31/03/2015 10:51 GMT+7

​Khi đàn sếu bay... đi

Q.THI
Q.THI

TT - Trong tháng 3, dân nhiếp ảnh chộn rộn hẳn với những chuyến đi Campuchia qua ngả Hà Tiên chụp ảnh sếu đầu đỏ.

Sếu đầu đỏ ở khu bảo tồn Campuchia - Ảnh: Lê Văn Đông

Sếu về VN thưa thớt là lý do vì sao các nhiếp ảnh gia giờ đây phải quày quả sang Campuchia chụp ảnh sếu.

Đi tour chụp ảnh sếu

Trên mạng, các tour du lịch chụp ảnh sếu được giới thiệu giá 4 triệu đồng cho một chuyến đi TP.HCM - Tràm Chim (Đồng Tháp) - Kiên Lương (Kiên Giang) - Anlung Pring (Kampot, Campuchia).

Các nhiếp ảnh gia lâu năm thì tìm đến các địa chỉ tin tưởng hơn là các nhiếp ảnh gia “thổ địa” ở Hà Tiên để dẫn đi.

Nhiếp ảnh gia Lê Văn Đông ở Hà Tiên, người được tin tưởng hướng dẫn các tour chụp ảnh sếu như vậy, cho biết: “Tôi được anh em nhiếp ảnh quen biết nhờ dẫn đi. Giá mỗi chuyến cỡ 1,7 triệu đồng.

Tiền mua vé vào khu bảo tồn chụp ảnh sếu là 3 USD/người. Tiền thuê chèo đò vào đồng cỏ năn chụp ảnh sếu vòng đi là 300.000 đồng, vòng về 300.000 đồng. Rồi tiền ăn, tiền đóng cho xã, tiền biên phòng...”.

Ông Đông cho hay sếu vẫn về Kiên Lương (Kiên Giang) nhưng chỉ chừng dăm chục con so với hàng trăm con trước đây. Buổi sáng sếu bay đến thì trưa đã bay về Campuchia.

“Tháng 3 này người đi chụp ảnh sếu rất đông. Người từ TP.HCM, rồi anh em từ Hà Nội, miền Trung, Lào Cai, Yên Bái... cũng có” - ông Đông hào hứng kể chuyện chụp ảnh sếu như vậy.

“Khách hàng” mới nhất của ông Đông chuyến đi ngày 25-3 là nhiếp ảnh gia Đoàn Hồng của Đồng Tháp. Những năm sếu đầu đỏ vẫn về từng đàn lớn ở Tràm Chim, ông Đoàn Hồng được xem là “chuyên gia” chụp ảnh sếu ở Đồng Tháp.

Nhưng giờ đây, ông phải qua Campuchia để chụp ảnh sếu đầu đỏ quen thuộc của mình.

Ông Đoàn Hồng kể năm 1996 sếu về Tràm Chim 1.800 con. Nay sếu chỉ về thưa thớt vài chục con. Khi hỏi liệu có hi vọng sếu đầu đỏ về lại như trước đây không, ông nhớ đến khu bảo tồn sếu bên Campuchia mà “bi quan”:

“Sếu đầu đỏ sống vì môi trường, mà tôi thấy môi trường bên đó (Campuchia) tốt lắm. Họ làm bảo tồn rất tốt, cánh đồng cỏ năn rất rộng, có nguồn thức ăn dồi dào và nguồn nước phù hợp với sếu. Tôi nghĩ kiểu đó thì con sếu rất... khó đi”.

Chụp ảnh sếu lâu năm, các nhiếp ảnh gia phát hiện những tập tính của sếu. Có những đặc tính rất khó giải thích. Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu kể lại: “Cùng loài sếu đó nhưng ở Campuchia thì nó rất dạn người, rất dễ chụp ảnh, còn ở VN chúng lại rất e dè.

Phát hiện tôi tiếp cận là con đầu đàn ngỏng cổ lên, cảnh giới rồi lảng ra ngay”. Nhiếp ảnh gia Đoàn Hồng cũng nhận ra điều này: “Tôi thấy sếu bên đó dạn người lắm. Người dân đi tới đi lui, tát nước, bắt cá... nhưng sếu vẫn bình thường”.

Mất sếu... thật buồn

Cũng trong tháng 3, tiến sĩ Trần Triết - chuyên gia về sếu đầu đỏ vùng Đông Nam Á của Quỹ Sếu quốc tế (ICF - International Crane Foundation, trụ sở tại Mỹ) - có chuyến về nước khảo sát sếu vùng Campuchia và VN.

Theo con số của TS Trần Triết, sếu đầu đỏ ở vùng Campuchia, VN chừng 800-1.000 con, được xếp vào nhóm lo ngại vì số lượng không tăng. Bài học mất sếu được TS Trần Triết đưa ra là Mỹ với Thái Lan.

Ông cho hay: “Cách đây 30 năm Thái Lan đã mất sếu, bắt đầu tìm cách gầy dựng lại đàn sếu bằng cách nuôi trong môi trường thảo cầm viên rồi thả ra môi trường tự nhiên.

Họ làm điều này bởi vì họ cảm thấy quý loài chim này. Tuy nhiên dù chi phí thật sự tốn kém, được các chuyên gia Mỹ giúp đỡ... nhưng cách này chưa chắc thành công”.

Khi được hỏi về khả năng sếu không trở về VN thì sao, TS Trần Triết trả lời: “Tôi nghĩ nếu mất sếu thì hình ảnh VN rất đáng buồn. Trong khi Mỹ, Thái Lan để mất sếu họ phải chi phí tốn kém để gầy dựng lại mà chưa chắc đã thành công, còn chúng ta có sếu mà để mất đi thì...”.

Cũng theo TS Trần Triết, môi trường Tràm Chim vẫn rất tốt, có thể nuôi được đàn cả hàng ngàn con sếu. Nhưng đó chỉ là nơi sếu về ngủ, còn nơi kiếm ăn của sếu là những bãi cỏ năn có vũng nước nhỏ lân cận thì đã bị chuyển mục đích sử dụng hết.

Ông đánh giá: “Tôi nghĩ những bãi cỏ kiếm ăn như vậy xung quanh Tràm Chim đã hết rồi, nếu còn giữ thì chỉ có thể ở Kiên Lương.

Nhưng vì những bãi cỏ như vậy không phải là rừng nên khó để đưa vào mục đích bảo hộ, mà dễ bị người dân chuyển qua mục đích khác như đào đất nuôi tôm, xây công trình... Tôi nghĩ để làm được điều này thì trước tiên phải là chính quyền địa phương”.

Q.THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên