam - chiến tranh và hòa bình trưng bày 107 ảnh của ông với năm chủ đề về chiến tranh xâm lược cũng như là sự vươn lên khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước.

Còn triển lãm Ký ức những con đường trong chiến tranh của phóng viên chiến trường Hoàng Văn Sắc gồm 93 ảnh tư liệu thuộc ba chủ đề: những con đường huyết mạch trong chiến tranh, các chiến sĩ và TNXP trên những con đường và khôi phục xây dựng các con đường sau chiến tranh.

THANH TUẤN

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên